Học sinh có thể tạo lập đoạn văn nghị luận xã hội nhanh và đủ ý theo 5 bước (nên ghi nhớ những chữ cái đầu tiên của từng bước): Giới thiệu, dẫn dắt; giải thích; phân tích, chứng minh; bình luận, phản đề; rút ra kết luận.
Lưu ý: Không lấy dẫn chứng trong các tác phẩm văn học. Ngoài ra, học sinh cần chú ý theo dõi tin tức xã hội, đọc báo, chương trình thời sự... để bổ sung vào nguồn dẫn chứng của mình
Lưu ý phần nghị luận văn học
Với nội dung này, cô Châu cho rằng học sinh nên dành thời gian tối đa 70 phút trong quỹ thời gian làm bài thi. Học sinh cần chia thành chuyên đề và nắm vững phương pháp làm bài, cụ thể như sau:
Chuyên đề 1: Thơ ca; học sinh hãy ôn tập nhiều về phương pháp làm nghị luận văn học về các bài thơ hoặc đoạn thơ, kĩ năng so sánh, liên hệ, cần nắm chắc những kiến thức liên quan tới tác giả và tác phẩm. Ngoài ra học sinh cần phải nâng cao kĩ năng lí luận văn học, phê bình văn học bằng cách đọc nhiều sách báo, xem nhiều tin tức…
Chuyên đề 2: Văn xuôi; học sinh cần ôn luyện về cách làm nghị luận về một trích đoạn văn xuôi, một nhân vật văn học, một ý kiến bàn về văn học, một chi tiết, dạng đề so sánh liên hệ. Đồng thời, học sinh phải đưa ra được những dẫn chứng cụ thể để phân tích, mở rộng cho nội dung của tác phẩm.
Chuyên đề 3: Kịch - với tác phẩm Hồn Trương Ba, da hàng thịt. Với thể loại này, học sinh nắm vững đặc điểm của thể loại kịch, các xung đột kịch, hành động kịch và nhân vật kịch.
Ngoài ra, học sinh cần đọc lại những tác phẩm thuộc chương trình lớp 11 để phục vụ cho phần mở rộng, liên hệ và so sánh. Đừng quên dành 5 phút cuối giờ để soát lại bài