Ảnh minh họa/ITN. |
Chia sẻ kinh nghiệm ôn tập, thầy Nguyễn Hữu Minh, Trường THPT Nguyễn Huệ (Bến Tre) cho biết: Dựa trên cơ sở đề tham khảo, giáo viên phân tích cấu trúc ma trận, nội dung đề để định hướng nội dung ôn tập. Giáo viên soạn hệ thống câu hỏi, hệ thống bài tập theo từng chủ đề và theo bộ đề, các mức độ tối thiểu cần đạt được trong mỗi phần, giúp học sinh dễ hiểu, dễ tiếp thu nhất trong quá trình ôn tập.
Một số phương pháp ôn tập cơ bản giáo viên có thể hướng dẫn học sinh, như: Lập bảng kiến thức, sử dụng sơ đồ tư duy; giao bài tập trắc nghiệm trực tuyến với số câu hỏi ít ở mức độ thông hiểu, nhận biết cho học sinh thực hiện… Cùng với đó, kết hợp hướng dẫn học sinh tự học, tự ôn tập theo nhóm.
Đối với học sinh yếu, giáo viên xây dựng kế hoạch hỗ trợ, giúp học sinh hệ thống hoá kiến thức, giúp các em nắm được nội dung cốt lõi nhất của bài học. Cũng cần cho học sinh giải đề tham khảo để làm quen với cấu trúc đề thi, nhằm đánh giá mức độ kiến thức tính tới thời điểm hiện tại, đưa ra dự đoán khả năng của bản thân. Qua đó, giúp học sinh điều chỉnh phương pháp học, cách thức học phù hợp để đạt được kết quả tốt.
Thầy Nguyễn Hữu Minh cho biết: Đề thi tham khảo có khoảng 75% câu đều là kiến thức cơ bản - yêu cầu cần đạt. Nội dung đề thi chủ yếu thuộc chương trình lớp 12 (chiếm 90%), lớp 11 (chiếm 10%). Câu hỏi không nặng về lịch sử chiến tranh, quân sự mà bao quát được các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, ngoại giao,... Đề tham khảo bảo đảm tính phân hóa học sinh, mức độ vận dụng, vận dụng cao chiếm khoảng 25%.