Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi ghi nhận, đánh giá cao những kết quả tích cực trong công tác giáo dục thể chất, hoạt động thể thao và y tế trường học.
Sáng 29/7, tại TP Hải Phòng, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị triển khai công tác giáo dục thể chất (GDTC), hoạt động thể thao (HĐTT), y tế trường học năm 2024-2025. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Kim Chi dự và chỉ đạo Hội nghị. Cùng dự có ông Nguyễn Thanh Đề - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thể chất và cán bộ, chuyên viên Vụ; đại biểu lãnh đạo các Sở GD&ĐT, chuyên viên phụ trách.
Nhiều kết quả khả quan
Tại Hội nghị, ông Nguyễn Thanh Đề đã báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ năm học 2023-2024 và triển khai nhiệm vụ năm học 2024-2025 đối với GDTC, HĐTT và y tế trường học.
Theo đó, năm học 2023-2024, công tác GDTC, HĐTT và y tế trường học, bảo vệ chăm sóc trẻ em được lãnh đạo Bộ, ngành, các đơn vị giáo dục quan tâm, chú trọng. Hệ thống các văn bản chỉ đạo, các chương trình, kế hoạch triển khai được hoàn thiện, ban hành đầy đủ, kịp thời.
Công tác hướng dẫn tổ chức thực hiện đối với các địa phương, cơ sở giáo dục được triển khai đồng bộ, thực hiện hiệu quả thông qua việc hoàn thiện các tài liệu hướng dẫn, tài liệu truyền thông và tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cán bộ, giáo viên cốt cán.
Năm học vừa qua đánh dấu thành công của ngành trong công tác chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính với lĩnh vực GDTC, HĐTT và y tế trường học. Toàn ngành tích cực đổi mới phương pháp, nâng cao chất lượng dạy học thể chất bằng cách ứng dụng CNTT, xây dựng các bài giảng điện tử. Việc số hóa hồ sơ sức khỏe của hơn 18 triệu học sinh phổ thông đang được dần hoàn thiện đã góp phần nâng cao chất lượng tham mưu chính sách đối với công tác GDTC, HĐTT và y tế trường học. Đặc biệt, việc xây dựng các phần mềm tổ chức thi đấu (cấp khu vực, toàn quốc) các HĐTT trong nước và quốc tế, số hóa hồ sơ vận động viên giúp giảm thủ tục hành chính, quản lý đối tượng tham dự, xác định chính xác, kịp thời kết quả thi đấu, nâng cao tính chuyên nghiệp và chất lượng chuyên môn của các hoạt động.
Năm học 2023-2024 để lại dấu ấn đậm nét bởi sự quan tâm lớn lao của Đảng, Nhà nước, ngành Giáo dục và toàn xã hội đối với các hoạt động HĐTT học đường. Cụ thể là việc tổ chức thành công HĐTT học sinh, sinh viên trong nước và quốc tế: Đăng cai Đại hội Thể thao học sinh Đông Nam Á lần thứ 13; Tổ chức Hội khỏe Phù Đổng các cấp và toàn quốc lần thứ X; Tham gia Đại hội thể thao sinh viên Đông Nam Á,...
Bên cạnh đó, công tác xã hội hóa từ nguồn kinh phí hợp pháp cho công tác tổ chức các HĐTT trong trường học bước đầu nhận sự quan tâm, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân liên quan, góp phần phát triển HĐTT trường học, giảm áp lực từ nguồn ngân sách nhà nước.
Theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thể chất, công tác y tế trường học, chăm sóc sức khỏe trẻ em, học sinh tiếp tục được quan tâm, triển khai theo các Chương trình, Đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đã mang lại hiệu quả tác động tích cực. Bộ GD&ĐT đã phối hợp chặt chẽ với Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (Bộ Y tế) tổ chức hướng dẫn, triển khai lồng ghép công tác tiêm chủng, công tác kiểm tra tiểu sử và tiêm chủng bù liều cho trẻ em nhập học tại các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học; tiếp tục triển khai chương trình Mắt học đường và Nha học đường...
Bộ GD&ĐT tiếp tục chỉ đạo các địa phương, cơ sở giáo dục tổ chức thực hiện các chương trình, đề án và các quy định về y tế trường học: Chương trình Sức khoẻ học đường giai đoạn 2021-2025 và Đề án đảm bảo dinh dưỡng hợp lý kết hợp tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh, sinh viên giai đoạn 2018-2025; Chương trình Y tế trường học trong các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông gắn với y tế cơ sở giai đoạn 2021-2025...
Ngành Giáo dục đã bước đầu huy động được các nguồn lực trong xã hội, tranh thủ đầu tư của các chương trình, dự án để hỗ trợ các cơ sở giáo dục, địa phương trang thiết bị phục vụ tổ chức bữa ăn học đường bảo đảm dinh dưỡng và an toàn thực phẩm, các công trình nước sạch, công trình vệ sinh trong trường học góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động chăm sóc sức khỏe học sinh trong trường học.
Công tác đảm bảo an toàn trường học, phòng chống tai nạn thương tích, đuối nước được tăng cường, triển khai chủ động, có hệ thống từ việc hoàn thiện chính sách đến hướng dẫn tổ chức thực hiện góp phần giảm tỷ lệ trẻ em, học sinh bị tai nạn thương tích, đuối nước. Nhiều Sở GD&ĐT đã tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố triển khai Đề án phổ cập bơi trẻ em, học sinh; phát động phong trào học bơi an toàn, phòng chống đuối nước, tiêu biểu như: Cần Thơ, Quảng Ninh, Quảng Trị...
Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành Giáo dục thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế cần khắc phục. Cụ thể, việc triển khai thực hiện Chương trình môn học GDTC, phương pháp giáo dục, kiểm tra, đánh giá kết quả còn chậm đổi mới, chưa theo kịp với mục tiêu, yêu cầu của Chương trình. Công tác phối hợp kiểm tra, giám sát thực hiện Chương trình GDTC, hoạt động thể thao trong trường học chưa thường xuyên, vì vậy việc đánh giá và phân xếp loại chất lượng GDTC hiện nay chưa tốt, chưa có số liệu thực tiễn để đánh giá. Công tác tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kiến thức, nghiệp vụ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, giáo viên GDTC còn hạn chế, chưa được thực hiện thường xuyên, hiệu quả. Công tác truyền thông các vấn đề liên quan đến GDTC, HĐTT và y tế trường học đôi khi còn chưa kịp thời, đầy đủ...
4 nhóm nhiệm vụ trọng tâm
Vụ trưởng Vụ GDTC Nguyễn Thanh Đề cho hay, nhằm thực hiện hiệu quả các quan điểm, chỉ đạo của Đảng, Chính phủ về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo và thực hiện chủ đề năm học 2024-2025 của toàn ngành Giáo dục là: Kỷ cương trách nhiệm, đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo và căn cứ vào tình hình thực tiễn, Vụ Giáo dục thể chất xác định 4 nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung thực hiện.
Cụ thể: Tổ chức đánh giá tình hình, kết quả triển khai thực hiện môn Giáo dục thể chất thuộc Chương trình giáo dục phổ thông 2018; thực hiện hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tiễn của từng địa phương đối với các môn thể thao tự chọn được quy định tại chương trình môn học GDTC.
Tiếp tục duy trì, ổn định và phát triển hệ thống giải thi đấu thể thao học sinh, sinh viên gắn kết với nội dung môn GDTC thuộc chương trình Giáo dục phổ thông 2018, chương trình môn GDTC thuộc các chương trình đào tạo trình độ đại học, ưu tiên phát triển môn bơi, võ cổ truyền, các môn thể thao dân tộc.
Tăng cường công tác xây dựng trường học an toàn, phòng chống tai nạn thương tích, đuối nước, phòng chống dịch, bệnh học đường; đảm bảo dinh dưỡng hợp lý kết hợp hoạt động thể lực cho trẻ em, HSSV; tiếp tục hoàn thiện cơ sở dữ liệu về sức khỏe học đường.
Tổ chức tổng kết, đánh giá kết quả triển khai các Chương trình, Đề án của Chính phủ: Chương trình Sức khỏe học đường giai đoạn 2021 - 2025; Chương trình Y tế trường học trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông gắn với y tế cơ sở giai đoạn 2021-2025; Đề án đảm bảo dinh dưỡng hợp lý kết hợp tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, HSSV để nâng cao sức khỏe, dự phòng bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản giai đoạn 2018-2025 và Đề án tổng thể phát triển giáo dục thể chất, thể thao trường học giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025.
Tại Hội nghị các đại biểu cùng lắng nghe, thảo luận nhiều ý kiến phát biểu đóng góp của các địa phương để nâng cao chất lượng công tác GDTC, HĐTT và y tế trường học.
Kết luận tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Kim Chi ghi nhận, đánh giá cao những kết quả mà ngành Giáo dục đã đạt được trong lĩnh vực GDTC, HĐTT và y tế trường học. Đặc biệt là sự nỗ lực của toàn ngành trong việc chỉ đạo, hướng dẫn, phối hợp với địa phương trong việc thực hiện thành công các HĐTT học sinh, sinh viên trong nước và quốc tế. Với những thành quả đã đạt được, Thứ trưởng bày tỏ mong muốn năm học tới, toàn ngành sẽ nỗ lực, phát huy gặt hái được nhiều thành công, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh, sinh viên.