Một số bài học kinh nghiệm từ Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 được rút ra để chuẩn bị tốt hơn cho Kỳ thi vào năm tới.
Chiều 22/7, ông Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) đã có báo cáo chuyên đề về quản lý chất lượng tại Hội nghị Giám đốc Sở GD&ĐT năm 2024. Trong đó có thông tin về Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 và một số chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025.
Theo ông Huỳnh Văn Chương, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 đã đạt được các mục tiêu đề ra và bám sát Nghị quyết 29-NQ/TW, Nghị quyết 88/2019/QH14 của Quốc hội và các Nghị quyết, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Kỳ thi đã triển khai tốt, song song với việc thực hiện Đề án 06/QĐ-TTg về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 của Chính phủ, hướng đến đảm bảo an toàn cho học sinh dự thi.
Diễn ra trong điều kiện thời tiết khá thuận lợi trên cả nước, công tác chuẩn bị tổ chức thi được thực hiện chủ động, khẩn trương, kỹ lưỡng, chu đáo, toàn diện. Việc tổ chức coi thi tại tất cả các Điểm thi bảo đảm an toàn, nghiêm túc, đúng Kế hoạch, đáp ứng yêu cầu tổ chức thi gọn nhẹ, thiết thực. Kỳ thi được tổ chức trung thực, khách quan, an toàn, đúng quy chế, bảo đảm thuận lợi và công bằng cho các đối tượng thí sinh.
Công tác đề thi được bảo mật từ Trung ương đến địa phương. Đề thi cơ bản đáp ứng yêu cầu tổ chức thi. Theo đánh giá ban đầu của thí sinh, giáo viên và dư luận xã hội, đề thi các bài thi/môn thi nằm trong chương trình THPT, có sự phân hóa phù hợp bảo đảm kết quả thi chính xác, khách quan dùng để xét công nhận tốt nghiệp THPT và cung cấp dữ liệu cho các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp sử dụng để tuyển sinh theo tinh thần tự chủ.
Ban Chỉ đạo thi các cấp đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc tổ chức coi thi tại các Điểm thi, kịp thời phát hiện, nhắc nhở và hỗ trợ khắc phục những hạn chế, thiếu sót trong quá trình tổ chức coi thi để tăng cường kỷ cương trường thi, giữ nghiêm kỷ luật phòng thi.
Một số thiếu sót trong quá trình thực thi nhiệm vụ của cán bộ làm công tác thi được khắc phục kịp thời. Các hành vi vi phạm Quy chế của thí sinh đã được phát hiện và xử lý theo đúng quy định của Quy chế thi, bảo đảm tính nghiêm minh của Kỳ thi.
Theo đó, cả nước có 30 thí sinh vi phạm quy chế thi và đã được kịp thời phát hiện và xử lý theo đúng quy định, bảo đảm tính nghiêm minh của kỳ thi. Quá trình tổ chức kỳ thi còn để xảy ra một số thiếu sót cục bộ tại địa phương trong công tác in sao đề thi, coi thi đã được xử lý kịp thời, bảo đảm quyền lợi của thí sinh.
Từ thực tiễn tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, 5 bài học kinh nghiệm được Bộ GD&ĐT rút ra như sau:
Thứ nhất: Sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành, địa phương; sự nỗ lực của toàn ngành Giáo dục; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận, ủng hộ của xã hội là nhân tố quan trọng có ý nghĩa quyết định để Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 được tổ chức thành công, đáp ứng yêu cầu đổi mới thi, tuyển sinh.
Thứ hai: Phân công và phân cấp trách nhiệm rõ ràng. Công tác chỉ đạo, tổ chức Kỳ thi từ Trung ương tới các địa phương đã được triển khai đồng bộ, rõ trách nhiệm, rõ việc từng khâu, từng bước, hiệu quả.
Bộ GD&ĐT đã phân cấp mạnh đến các địa phương trong công tác tổ chức thi. Trong đó, Bộ GD&ĐT ban hành Quy chế thi, thực hiện ra đề thi và thanh tra, kiểm tra công tác tổ chức thi, ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý cơ sở dữ liệu thi đồng bộ và thuận lợi cho nhiều mục đích vừa xét tốt nghiệp vừa xét tuyển sinh đại học, cao đẳng sư phạm.
Các địa phương chịu trách nhiệm toàn diện công tác tổ chức Kỳ thi trên địa bàn từ khâu in sao đề thi, coi thi, chấm thi, công bố điểm thi xét công nhận tốt nghiệp và xác thực hồ sơ thí sinh.
Thứ ba: Công tác phối hợp, kết nối chặt chẽ, thường xuyên giữa Ban Chỉ đạo cấp quốc gia với Ban Chỉ đạo cấp tỉnh các địa phương đã bảo đảm chỉ đạo thống nhất, thông suốt để tổ chức thi nghiêm túc, an toàn ở từng Hội đồng thi địa phương cũng như trên phạm vi toàn quốc.
Sự phối hợp chặt chẽ và hiệu quả, kịp thời giữa Bộ GD&ĐT với các Bộ ngành liên quan nhất là Bộ Công an, Bộ Y tế, Văn phòng Chính phủ, Điện lực, Thông tin truyền thông, Giao thông, Ban Tuyên giáo,…
Thứ tư: Trách nhiệm toàn diện của UBND các địa phương trong công tác tổ chức Kỳ thi trên địa bàn. Các địa phương đều có phương án và chuẩn bị đầy đủ các điều kiện tốt nhất để tổ chức Kỳ thi. Đặc biệt là sự chủ động của Sở GD&ĐT trong chủ trì tham mưu chỉ đạo tổ chức thi, tăng cường huy động các sở, ngành, đoàn thể phối hợp tổ chức Kỳ thi cùng với nỗ lực cố gắng của đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, học sinh và sự đồng thuận, ủng hộ của phụ huynh học sinh và các lực lượng xã hội đã bảo đảm Kỳ thi được tổ chức nghiêm túc, khách quan, an toàn, đúng quy chế.
Thứ năm: Công tác truyền thông nhanh chóng, kịp thời trong toàn ngành và toàn xã hội về Kỳ thi với sự đồng hành của các cơ quan thông tấn, báo chí từ Trung ương đến địa phương; việc phổ biến, quán triệt sâu rộng mục đích tổ chức thi và quy chế, hướng dẫn thi cho những người tham gia tổ chức thi và thí sinh đã góp phần quan trọng làm nên thành công của Kỳ thi.