Quy hoạch

5 điểm nổi bật về quy hoạch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thời kỳ 2021 - 2030

Hải Quân 26/06/2024 16:38

Bà Rịa - Vũng Tàu là một trong những tỉnh được quy hoạch lên thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030. Cùng điểm qua những điểm nổi bật về quy hoạch tỉnh này thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050.

Đủ tiêu chuẩn lên thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030

Theo Quy hoạch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, quy hoạch xây dựng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát triển, trở thành một trong những khu vực động lực quan trọng của Vùng Đông Nam Bộ.

Đây còn là trung tâm kinh tế biển quốc gia và nằm trong nhóm 5 địa phương phát triển kinh tế biển hàng đầu của cả nước, đến năm 2030 cơ bản đủ tiêu chuẩn của thành phố trực thuộc Trung ương, cơ cấu đô thị đa trung tâm.

Phát triển các ngành, lĩnh vực kinh tế bảo đảm liên kết với các địa phương trong Vùng Đông Nam Bộ và cả nước thông qua hành lang kinh tế Mộc Bài - TP HCM - Biên Hòa - Vũng Tàu và vùng động lực phía Nam.

Đến năm 2030, tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng trên 72 - 75%, các đô thị hạt nhân được thông minh hóa.

Một góc TP Vũng Tàu. (Ảnh: UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu).

Sáp nhập Long Điền - Đất Đỏ, đưa Phú Mỹ lên thành phố

Về phương án quy hoạch hệ thống đô thị, đến năm 2030, Bà Rịa - Vũng Tàu cơ bản đủ tiêu chuẩn của thành phố trực thuộc Trung ương, đóng vai trò là một cực phát triển quan trọng trong hệ thống đô thị của Vùng Đông Nam Bộ.

Khu vực dự kiến thành lập thành phố đạt tiêu chí của đô thị loại I trực thuộc Trung ương được xác lập trên cơ sở các khu vực phát triển đô thị bao gồm Vũng Tàu, Bà Rịa, Phú Mỹ, Long Điền, Long Hải.

8 đô thị loại V là Ngãi Giao, Kim Long, Hòa Bình, Phước Bửu, Bình Châu, Hồ Tràm, Đất Đỏ, Phước Hải và một đô thị sinh thái biển đảo (Côn Đảo).

Sau năm 2030, nâng cấp hai đô thị Ngãi Giao và Phước Bửu từ loại V lên loại IV; phát triển hai đô thị mới loại V là Cù Bị và Suối Nghệ (tại huyện Châu Đức).

Đến năm 2050, Bà Rịa - Vũng Tàu là trung tâm kinh tế biển quốc gia, cơ cấu đô thị đa trung tâm, với các trung tâm đô thị bao gồm Vũng Tàu - Phú Mỹ - Bà Rịa - Long Điền - Long Hải, được kết nối bằng hệ thống giao thông đô thị đồng bộ (hệ thống đường đô thị và các tuyến Metro, Monorail); hệ thống các đô thị vệ tinh quy mô phù hợp, chất lượng môi trường sống theo tiêu chuẩn đô thị xanh.

TP Bà Rịa là tỉnh lỵ của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, trong giai đoạn 2026 - 2030, thực hiện phương án sắp xếp đơn vị hành chính sẽ mở rộng thành phố trên cơ sở tiếp nhận một phần diện tích và dân số của thị xã Phú Mỹ để bảo đảm đủ tiêu chuẩn cả về diện tích tự nhiên và quy mô dân số của thành phố trực thuộc tỉnh.

Sau năm 2030, Bà Rịa nằm ở vị trí trung tâm của khu vực dự kiến thành lập thành phố Bà Rịa - Vũng Tàu trực thuộc Trung ương.

Cụ thể về phương án phát triển đô thị, giai đoạn 2023 - 2025, quy hoạch sẽ sáp nhập huyện Long Điền và huyện Đất Đỏ thành một đơn vị.

Cùng với đó, dự kiến sắp xếp 9 đơn vị hành chính cấp xã là: sáp nhập xã An Nhứt, xã An Ngãi và xã Tam Phước (huyện Long Điền); sáp nhập phường Phước Trung và Phường Phước Hiệp (thành phố Bà Rịa); sáp nhập xã Phước Hội và xã Lộc An, sáp nhập xã Long Mỹ và thị trấn Phước Hải (huyện Đất Đỏ).

Cùng với đó, đến năm 2030, tỉnh này cũng sẽ đưa thị xã Phú Mỹ lên thành phố.

Thị xã Phú Mỹ hiện nay. (Ảnh: VnEconomy).

4 vùng chức năng, ba trục kinh tế theo các trục giao thông chính

Theo Quy hoạch, Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ có 4 vùng chức năng bao gồm vùng chức năng công nghiệp - cảng biển nằm ở phía tây - tây nam và tây bắc của tỉnh, bao gồm toàn bộ địa giới hành chính thị xã Phú Mỹ, TP Bà Rịa, khu vực phía tây của huyện Châu Đức và phía tây - tây nam của TP Vũng Tàu.

Đây là vùng tập trung phát triển công nghiệp, cảng biển và phát triển đô thị với động lực kinh tế chủ yếu là dịch vụ phục vụ công nghiệp và cảng biển; liên kết với vành đai công nghiệp, đô thị, dịch vụ, logistics dọc hành lang Vành đai 3, Vành đai 4 TP HCM và các tuyến cao tốc của Vùng Đông Nam Bộ.

Vùng chức năng du lịch và đô thị biển nằm ở phía đông nam của tỉnh, từ dọc QL 55 và phía đông nam QL 51 đến khu vực ven biển dọc đường tỉnh ĐT 994 thuộc địa giới hành chính TP Vũng Tàu, các huyện Long Điền, Đất Đỏ, Xuyên Mộc.

Chức năng chủ yếu của vùng là phát triển du lịch, các dịch vụ phục vụ du lịch; các hoạt động sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng, khai thác thủy sản trong vùng định hướng phát triển phục vụ du lịch.

Vùng chức năng nông nghiệp và cân bằng sinh thái nằm ở khu vực phía bắc và đông bắc của tỉnh; thuộc lãnh thổ hành chính các huyện Đất Đỏ (phía bắc QL 55), huyện Xuyên Mộc (phía bắc QL 55), Châu Đức (phần phía đông QL 56).

Đây là vùng vừa phát triển kinh tế, đồng thời ổn định đời sống dân cư khu vực nông thôn, tăng mật độ che phủ của cây xanh, bảo vệ nguồn nước ngọt...

Vùng biển và hải đảo bao gồm vùng không gian biển do tỉnh quản lý và hải đảo, là vùng tập trung phát triển kinh tế biển. Vùng sẽ phát triển Côn Đảo trở thành khu du lịch sinh thái biển đảo chất lượng cao, đẳng cấp khu vực và quốc tế.

Ba trục kinh tế bao gồm trục kinh tế động lực công nghiệp - Cảng biển Cái Mép - Thị Vải gắn với hệ thống giao thông liên cảng và QL 51, tập trung phát triển hệ thống cảng biển loại đặc biệt quốc gia, chức năng cảng cửa ngõ, trung chuyển quốc tế.

Trục hình thành trung tâm logistics cấp quốc gia, quốc tế. Hình thành khu thương mại tự do gắn với hệ thống cảng biển tại khu vực Cái Mép Hạ với chức năng chính là cảng nước sâu trung chuyển quốc tế, công viên công nghiệp gắn với trung tâm logistics đủ sức cạnh tranh trong khu vực và thế giới.

Trục kinh tế động lực công nghiệp - logistics dọc cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và đường Vành đai 4 TP HCM phát triển các tổ hợp quy mô lớn về công nghiệp - dịch vụ - đô thị tại thành phố mới Phú Mỹ; phát triển các khu công nghiệp công nghệ cao, đô thị dịch vụ mới tại Cù Bị và Suối Nghệ (huyện Châu Đức); khu logistics dọc đường Vành đai 4 TP HCM.

Trục kinh tế động lực du lịch ven biển dọc ĐT 994 và đường nối vào cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu với hệ thống các đô thị du lịch ven biển gồm Vũng Tàu, Long Hải, Phước Hải, Hồ Tràm, Bình Châu, các khu du lịch phức hợp khai thác tài nguyên biển, rừng.

Quốc lộ 51 nằm trên một trong ba trục kinh tế của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. (Ảnh: VEC).

Có tuyến vành đai 4 TP HCM đi qua

Về phương án phát triển mạng lưới giao thông, đối với hệ thống cao tốc đi qua tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tỉnh có hai tuyến cao tốc đi qua bao gồm cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và đường vành đai 4 TP HCM.

Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu có tổng chiều dài 54 km với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 17.837 tỷ đồng. Dự án được chia làm 3 dự án thành phần.

Dự án thành phần 3 dài khoảng 19,5 km đi qua địa bàn Bà Rịa - Vũng Tàu, tổng mức đầu tư 4.964 tỷ đồng. Dự án thành phần 3 cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đi qua địa phận TX Phú Mỹ khoảng 15,5 km (phường Mỹ Xuân, phường Hắc Dịch, xã Tóc Tiên và xã Châu Pha); TP Bà Rịa khoảng 4km (xã Tân Hưng, xã Hòa Long).

Về tiến độ, dự án cơ bản hoàn thành toàn tuyến năm 2025 và hoàn thành đưa vào khai thác đồng bộ toàn dự án năm 2026.

Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đang xây dựng qua tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. (Ảnh: Báo Người Lao Động).

Vành đai 4 TP HCM dài hơn 206 km. Trong đó đoạn qua tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu 18 km; qua Đồng Nai 45,6 km; qua Bình Dương 47,4 km; TP HCM 17,3 km và Long An 78 km. Tổng mức đầu tư toàn bộ dự án khoảng 105.964 tỷ đồng.

Đối với đoạn đi qua tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu dự kiến sẽ được đầu tư quy mô 4 làn xe theo chuẩn cao tốc, vận tốc thiết kế 100 km/h.

Về hình thức đầu tư, tỉnh này đề xuất hai phương án. Phương án 1 là dự án có nền đường 25,5 m với tổng mức đầu tư khoảng hơn 7.972 tỷ đồng. Trong đó, vốn Nhà nước 3.965 tỷ đồng chiếm 49,75% (vốn ngân sách trung ương 1.983 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương 1.983 tỷ đồng), vốn nhà đầu tư 4.005 tỷ đồng chiếm 50,25%. Thời gian hoàn vốn dự án là 20 năm.

Phương án 2 là dự án có nền đường 27 m, với tổng mức đầu tư khoảng 8.100 tỷ đồng. Trong đó, vốn Nhà nước 4.095 tỷ đồng chiếm 50,57% (vốn ngân sách trung ương 2.048 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương 2.048 tỷ đồng), vốn nhà đầu tư 4.005 tỷ đồng chiếm 49,43%. Thời gian hoàn vốn 20 năm.

Nếu được chấp thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu dự kiến sẽ hoàn thành các bước chuẩn bị đầu tư trong năm nay. Năm 2025 tiến hành lựa chọn nhà thầu và tổ chức thi công, hoàn thành trong quý IV/2027.

Hướng tuyến đường vành đai 4 TP HCM (CT 41).

Đối với tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, tỉnh này cũng sẽ đầu tư, xây dựng tuyến đường nối cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, với có tổng chiều dài gần 16,5km được chia làm 3 dự án thành phần.

Dự án thứ nhất là đoạn từ QL 56 (TP Bà Rịa) đến vòng xoay Vũng Vằn (huyện Long Điền) có chiều dài 6,71 km, quy mô đường cao tốc đô thị và đường song hành.

Dự án được phê duyệt tổng mức 6.700 tỷ đồng; trong đó, ngân sách tỉnh bố trí khoảng 1.900 tỷ đồng từ nguồn vốn thực hiện đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. Số còn lại sẽ được bố trí sau 2025.

Dự án thứ hai là đoạn từ vòng xoay Vũng Vằn (huyện Long Điền) đến đường ven biển Vũng Tàu - Bình Thuận (ĐT 994) thuộc địa phận phường 12 (TP Vũng Tàu) với chiều dài hơn 6,8 km, quy mô đường cao tốc đô thị và đường song hành. Hai dự án này dự kiến đầu tư từ năm 2023 - 2027.

Dự án thứ 3 là đường trục chính Vũng Tàu (đoạn từ nút giao đường ven biển Vũng Tàu - Bình Thuận (ĐT 994) đến nút giao vòng xoay đường 51B,C TP Vũng Tàu). Dự án có tổng vốn đầu tư gần 2.000 tỷ đồng.

Dự kiến đường nối cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đoạn từ QL 56 đến nút giao Vũng Vằn và đoạn từ nút giao Vũng Vằn đến đường ĐT 994 sẽ được khởi công trong tháng 10 tới và dự kiến đưa vào khai thác sử dụng vào tháng 12/2026.

Quy hoạch thêm hai sân bay, ba tuyến đường sắt đô thị

Theo Quy hoạch hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, cảng hàng không hiện hữu tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là sân bay Côn Đảo sẽ được đầu tư, nâng cấp với quy mô sân bay cấp 4C, công suất thiết kế 2 triệu hành khách/năm, quy mô quy hoạch gần 182 ha, tổng mức đầu tư 1.605 tỷ đồng.

Cùng với đó, quy hoạch thêm hai sân bay chuyên dùng bao gồm sân bay Gò Găng thay thế sân bay Vũng Tàu hiện nay để chuyển sang mục đích phát triển thương mại dịch vụ. Đây là sân bay cấp 3C, diện tích đất dự kiến khoảng 248,5 ha.

Sân bay Đất Đỏ là sân bay cấp 4C với diện tích dự kiến xây dựng sân bay khoảng 244,3 ha, trong đó có 47,5 ha thuộc địa phận xã Lộc An và gần 197 ha thuộc xã Láng Dài, huyện Đất Đỏ.

Đối với hệ thống đường sắt, tỉnh sẽ đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu có chiều dài khoảng 65 km. Điểm đầu tại ga Trảng Bom, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai, điểm cuối tại Cảng quốc tế Cái Mép - Thị Vải.

Quy mô đề xuất thực hiện khổ 1.435 mm, trong đó, đoạn Biên Hòa - Thị Vải đường đôi, đoạn Thị Vải - Vũng Tàu đường đơn. Tổng mức đầu tư khoảng 50.822 tỷ đồng, theo phương thức PPP.

Cùng với đó, bổ sung quy hoạch hai nhánh kết nối tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu với hệ thống cảng biển gồm nhánh 1 dài 5,3 km kết nối vào khu cảng biển Thị Vải; nhánh 2 dài 9,1 km kết nối vào khu cảng biển Cái Mép và trung tâm logistics Cái Mép Hạ.

Sau năm 2030, tỉnh cũng nghiên cứu đầu tư xây dựng ba tuyến đường sắt đô thị, gồm tuyến số 1 hoạt động chính trên đường ven biển và bao quanh khu nội thành của TP Vũng Tàu, dài khoảng 20 km.

Tuyến số 2kết nối các đô thị ven biển Vũng Tàu, Long Hải, Phước Hải, Hồ Tràm, Bình Châu, dài khoảng 65 km.

Tuyến số 3 kết nối Vũng Tàu - Bà Rịa - Phú Mỹ (tuyến này có phương án kết nối với Cảng hàng không quốc tế Long Thành và TP Nhơn Trạch thuộc tỉnh Đồng Nai), dài khoảng 40 km.

Theo vietnammoi.vn
https://vietnammoi.vn/5-diem-noi-bat-ve-quy-hoach-tinh-ba-ria-vung-tau-thoi-ky-2021-2030-202462414621890.htm
Copy Link
https://vietnammoi.vn/5-diem-noi-bat-ve-quy-hoach-tinh-ba-ria-vung-tau-thoi-ky-2021-2030-202462414621890.htm
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
5 điểm nổi bật về quy hoạch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thời kỳ 2021 - 2030