Bạn ra điều kiện với con là nếu được điểm 10 mẹ sẽ thưởng. Thế nhưng cả một thời gian sau đó, cậu con trai luôn ở trong tình trạng chỉ được điểm 8, 9 và luôn buồn vì không bao giờ có cơ hội nhận phần thưởng của mẹ. Ngày nào bé cũng cố gắng tuy nhiên vẫn bị mẹ mắng mỏ không thương tiếc. Cho đến một ngày, chị đọc được nhật ký của con.
"Bài dạo này rất khó nên dù mình đã cố gắng mà vẫn không được điểm 10, mình rất buồn vì mình đã thức đêm để học bài mà kết quả vẫn không được như ý muốn. Mong một ngày mẹ hiểu mình đã nỗ lực rất nhiều", cậu bé viết. Đôi khi, những bậc phụ huynh quá chú trọng đến kết quả mà lờ đi những gì con cố gắng, đó là điều vô cùng thiệt thòi cho các con.
Khi con đã nhận ra lỗi lầm, hứa sẽ không lặp lại thì cha mẹ nên dừng, không nên nhấn thêm vào sai lầm của con nữa. Nói 1, 2 lần có thể khiến trẻ hiểu ra vấn đề nhưng nói đến 5, 6 lần sẽ khiến con cảm thấy khó chịu. Trẻ cũng không thích bị nhắc nhở, đặc biệt là trong lứa tuổi nổi loạn hay ẩm ương, sự chê bai hay cằn nhằn từ bố mẹ đôi khi sẽ phản tác dụng, làm cho trẻ không những không sửa sai mà còn cố làm ngược lại để ''thách thức'' người lớn.
Bên cạnh đó, câu chuyện nên được giải quyết luôn và nếu đã xong thì không nên nhắc lại. Đừng thi thoảng lại lôi chuyện cũ ra để chì chiết, trách móc trẻ. Như thế vừa làm cho không khí gia đình trở nên căng thẳng, vừa gây ức chế cho tâm lý của con. Hãy là những bố mẹ biết bao dung và khéo léo trong những tình huống như thế này.
Cha mẹ nào cũng mong con cái khoẻ mạnh, thành đạt, giỏi giang. Nhưng mỗi đứa trẻ là một tài năng, mỗi bé lại có sở thích và năng khiếu riêng, điều bố mẹ cần làm là tìm ra và khuyến khích, nâng đỡ cho tài năng của bé.
Không nhất thiết cứ phải mong con hoàn hảo như người khác, hãy tự hỏi mình nên làm gì để ủng hộ sự khác biệt ở con. Một đứa trẻ nếu bị kỳ vọng quá mức, đặc biệt lại ở những điều mà con không thích thì rất dễ nảy sinh sự chống đối, phản kháng lại cha mẹ.