Theo từng mùa, người Nhật luôn ăn những loại rau đặc trưng vì chúng vừa ngon lại còn bổ.
Nhật Bản từ lâu đã là quốc gia có tuổi thọ trung bình cao nhất thế giới. Ngoài yếu tố di truyền và chất lượng cuộc sống ngày càng được nâng cao, bí quyết tăng tuổi thọ của người Nhật thường đến từ những thói quen sinh hoạt hàng ngày, đặc biệt là ăn uống.
Người dân xứ sở Phù Tang hiểu rất rõ lợi ích của từng món ăn, sau đó tận dụng chúng vào những bữa cơm hàng ngày. Vào từng mùa, họ đều ăn những loại rau đang đúng vụ vì lúc này, chúng rất thơm ngon và bổ dưỡng. Chưa kể giá lại còn rẻ và chế biến được thành nhiều món khác nhau.
Người Nhật rất chú trọng dinh dưỡng hàng ngày để nâng cao tuổi thọ.
Theo các chuyên gia, dưới đây là các loại rau tăng cường tuổi thọ, hay thấy nhất trong mâm cơm của người Nhật ngày hè, chợ Việt chẳng bao giờ thiếu.
- Mướp đắng
Đây là loại thực phẩm mà người Nhật rất chuộng, đặc biệt là cư dân vùng Okinawa – nơi được mệnh danh là "hòn đảo trường thọ" bởi có số người trên 100 tuổi rất cao. Theo họ, mướp đắng có tác dụng lọc sạch máu, thải độc cơ thể, kích thích ăn uống và cải thiện chức năng tiêu hóa, giúp máu lưu thông tốt hơn.
Theo Rachael Link – thạc sĩ y tế tại Đại học New York (Mỹ), trong mướp đắng chứa lượng lớn chất chống oxy hóa flanovoid. Flanovoid có tác dụng giúp tăng cường sự phát triển của các tế bào khỏe mạnh và giảm viêm. Chưa kể chất này còn bảo vệ hệ tim mạch, giảm nguy cơ tử vong do các bệnh lý tim mạch như đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, xơ vữa động mạch, ung thư…
Tuy ít người thích nhưng mướp đắng luôn được xếp trong danh sách các loại rau bổ dưỡng.
Phụ nữ Nhật thậm chí còn ép nước mướp đắng để uống hoặc đắp mặt nạ. Khi sử dụng nguyên chất như vậy, làn da sẽ trở nên mịn màng hơn, giảm mụn trứng cá và mụn đầu đen. Mướp đắng còn sở hữu các hoạt tính và vitamin C giúp tái tạo da rất nhanh, ngăn ngừa nếp nhăn sớm.
- Đậu bắp
Loại rau này xuất phát từ Ai Cập cổ đại, nhưng vẫn được giữ gìn và nuôi dưỡng đến tận ngày nay nhờ nguồn lợi ích tuyệt vời. Theo Dan Brennan – chuyên gia dinh dưỡng tại Học viện Nhi khoa Mỹ, thành phần dinh dưỡng trong đậu bắp cao hơn các loại rau củ nói chung. Đặc biệt là protein trong đậu bắp còn được đánh giá "hạng nhất" vì rất dồi dào.
Chất pectin của đậu bắp có tác dụng tăng cường độ đàn hồi cho làn da, kết hợp cùng chất chống oxy hóa giúp thanh lọc máu, loại bỏ tạp chất và đẩy lùi mụn trứng cá. Đậu bắp cũng giàu chất xơ rất có lợi cho việc giảm cân, cùng với lượng calo thấp nên được người Nhật chuộng dùng để ăn kiêng.
Đậu bắp có chất nhớt đặc trưng giúp bôi trơn các khớp, phòng ngừa chấn thương.
Thêm vào đó, đậu bắp còn sở hữu insulin hỗ trợ làm giảm lượng đường trong máu, giúp ích cho quá trình phòng ngừa và điều trị bệnh tiểu đường. Với phụ nữ nói riêng, loại rau này cũng bổ sung nhiều sắt, kali, kẽm… có lợi cho quá trình tạo máu. Nhờ vậy mà ngăn ngừa được chứng thiếu máu do kinh nguyệt hàng tháng.
- Củ cải trắng
Củ cải trắng là một loại rau được ưa chuộng không chỉ trong ẩm thực Nhật Bản, mà còn trong y học cổ truyền của họ. Nó chứa một lượng lớn chất xơ, giúp cải thiện chức năng tiêu hóa và ngăn ngừa táo bón. Vì lý do này, họ luôn đưa củ cải trắng vào mâm cơm theo nhiều cách, chẳng hạn như muối chua và làm súp miso…
Củ cải trắng có hàm lượng calo thấp và chứa nhiều nước, giúp tạo cảm giác no lâu, giảm sự thèm ăn, từ đó hỗ trợ quá trình giảm cân. Loại rau này cũng sở hữu các enzyme tiêu hóa như diastate và amylase, giúp tiêu hóa thực phẩm tốt hơn, loại bỏ độc tố ra khỏi cơ thể.
Củ cải trắng có thể ăn sống hoặc nấu chín, dù thế nào vẫn mang lại lợi ích.
Củ cải trắng rất giàu vitamin C và các chất chống oxy hóa, bảo vệ da khỏi tác hại của các gốc tự do, ngăn chặn quá trình lão hóa cùng các vấn đề về da như sạm da, nám, nếp nhăn. Việc tiêu thụ củ cải trắng không chỉ giúp da sáng mịn mà còn tăng cường sức đề kháng của da, chống lại các tác nhân gây hại từ môi trường.
- Lá hẹ
Còn được nhiều người gọi là cửu thái hoặc khởi dương thảo, cây hẹ giàu dược tính và có mùi thơm đặc trưng, không chỉ được dùng trong các món ăn mà còn là cây thuốc chữa nhiều bệnh. Theo Đông y, lá hẹ để sống có tính nhiệt, nhưng khi nấu chín thì có vị cay giúp ôn trung, tán ứ và giải độc cơ thể hiệu quả.
Trong hẹ rất giàu chất chống oxy hóa như organosulfur và thiosulfate… Nhờ đó tiêu thụ lá hẹ giúp ngăn ngừa sự hình thành của cục máu đông, giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch và nâng cao khả năng lưu thông máu trong cơ thể. Chất chống oxy hóa của hẹ cũng giúp trẻ lâu, đẩy lùi nếp nhăn hiệu quả.
Lá hẹ thường được người Nhật chuộng sử dụng trong nấu ăn hàng ngày.
Trong lá hẹ có hợp chất alliums có thể ngăn ngừa và hỗ trợ điều trị một số loại ung thư. Đồng thời, một vài hợp chất khác được phát hiện trong lá hẹ, chẳng hạn như lưu huỳnh còn giúp cản trở sự phát triển và lây lan của tế bào ung thư ra khắp cơ thể.
- Lá tía tô
Lá của cây tía tô không chỉ là một loại rau xanh thêm vào bữa ăn hằng ngày mà còn là một loại thảo mộc đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Lá tía tô có khả năng điều trị các chứng ngộ độc thực phẩm, cúm và virus đường hô hấp. Người Nhật ăn sushi không bao giờ thiếu loại rau này.
Loại rau này chứa chất luteolin đặc trưng có tác dụng như chất chống oxy hóa, khi đi vào cơ thể sẽ ức chế các gốc tự do cùng các tế bào ác tính, phòng ngừa ung thư hiệu quả. Lá tía tô cũng sở hữu các hoạt chất giúp chống viêm tốt, giảm sưng tấy và hỗ trợ cơ thể đào thải độc tố ra ngoài nhanh hơn.
Lá tía tô thường được người Nhật ăn cùng với các món sushi.
Chưa hết, lá tía tô cũng có công dụng giảm đau dạ dày nhờ tanin và glucosid – 2 chất giúp chống viêm, làm se vết loét ở dạ dày. Nếu sử dụng điều độ, nó sẽ giảm tình trạng đầy hơi sau khi ăn. Bạn có thể ăn sống lá tía tô với các thực phẩm khác, hoặc đun lá rồi lấy nước uống hàng ngày.
Theo Savvytokyo, Webmd, Livestrong