'Ngày còn nhỏ, bạn bè cứ trêu sao tên tôi như tên con trai. Càng lớn lên, chị em chúng tôi càng thấy yêu và tự hào về cái tên 'Việt Nam' cha mẹ đặt cho mình'.
Đó là lời bộc bạch xúc động của chị Trần Thị Hoài Nam, phụ huynh em Diệu Minh lớp 3/7 khi có mặt ở Trường tiểu học Trần Hưng Đạo, quận 1, TP.HCM - trường học của con, trong ngày hội "Từ Mậu Thân đến Mùa xuân đại thắng" diễn ra tại đây hôm 16/4.
Xem những thước phim tư liệu tại ngày hội, nghe những câu chuyện lịch sử được kể bởi các bác cựu chiến binh, những người trực tiếp tham gia Cuộc tổng tiến công và nổi dậy tết Mậu Thân năm 1968, Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975 trên sân khấu, chị Nam đã rưng rưng.
Nhưng cho đến khi xem các em học sinh đồng diễn, xếp hình bản đồ Tổ quốc trên nền nhạc bài "Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng", flycam cũng chiếu trọn vẹn bản đồ Việt Nam trên màn hình lớn giữa sân trường, chị đã bật khóc vì xúc động.
Ông ngoại và bố của chị Nam đều từng trong quân đội, tham gia các cuộc kháng chiến mang lại độc lập, tự do, thống nhất cho Tổ quốc. Trong ngôi nhà của bố mẹ chị ở Hà Nội có treo rất nhiều huân, huy chương của bố.
Hai chị em gái chị Nam đều thuộc thế hệ 8X, sinh ra và lớn lên tại Hà Nội. Chị gái được đặt tên Trần Thị Hải Việt - với ý nghĩa biển của Việt Nam. Còn Hoài Nam là Trần Thị Hoài Nam. Tên của hai chị em gái ghép thành "Việt Nam".
Chị Việt đang định cư tại Đức. Còn chị Nam đang sống tại TP.HCM.
"Bố đặt tên Hoài Nam cho tôi với ý nghĩa "nhớ miền Nam", "hướng về miền Nam". Và như một định mệnh, sau khi tốt nghiệp Trường ĐH Công đoàn, tôi vào TP.HCM sinh sống, làm việc, có gia đình nhỏ của mình. 3 người con của tôi đều chào đời tại TP.HCM - tại miền Nam - nơi bố tôi từng chiến đấu", chị Hoài Nam kể.
"Lúc nhỏ tôi hay bị bạn bè trêu lắm, trêu là tên tôi như con trai. Nhưng lớn lên, khi tôi biết được ý nghĩa tên của mình và của chị gái, hiểu vì sao bố đặt tên như vậy, thì rất tự hào. Bản thân tôi từ khi là sinh viên, tôi tham gia nhiều hoạt động Đoàn, hội, phong trào thiện nguyện... Khi lớn lên, mỗi khi được xem lại những thước phim tư liệu về lịch sử Việt Nam, tôi đều cảm thấy rất xúc động. Tinh thần yêu nước, niềm tự hào dân tộc cứ thế, một cách rất tự nhiên đã có trong dòng máu của mình", nữ phụ huynh bộc bạch.
Bố của chị Hoài Nam năm nay 74 tuổi, chị cho hay "bố nhập ngũ năm 1971, phục viên năm 1986, tới năm 1987 bố chuyển ngành và công tác tới năm 1992 thì nghỉ hưu, sống ở Hà Nội".
Chị Nam cho hay cách đây mấy năm, khi còn khỏe, bố chị có vào thăm miền Nam, các con cháu đưa ông đi thăm địa đạo Củ Chi, thăm dinh Độc Lập và nhiều di tích lịch sử ở TP.HCM.
"Trong những ngày tháng 4 lịch sử này, trong không khí tưng bừng mừng 50 năm thống nhất đất nước, bố tôi ở Hà Nội cũng rất chộn rộn, cảm xúc, dù rất mong có thể vào thăm TP.HCM nhưng sức khỏe không cho phép. Bố tôi ở xa, ôn lại những kỷ niệm xưa cùng đồng đội. Các con cháu in giúp bố tôi những tấm ảnh kỷ niệm từ những chuyến đi lần trước", chị Nam chia sẻ.
Bé lớn nhà chị Nam hiện đang học lớp 7 tại quận 1, bé thứ hai đang học lớp 3 Trường tiểu học Trần Hưng Đạo và bé út năm nay sắp vào lớp 1. Từ nhỏ, các con đã được nghe ông ngoại kể lại câu chuyện chiến đấu ngày trước. Các bé cũng đọc sách, cùng cha mẹ xem những bộ phim lịch sử, phim tài liệu.
Gia đình chị Nam luôn duy trì "music time" - thời gian dành cho âm nhạc vào mỗi tối. Chị Nam yêu thích nhạc đỏ - nhạc cách mạng nên trong danh sách những bài hát mở trong khoảng thời gian này, luôn có 3 ca khúc nhạc đỏ, sau đó là tới các ca khúc được yêu thích của các con.
Chị luôn tin tưởng, những trang sách, thước phim lịch sử và âm nhạc - sẽ là một cách nhẹ nhàng, tự nhiên, giúp các con thêm yêu đất nước, tự hào về truyền thống cha ông, từ đó sống có khát vọng, có ước mơ để xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nền hòa bình các con đang có.