Đột quỵ là dạng tai biến có thể gây ảnh hưởng đến tính mạng của con người, dưới đây là 6 thói quen xấu dễ gây đột quỵ mùa hè, nhiều người không biết vẫn làm.
Đột quỵ là gì?
Đột quỵ là dạng tai biến đáng sợ có thể đe dọa tính mạng của con người. Theo Mayo Clinic (Mỹ), đột quỵ không chỉ ảnh hưởng đến người trên 65 tuổi. Trung tâm này thống kê, khoảng 34% số người nhập viện do đột quỵ có độ tuổi dưới 65.
Mặc dù nguy cơ đột quỵ gia tăng theo tuổi, nhưng bất kỳ ai ở bất kỳ độ tuổi nào cũng có thể bị đột quỵ. Vì thế, nếu bạn thuộc các nhóm yếu tố nguy cơ, việc đánh giá rủi ro cá nhân và sàng lọc đột quỵ là điều vô cùng quan trọng.
Thói quen xấu dễ gây đột quỵ vào mùa hè
Theo bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Tiến Dũng, Phó giám đốc Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai, đột quỵ có thể xảy ra với bất kỳ ai và vào bất kỳ thời gian nào trong năm nhưng thường gia tăng vào mùa hè khi nhiệt độ tăng cao, trời oi bức.
Dưới đây là những thói quen trong ngày nắng nóng có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ.
Tắm ngay khi vừa đi nắng về
Sau khi hoạt động ngoài trời cơ thể sẽ tiết nhiều mồ hôi gây khó chịu, chúng ta thường có thói quen đi tắm ngay sau khi từ bên ngoài trở về nhà. Đây là thói quen xấu mà nhiều người hay mắc phải.
Tắm ngay sau khi từ ngoài nắng trở về có thể khiến nhiệt độ cơ thể giảm đột ngột, làm co lỗ chân lông và các vi mạch dưới da, cản trở quá trình tuần hoàn máu và gây cảm lạnh. Hơn nữa, điều này còn ảnh hưởng đến nhịp tim, huyết áp và có thể dẫn đến đột quỵ ngay sau đó.
Để quạt hoặc điều hòa thổi thẳng người
Mùa hè, việc sử dụng quạt điện hoặc điều hòa để làm mát diễn ra khá phổ biến, nhưng ngồi trực tiếp dưới quạt điện hoặc điều hòa là thói quen không tốt, bởi lúc này cơ thể tiết ra mồ hôi nhiều khiến các mạch máu dưới da bị giãn nở để tỏa nhiệt.
Nếu để những luồng gió lớn thổi trực tiếp vào người thì mồ hôi sẽ càng bốc hơi mạnh, từ đó làm nhiệt độ ngoài da giảm và các mạch máu bị co lại đột ngột trong khi nhiệt độ bên trong cơ thể lại chưa ổn định. Điều này là nguyên nhân gây ra sự mất cân bằng nhiệt độ giữa môi trường trong và ngoài. Hậu quả là sau khi đứng dậy, bạn sẽ rất dễ gặp phải tình trạng hoa mắt, chóng mặt hay đột quỵ ngay tại chỗ.
Để nhiệt độ điều hòa quá thấp
Chúng ta không nên để điều hòa nhiệt độ quá thấp, bởi việc thay đổi trạng thái cơ thể từ nhiệt độ cao sang môi trường có nhiệt độ thấp có thể gây choáng váng.
Khi ở trong phòng điều hòa nhiệt độ thấp thì mồ hôi không thể bốc hơi, dẫn đến tình trạng thấm ngược lại vào cơ thể và gây ra cảm giác lạnh. Điều này có thể làm cho các mạch máu co lại đột ngột, tăng nguy cơ cho tình trạng tăng huyết áp và đột quỵ.
Uống nước đá quá lạnh ngay sau đi nắng
Uống nước đá lạnh sau khi đi ngoài trời nắng về có thể làm giảm cơn khát ngay lập tức. Tuy nhiên, sự thay đổi nhiệt độ đột ngột này có thể dẫn đến vài tác hại, thân nhiệt thay đổi dễ dẫn đến sốc nhiệt, thậm chí tăng nguy cơ đột quỵ.
Ít uống nước
Mất nước là nguyên nhân hàng đầu gây ra đột quỵ khi trời nắng nóng, đặc biệt với người lớn tuổi. Chúng ta nên uống đủ nước mỗi ngày, nếu hoạt động ngoài trời, chơi thể thao, làm việc dưới ánh nắng, bạn cần uống nhiều nước hơn để bù vào phần nhiệt đã mất.
Hoạt động thể chất quá mức
Làm việc hoặc hoạt động thể chất quá mức dưới trời nắng sẽ khiến cơ thể mất nước và dễ say nắng, hay thậm chí là dẫn đến đột quỵ. Đặc biệt, những người mắc các bệnh nền có nguy cơ cao bị nhồi máu não hoặc vỡ mạch máu não, gia tăng nguy cơ đột quỵ.
Làm gì để phòng ngừa đột quỵ?
Đột quỵ là tai biến có thể gây tử vong và tàn tật đứng hàng đầu. Tuy nhiên, chúng ta có thể giảm đáng kể nguy cơ đột quỵ bằng việc nâng cao nhận thức, kiểm soát các tình trạng bệnh lý hiện có và duy trì lối sống lành mạnh.
Việc thực hiện và duy trì các thói quen lành mạnh có thể tạo ra sự khác biệt đáng kể trong việc ngăn ngừa đột quỵ cũng như nhiều tình trạng sức khỏe khác. Mọi người nên tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày; nên ăn nhiều trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt và các nguồn protein nạc; cần hạn chế tiêu thụ rượu bia và nói không với thuốc lá, đồng thời tránh hít khói thuốc lá.
Đối với những người bị huyết áp cao, tiểu đường hoặc cholesterol cao, hãy đi khám định kỳ và trao đổi với bác sĩ điều trị để kiểm soát các chỉ số trong giới hạn cho phép.
Đối với những người mắc bệnh tim mạch, cần điều trị tích cực, triệt để. Ngoài ra, trước khi dùng thuốc, đặc biệt là các thuốc liệu pháp hormone, cần có chỉ định và tư vấn của bác sĩ chuyên khoa.