Đặc biệt, nhà trường luôn quan tâm phát triển nghiên cứu khoa học. Theo đó, trường đã thành lập các nhóm nghiên cứu mạnh và ban hành nhiều chính sách hỗ trợ nghiên cứu khoa học. Hiện nay, Trường đại học Sư phạm (Đại học Huế) thuộc tốp 1 trong các trường sư phạm về số bài báo quốc tế. Cụ thể: nếu như năm 2020 có 116 bài thì đến năm 2021 có 138 bài WOS, SCOPUS. Nhà trường hỗ trợ chuyển giao công nghệ “Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ xây dựng mô hình trồng Sâm cau tại tỉnh Thừa Thiên Huế” cho Công ty TNHH Một thành viên Nông lâm nghiệp Hương Cát.
Hợp tác quốc tế liên tục mở rộng khi Trung tâm INSA Val de Loire - Pháp mở chi nhánh chính thức tại Trường ĐH Sư phạm, ĐH Huế; ký kết thỏa thuận hợp tác quốc tế và thực hiện chương trình trao đổi sinh viên với Đại học Aix Marseile - Pháp, ký kết biên bản ghi nhớ với Trường ĐH Jeju – Hàn Quốc; hỗ trợ phát triển chương trình đào tạo thạc sĩ Phương pháp giảng dạy Toán học cho ĐH Quốc gia Lào; phối hợp với Trường ĐH Khoa học xã hội Singapore tổ chức chương trình bồi dưỡng nâng cao năng lực tiếng Anh trong giảng dạy STEM.
Trong bối cảnh bùng nổ về công nghệ thông tin, chúng tôi nhận thấy, đào tạo giáo viên không đơn thuần là phát triển kỹ năng nghề nghiệp, mà cần phát triển theo định hướng tiếp cận năng lực, phẩm chất người học, tạo ra giá trị “sản phẩm” đáp ứng thay đổi từ yêu cầu thực tiễn của xã hội. Trên tinh thần ấy, nhà trường xây dựng nhiều giải pháp phù hợp, với phương châm hành động “Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế - Nơi tri thức trở thành giá trị”. Đây cũng là triết lý mà nhà trường hướng đến và kiên định thực hiện.
Bắt nhịp cùng đổi mới giáo dục
- PV: Bước vào giai đoạn mới, PGS có thể cho biết, chiến lược phát triển của nhà trường là gì?
- PGS.TS Lê Anh Phương: Một trong những mục tiêu quan trọng mà chúng tôi đề ra đến 2025 là, phát huy mọi nguồn lực, chủ động đào tạo và tranh thủ mọi thời cơ, vượt qua mọi thách thức, đưa nhà trường trở thành một trong ba trường sư phạm trọng điểm của quốc gia.
Để thực hiện hóa, nhà trường xác định tập trung một số nhiệm vụ trọng tâm; trong đó chú trọng nâng cao năng lực, chất lượng đội ngũ, nhất là đội ngũ giảng viên, đáp ứng các chuẩn giảng viên đại học sư phạm và đại học định hướng nghiên cứu, ứng dụng trong bối cảnh hội nhập và phát triển. Bên cạnh đó, chúng tô tiếp tục ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành các lĩnh vực công tác, nhằm hướng đến người học và viên chức lao động Nhà trường. Nâng cao hiệu quả công tác truyền thông, tăng cường quảng bá hình ảnh và xây dựng thương hiệu của nhà trường.
Nhà Trường tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất phục vụ đào tạo và nghiên cứu; đổi mới quản trị đại học, chuẩn hóa chương trình và các hoạt động đào tạo đại học, sau đại học nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới và hội nhập quốc tế theo định hướng đại học nghiên cứu và ứng dụng. Cùng với đó, chúng tôi sẽ tái cấu trúc ngành nghề đào tạo và đa dạng các hình thức, phương pháp giảng dạy. Xây dựng mô hình kết nối doanh nghiệp và nhà trường trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học. Tìm kiếm, ký kết hợp tác với các doanh nghiệp đào tạo theo đơn đặt hàng, đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
- PV: Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã và đang được triển khai vào thực tiễn. Vậu Trường đại học Sư phạm (Đại học Huế) sẽ bắt nhịp như thế nào để đáp ứng yêu cầu đổi mới lần này – thưa PGS?
- PGS.TS Lê Anh Phương: Trước sự phát triển nhanh chóng của giáo dục đại học trên thế giới, khi giáo dục đại học truyền thống đang chuyển sang môi trường giáo dục số, đặt ra thách thức không nhỏ đối với các trường đại học trong nước nói chung và Trường Đại học Sư phạm (Đại học Huế) nói riêng. Chính những thách thức này đã thúc đẩy các nhà giáo dục của Trường phải vận động, phát triển và tìm hướng đi mới phù hợp nhất, hiệu quả nhất nhằm tiếp tục khẳng định thương hiệu của trường sư phạm trọng điểm, địa chỉ uy tín về đào tạo giáo viên trong cả nước và khu vực.
Mô hình đào tạo mới được ban hành ngày 31/7/2020 kèm theo quyết định số 576/QQĐ-ĐHSP một lần nữa khẳng định mục tiêu, chiến lược giáo dục, sứ mạng, tầm nhìn mà nhà trường đang hướng đến. Nhà trường luôn xác định: Giáo dục đại học là chìa khóa mở cửa vào tương lai, một mô hình giáo dục hiện đại, phát huy được tối đa khả năng học tập, năng lực nghề nghiệp và sáng tạo của người học là yếu tố then chốt nhất để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội, góp phần phát triển nền giáo dục quốc gia; đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo mà Đảng và Nhà nước đã đặt ra cho các cấp học, bậc học.
Dựa trên quan điểm tiếp cận năng lực, chúng tôi đã tiến hành nghiên cứu và xây dựng mô hình đào tạo theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực người học với quan điểm kết hợp nối tiếp và song song, giúp người học có đủ kiến thức nền tảng, phát triển phẩm chất và năng lực nghề nghiệp cần thiết, đáp ứng nhu cầu thực tiễn của đất nước cũng như hội nhập quốc tế.
Theo đó, mô hình đào tạo mới là căn cứ định hướng phát triển các chương trình đào tạo (CTĐT) dưới dạng mô-đun và được tổ chức theo học chế tín chỉ, cho phép người học tự tổ chức kế hoạch học tập cho riêng mình tuỳ thuộc vào điều kiện của bản thân, miễn sao người học tích luỹ đủ số tín chỉ cần thiết cho một văn bằng; coi trọng gắn kết giữa đào tạo lý thuyết và thực hành trong trường đại học sư phạm với thực hành nghề nghiệp trong môi trường thực tiễn của các cơ sở giáo dục phổ thông, mầm non và các doanh nghiệp; đảm bảo chất lượng theo yêu cầu của các đơn vị sử dụng lao động.
Đặc biệt, mô hình đào tạo mới được áp dụng từ năm học 2021 – 2022 mở ra cơ hội cùng nhiều “cánh cửa” mới cho người học, bởi người học có thể học song ngành để cấp bằng đại học thứ hai, hoặc sau một giai đoạn học tập có thể chuyển sang ngành học cùng khối ngành nếu đáp ứng điều kiện của khối ngành đó; liên thông dọc giữa bậc đại học và sau đại học (cho phép người học rút ngắn được thời gian đào tạo trình độ thạc sĩ). Đây cũng là điểm mới mà các mô hình đào tạo trước đó chưa đáp ứng được.
Đào tạo theo chương trình mới, người học được phát triển phẩm chất năng lực về giao tiếp và hợp tác, tư duy phản biện, giải quyết vấn đề và sáng tạo, tự học và thích ứng với sự thay đổi, ứng dụng công nghệ thông tin và ngoại ngữ trong hoạt động nghề nghiệp, khởi nghiệp và tạo việc làm cho mình và người khác… Điều này đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển nghề nghiệp tương lai. Chuẩn bị hành trang vững chắc nhất cho người học sau khi tốt nghiệp.
Xin cảm ơn PGS.TS!