8 giải pháp “hồi sức cấp cứu” thị trường bất động sản

Lê Sáng | 17/11/2023, 10:47
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

TS. Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam (VNREA) kiến nghị 8 giải pháp “hồi sức cấp cứu” giúp thị trường tránh phải tiếp tục đối mặt với cục diện khó khăn.

Về kết quả phát hành trái phiếu riêng lẻ, trong 9 tháng đầu năm 2023, tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp nhóm bất động sản đạt 55.677 tỷ đồng, chiếm 34,7%, chỉ đứng sau ngành ngân hàng, theo Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam - VBMA. Trái phiếu doanh nghiệp bất động sản ghi nhận mức lãi suất cao nhất trong các nhóm ngành, lên tới 14%.

Đưa ra quan điểm về thực trạng của các dự án bất động sản đã được xem xét phê duyệt từ những năm 2018, TS. Nguyễn Văn Đính cho biết, hiện có khoảng 1.200 dự án vướng mắc, trong đó tại Hà Nội và TP.HCM có khoảng hơn 500 dự án đang được xem xét và tìm giải pháp tháo gỡ. Phần lớn các dự án trên đều sử dụng đòn bẩy tài chính.

"Trước thực tế này, cho dù có được tháo gỡ vướng mắc về mặt pháp lý thì việc giải quyết, xử lý nợ, duy trì, đặc biệt là tìm nguồn vốn mới để tiếp tục thực hiện cho đến khi hoàn thành dự án cũng là một vấn đề lớn và không hề dễ dàng", Phó Chủ tịch VNREA đánh giá.

8 giải pháp “hồi sức cấp cứu”

Để tập trung vào khôi phục niềm tin trên thị trường, đồng thời thúc đẩy thị trường bất động sản phục hội và phát triển, TS. Nguyễn Văn Đính đã kiến nghị 08 giải pháp với tiền đề quan trọng là sự phối hợp nhịp nhàng, kịp thời của tất cả các phía để đảm bảo có thể kiểm soát đầy đủ và tuyệt đối toàn bộ thị trường.

Thứ nhất , đẩy mạnh hơn nữa hoạt động của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ. Mỗi địa phương cũng cần thành lập một Tổ riêng để đẩy nhanh việc xử lý, tháo gỡ khó khăn cho các dự án vẫn còn vướng mắc. Tránh trường hợp “nước xa không cứu kịp lửa gần”.

Thứ hai , cần sự chung tay, vào cuộc của tất cả các cấp ban ngành, từ Trung ương tới địa phương.

Thứ ba , Chính phủ tiếp tục ban hành các văn bản cụ thể, chi tiết để làm cơ sở xử lý các vấn đề liên quan đến bất động sản.

Thứ tư , các cơ chế, chính sách trước khi ban hành, cần có sự tham gia đóng góp ý kiến của nhiều bên nhằm đảm bảo sau khi ban hành có thể áp dụng ngay được vào thực tiễn với mức độ phù hợp cao.

Thứ năm , đối với nhà ở xã hội, cần một cơ chế đặc biệt hơn, đủ sức hấp dẫn và thật sự thuận lợi để cả doanh nghiệp và người dân có thể tiếp cận được. Cần xác định rõ, đây là phân khúc đặc thù, không nên áp dụng các luật thông thường.

Thứ sáu , Ngân hàng Nhà nước cần có những chính sách cụ thể, đặc thù, ứng dụng tại từng thời điểm, phù hợp với từng sự vụ để góp phần hỗ trợ giải quyết một cách nhanh nhất, kịp thời nhất các vấn đề về nguồn vốn, tín dụng dành cho doanh nghiệp bất động sản và người mua bất động sản. Từ đó, sẽ tiết giảm tối đa các hệ lụy do khó khăn kéo dài.

Thứ bảy , cần nhanh chóng có cơ chế cho các nhóm doanh nghiệp bất động sản, dự án bất động sản có phát hành trái phiếu doanh nghiệp, vay tín dụng… đang gặp khó khăn chưa được tháo gỡ và phải thực hiện nghĩa vụ trong năm 2024. Tránh tình trạng “nước đến chân mới nhảy”, gây “tăng áp”.

Thứ tám , các dự án bất động sản có nguy cơ cao, khó xử lý, cần có chính sách hỗ trợ tài chính và tạo điều kiện thu hồi dự án để Nhà nước thực hiện.

Theo Nhịp sống thị trường
https://markettimes.vn/8-giai-phap-hoi-suc-cap-cuu-thi-truong-bat-dong-san-47455.html
Copy Link
https://markettimes.vn/8-giai-phap-hoi-suc-cap-cuu-thi-truong-bat-dong-san-47455.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
8 giải pháp “hồi sức cấp cứu” thị trường bất động sản