(GDTĐ) - Nấu bếp cùng mẹ, trẻ sẽ phát huy được khả năng sáng tạo, biết thêm nhiều về các kỹ năng khoa học, toán học và ngôn ngữ. Đặc biệt là trẻ sẽ có được những trải nghiệm giác quan mới lạ trong phòng bếp.
Giúp trẻ học các kỹ năng
Vào bếp nấu ăn cùng mẹ sẽ hỗ trợ rất tốt trong việc giúp trẻ học các kỹ năng toán học, khoa học và ngôn ngữ. Mẹ có thể dạy cho trẻ biết công dụng của các món đồ vật, tên gọi của các món thức ăn hay cùng trẻ đếm số lượng của các loại thực phẩm. Mẹ cũng có thể nói cho trẻ biết được nhiệt độ có ảnh hưởng đến đồ ăn như thế nào.
Có thêm trải nghiệm về giác quan
Mẹ hãy để trẻ vào bếp để trẻ có thể trực tiếp chạm tay vào các loại thực phẩm, ngửi những loại gia vị và thảo mộc khác nhau, cảm nhận xem củ quả này đã chín hay chưa. Thay vì việc chỉ dùng vị giác để xem trẻ có thích một loại đồ ăn nào đó hay không thì mẹ có thể cho trẻ sử dụng tất cả các giác quan để quyết định.
Giúp trẻ thấy tự tin hơn
Dạy bé cách nấu ăn để tăng sự tự lập ở trẻ. Thêm vào đó trẻ con cũng rất thích thể hiện mình trước người khác. Mẹ có thể đưa cho con các nguyên liệu để bé tự làm một chiếc bánh hay một món ăn đơn giản. Mẹ hãy ngồi bên cạnh quan sát và động viên cổ vũ trẻ trở thành một đầu bếp chuyên nghiệp.
Giúp trẻ sẵn sàng thử đồ ăn mới
Trẻ sẽ có xu hướng thích ăn những món ăn mới lạ khi được tự tay mình tham gia vào quá trình chế biến hơn là việc có đồ ăn sẵn. Mẹ hãy tạo cho bé cảm giác được sở hữu món ăn. Điều này giúp trẻ sẵn sàng hơn trong việc thử các món ăn đó và ăn ngon miệng hơn.
Xây dựng kỹ năng quản lý rủi ro cho trẻ
Nghiên cứu chỉ ra rằng cho phép trẻ tham gia vào các hoạt động có chứa những rủi ro dưới sự giám sát của mẹ giúp bé học cách điều hướng môi trường xung quanh và bảo vệ cơ thể an toàn. Tuy nhiên, mẹ luôn cần hướng dẫn bé trước khi vào bếp. Điều quan trọng khi nấu ăn cùng con là phải cân nhắc đến độ tuổi, mức độ phát triển và khả năng của bé trước khi cho bé tham gia vào quá trình nấu ăn với mẹ.
Tăng cường khả năng sáng tạo của trẻ
Nấu ăn thực sự là một nghệ thuật. Cho phép con vào bếp nấu ăn cùng mẹ tự tay chế biến ra món ăn của mình là cách để trẻ thể hiện bản thân mình, phát huy khả năng sáng tạo, sự nhạy bén, hỗ trợ cho quá trình phát triển toàn diện ở trẻ.
Học thói quen tiết kiệm
Đây là một thói quen tốt và thói quen này được hình thành dễ dàng nhất là từ các thao tác thực tế. Tiết kiệm nước, tiết kiệm điện, tiết kiệm thời gian, tiết kiệm công sức lao động… tất cả những đức tính này sẽ từ từ hấp thu vào mỗi đứa trẻ thông qua sự chỉ bảo, tâm tình từ cha mẹ mỗi khi làm việc nhà trong đó bao gồm cả công việc nấu nướng.
Bồi đắp tình cảm gia đình
Khi cùng mẹ vào bếp, các bé sẽ thấy và cảm nhận được những tâm tư, tình cảm mà mẹ đã đong đầy trong những bữa cơm gia đình. Cảm được sự tỉ mỉ, kiên trì mẹ đặt vào từng công thức nấu nướng để cho cả nhà dinh dưỡng trọn vẹn nhất. Và từng bước, từng bước, bé sẽ yêu bếp như mẹ, sẽ yêu gia đình nhỏ như cách mẹ chăm lo cho bữa ăn hằng ngày.
Có lẽ, đây là lợi ích tuyệt vời nhất. Cuộc sống bận rộn, hay những niềm vui cá nhân đôi khi sẽ đẩy các thành viên gia đình trở nên xa cách. Không chỉ là bữa cơm bên nhau, việc cùng nhau vào bếp, cùng nhau làm việc nhà chính là một cách vun đắp tình cảm tự nhiên giữa cha mẹ và con cái.