Sáng 23/7, Vụ giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2023-2024 và phương hướng nhiệm vụ năm học mới.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng tham dự Hội nghị.
Chủ động, linh hoạt thực hiện chương trình mới
Tại Hội nghị tổng kết năm học 2023-2024 và phương hướng nhiệm vụ năm học 2024-2025 đối với Giáo dục Trung học, ông Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT đã nêu lên những ưu điểm, hạn chế và đưa ra 8 nhiệm vụ trọng tâm của năm học mới.
Năm học 2023-2024, các nhà trường đã phát huy tính chủ động, linh hoạt trong việc triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018. Trong đó, đội ngũ giáo viên đã tích cực ứng dụng hiệu quả các phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, đổi mới kiểm tra, đánh giá nhằm phát triển năng lực, phẩm chất học sinh. Toàn ngành đã thực hiện đổi mới tổ chức quản lí theo hướng quản trị nhà trường.
Việc thực hiện “một chương trình, nhiều sách giáo khoa” đã được triển khai hiệu quả, phát huy được ưu điểm nổi bật giúp thay đổi từ gốc việc chuyển từ dạy học truyền thụ kiến thức sang dạy học phát triển phẩm chất, năng lực người học. Khó khăn, vướng mắc trong việc phân công giáo viên và tổ chức dạy học các môn học mới đã cơ bản được tháo gỡ.
Các cơ sở giáo dục chú trọng đổi mới phương pháp giáo dục phát huy tính chủ động, sáng tạo của học sinh khi thầy cô đóng vai trò là người tổ chức, kiểm tra, định hướng. Hình thức tổ chức dạy học đa dạng, từng bước ứng dụng công nghệ tiên tiến mang lại hiệu quả tốt.
Phương thức thi, kiểm tra đánh giá chất lượng đã được chuyển dần từ kiểm tra kiến thức sang đánh giá năng lực, phẩm chất của người học; đo lường sự tiến bộ của học sinh trong quá trình học tập và mức độ đáp ứng yêu cầu cần đạt của các môn học, hoạt động giáo dục, bảo đảm độ tin cậy, công bằng, khách quan.
Kết quả thực hiện chương trình cho thấy học sinh mạnh dạn, tự tin, dám thể hiện quan điểm của mình và có nhiều kỹ năng vượt trội, nhất là chủ động tiếp nhận nhiệm vụ của thầy cô, khả năng làm việc nhóm được cải thiện và giúp học trò vận dụng kiến thức đã được học vào thực tế nhiều hơn.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo Vụ Giáo dục Trung học, quá trình triển khai các nhiệm vụ năm học 2023-2024 còn nhiều khó khăn, bất cập như: mạng lưới trường lớp ở nhiều địa phương còn chưa đáp ứng được nhu cầu học tập của học sinh; việc mua sắm thiết bị dạy học còn khó khăn; đội ngũ giáo viên một số môn học còn thiếu, cơ cấu chưa phù hợp, nhất là đối với các vùng khó khăn, miền núi, vùng DTTS; chất lượng phổ cập còn thấp và chưa vững chắc ở một số địa phương, quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường ở nhiều địa phương còn gặp khó khăn, lúng túng..
8 nhiệm vụ trọng tâm năm học 2024-2025
Kế thừa, phát huy những thành tích đã đạt được, phân tích nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế, tại Hội nghị, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học Nguyễn Xuân Thành đã nêu 8 nhiệm vụ trọng tâm cho năm học mới.
Cụ thể, Giáo dục Trung học tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống các văn bản theo yêu cầu tại Nghị quyết số 686/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong đó tập trung rà soát, ban hành các văn bản liên quan đến Chương trình, SGK GDPT. Các địa phương tích cực tham gia góp ý xây dựng, điều chỉnh các văn bản quy phạm pháp luật thực hiện Nghị quyết số 32/NQ-CP ngày 20/3/2024 của Chính phủ và Kế hoạch số 390/KH-BGDĐTngày 24/4/2024 của Bộ GD&ĐT.
Tiếp tục hoàn thiện và phát triển Chương trình GDPT 2018 phù hợp với mục tiêu, yêu cầu đặt ra. Tích cực chuẩn bị các điều kiện và tổ chức đánh giá, tổng kết việc triển khai thực hiện đổi mới chương trình, SGK giai đoạn 2020-2025 tại địa phương và cả nước.
Các Sở GD&ĐT tiếp tục tham mưu UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phát huy cao nhất vai trò tự chủ về chuyên môn của giáo viên, cơ sở giáo dục trong việc tổ chức lựa chọn SGK theo quy định tại Thông tư số 27/2023/TT. Tập huấn cho giáo viên sử dụng SGK và cung ứng SGK cho học sinh đầy đủ, kịp thời cho học sinh. Hoàn thành kịp thời việc tổ chức biên soạn, thẩm định, in ấn, phát hành Tài liệu giáo dục của địa phương lớp 9 và lớp 12 triển khai năm học 2024-2025.
Tiếp tục triển khai công tác quy hoạch phát triển mạng lưới trường, lớp, đội ngũ nhà giáo và cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, sách giáo khoa và tài liệu giáo dục địa phương bảo đảm yêu cầu triển khai Chương trình GDPT 2018; nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục trung học cơ sở; thực hiện hiệu quả công tác giáo dục hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau trung học cơ sở và trung học phổ thông.
Tập trung phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu thực hiện chương trình mới; chú trọng nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ.
Tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018 đối với tất cả các khối lớp, củng cố và nâng cao chất lượng giáo dục trung học; chú trọng triển khai đối với lớp 9, lớp 12 bảo đảm chất lượng, chuẩn bị tốt cho học sinh lớp 12 thi tốt nghiệp THPT năm 2025 theo chương trình mới. Tiếp tục chỉ đạo các cơ sở giáo dục trung học phát huy vai trò chủ động, sáng tạo trong việc xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường; thực hiện quản lí việc dạy học, giáo dục theo hướng phát huy vai trò chủ động, sáng tạo của GV trong việc xây dựng và thực hiện kế hoạch bài dạy bảo đảm các yêu cầu về phương pháp dạy học, kĩ thuật dạy học, kiểm tra, đánh giá, sử dụng thiết bị dạy học và học liệu nhằm phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh.
Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục tổ chức xây dựng và thực hiện kế hoạch kiểm tra, đánh giá phù hợp với kế hoạch dạy học; không kiểm tra, đánh giá vượt quá yêu cầu cần đạt của chương trình mới. Thực hiện tốt việc đánh giá HS theo Thông tư số22/2021/TT-BGDĐT, trong đó, tập trung hướng dẫn về kiểm tra, đánh giá cho học sinh lớp 9 chuẩn bị thi tuyển sinh vào lớp 10 phù hợp quy định; chuẩn bị cho HS lớp 12 tiếp cận định hướng thi tốt nghiệp trung học phổ thông.
Thực hiện đổi mới cơ chế quản lý giáo dục; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát theo thẩm quyền, phù hợp thực tiễn; thực hiện quản trị trường học dân chủ, kỷ cương, nền nếp, chất lượng và hiệu quả trong các cơ sở giáo dục trung học; tổ chức các phong trào thi đua, nhân rộng các điển hình tiên tiến trong công tác dạy học và giáo dục.