Theo Đài CNBC, các nhà khoa học từ lâu đã cảnh báo biến đổi khí hậu làm tăng nguy cơ xảy ra chiến tranh và khủng hoảng người tị nạn bởi ai cũng cần tranh giành nước, nguồn tài nguyên thiên nhiên thiết yếu cho sự sống.
Ông Ryan Bohl, nhà phân tích cấp cao về Trung Đông và Bắc Phi, cho biết những mâu thuẫn về việc phân bổ lưu lượng nước từ sông Helmand là rất khó khắc phục bởi đây là một khu vực cực kỳ khô hạn.
Hơn nữa, các vấn đề như biến đổi khí hậu và canh tác nông nghiệp quá mức cũng khiến con sông này càng trở nên cằn cỗi hơn.
Cũng theo ông Ryan, việc con sông Helmand thiếu nước cũng là một nguyên nhân kinh điển dẫn đến xung đột giữa Iran và Afghanistan. Bởi hai quốc gia này đều cần phải tranh giành nguồn tài nguyên cả hai đều cần nhưng lại đang dần trở nên khan hiếm.
Cuộc chiến của những kẻ khát nước
Theo Đài Arab News, con sông Helmand dài hơn 1.000km chảy từ phía đông bắc Afghanistan đến khu vực khô cằn ở phía đông Iran.
Để giải quyết nhu cầu chung, năm 1973, hai nước đã ký một hiệp ước về việc chia sẻ nguồn nước chảy từ con sông ở khu vực biên giới này.
Thế nhưng kể từ khi Afghanistan khánh thành một đập thủy điện ở tỉnh Helmand để phục vụ tưới tiêu, đảm bảo các hoạt động nông nghiệp và nguồn điện thì những cuộc xung đột ngày càng bùng nổ hơn.
Hồi giữa tháng 5, Taliban phát thông cáo báo chí nói họ vẫn tôn trọng hiệp ước về vấn đề sử dụng nước có từ năm 1973, nhưng họ cũng không thể bỏ qua tình hình hạn hán nghiêm trọng ở Afghanistan.
Đáp lại, Tổng thống Iran, ông Ebrahim Raisi cũng đề nghị các nhà lãnh đạo Afghanistan hãy “nghiêm túc” trong lời nói của mình.