Có thể thấy, nếu không đau đáu trách nhiệm với vốn văn hóa cha ông, không tâm huyết với thế hệ trẻ thì nay đã gần tuổi 70 sao bà phải “xông pha” vào đó, mang trên mình bộ mascot không hề nhẹ chút nào rồi trực tiếp cất giọng như thế?
Bà cũng đâu cần rót tơ óng cho những khúc tình ca quê hương để chạm vào cảm xúc của bao người, trong đó có không ít người trẻ? Hoặc nếu vì danh lợi thì bà đâu cần vất vả vượt nửa vòng Trái đất để trở về cống hiến cho khán giả nước nhà?
Thực ra, không riêng gì Hương Lan mà nhiều nghệ sĩ danh tiếng khác dù đã ở tuổi xưa nay hiếm cũng luôn sẵn lòng truyền lửa nghệ thuật như thế. Mới đây, NSND Bạch Tuyết khởi động chương trình thực tế Học viện cải lương với mục đích tìm kiếm tài năng cho kịch hát dân tộc, khi sắp bước sang tuổi 70.
Bởi vậy, chỉ thấy ở đâu đó là những ồn ào phá đám, thể hiện lối ứng xử thiếu tôn trọng với các nghệ sĩ gạo cội tài đức. Họ đem chuyện dại - khôn ra kiếm chuyện để rồi tẽn tò trước những tâm huyết xuất phát từ trái tim chân chính.
Cứ chê rằng danh ca “dại” nhưng hãy nghe những giãi bày khởi nguồn từ ước mơ cao đẹp hướng về cộng đồng tương lai thì thực rõ: Ai dại - ai khôn?