Theo Nikkei Asia, khi tỷ phú Jack Ma bay đến Hàng Châu vào sáng ngày 27/3, ít ai có thể đoán được chuỗi sự kiện sắp tới.
Sự xuất hiện của ông lúc đó chỉ khiến nhiều người thắc mắc rằng vị tỷ phú có thể quay trở lại hay không. Kể từ năm 2020, Jack Ma chưa bao giờ xuất hiện trước công chúng sau khi thương vụ niêm yết nhánh fintech Ant Group bị chính phủ hủy bỏ, trong khi nhiều tin tức ghi nhận rằng ông đã đến Tây Ban Nha, Hà Lan, Nhật Bản và Thái Lan.
Tuy nhiên, một ngày sau khi Jack Ma trở lại, đế chế khổng lồ của ông đã bất ngờ công bố kế hoạch tái cấu trúc thành 6 nhóm nhỏ để theo đuổi các mảng kinh doanh riêng biệt. Theo các chuyên gia, nếu việc tái cấu trúc khiến Alibaba mất quyền kiểm soát các đơn vị thành phần hoặc toàn bộ công ty, đây sẽ là dấu chấm hết cho kỷ nguyên Internet Trung Quốc.
Tỷ phú Jack Ma đã trở lại Trung Quốc vào cuối tháng 3 sau 2 năm vắng bóng. |
Dù gã khổng lồ thương mại điện tử đã lên tiếng rằng việc tái cấu trúc là nhằm "mở khóa giá trị", nhiều người vẫn tỏ ra nghi ngờ về các động cơ khác liên quan. Cụ thể, họ cho rằng đây là một phần trong chiến dịch chống độc quyền của các cơ quan quản lý, tương tự như lệnh phạt 2,6 tỷ USD vào năm 2021 với Alibaba.
Theo giới chuyên gia, cuộc cải tổ doanh nghiệp này có thể báo trước một làn sóng tái cơ cấu tương tự trong ngành, khi một trong những đối thủ lớn của Alibaba là Jingdong trong 2 ngày sau đó cũng thông báo sẽ tách rời các đơn vị công nghiệp và bất động sản của mình.
Ngoài việc có vẻ ít đe dọa hơn đối với các cơ quan quản lý, cấu trúc mới của Alibaba còn có thể tiếp thêm sinh lực cho công ty sau khi cổ phiếu của gã khổng lồ thương mại điện tử đã giảm khoảng 70% kể từ khi đạt đỉnh vào cuối 2020.
Một nhà quản lý cấp cao tại đây - người đã được thông báo về việc Jack Ma trở lại - cho biết sự thay đổi đã được báo trước nhưng không ngờ lại sớm như vậy.
"Chúng tôi đang phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ các đối thủ và giá cổ phiếu thì lao dốc, vì vậy không đời nào Jack Ma lại ngồi yên", vị quản lý cấp cao cho biết.
Trên thực tế, cơ cấu mới của Alibaba đang phản ánh thái độ yêu - ghét khác thường của Bắc Kinh đối với các công ty công nghệ lớn và khu vực tư nhân nói chung. Một mặt thì coi họ là nguồn sáng tạo và tăng trưởng chính, nhưng mặt khác lại là mối đe dọa đối với cơ chế chống độc quyền.
Sau khi tái cơ cấu, 6 công ty con của Alibaba sẽ bao gồm Cloud Intelligence Group, Taobao Tmall Commerce Group, Local Services Group, Cainiao Smart Logistics, Global Digital Commerce Group, Digital Media and Entertainment Group với các CEO và Ban giám đốc riêng.
Tập đoàn lúc này chỉ đóng vai trò là cổ đông kiểm soát của 6 công ty con, và đến khi các công ty này được niêm yết thì Hội đồng Quản trị Alibaba sẽ họp bàn để thảo luận về việc có nên tiếp tục giữ quyền kiểm soát.
Theo giáo sư Jesse Fried của Trường Luật Harvard, lý do chính khiến tập đoàn này tan rã là "các đơn vị của họ có thể được quản lý hiệu quả hơn và có giá trị cao hơn nếu tách ra".
Đồng tình với ý kiến này, ông Brian Tycangco, nhà phân tích thị trường châu Á tại công ty đầu tư Stansberry Research, cho biết ngoài việc mở khóa giá trị của các đơn vị kinh doanh, việc tái cơ cấu sẽ giúp giảm thiểu rủi ro hệ thống liên quan đến những quy định đối với những lĩnh vực công nghệ cụ thể.
Chẳng hạn, nếu Bắc Kinh đưa ra các quy định mới nhắm vào dịch vụ giao đồ ăn trực tuyến thì điều đó sẽ không cản trở việc định giá toàn bộ công ty và tâm lý nhà đầu tư cũng vững vàng hơn. "Cơ sở cổ đông càng đa dạng thì càng có lợi cho công ty, đặc biệt là trong mắt các cơ quan quản lý", ông Tycangco giải thích.
Alibaba sẽ chia thành 6 công ty con. |
Trong khi đó, SoftBank - đơn vị từng là một trong những cổ đông lớn của Alibaba - lại tỏ ra lo lắng về tương lai của tập đoàn này trong bối cảnh không chắc chắn về quy định của Trung Quốc.
Mới đây, ngân hàng đầu tư đến từ Nhật Bản đã bán gần như toàn bộ cổ phần còn lại của mình tại Alibaba, nhằm huy động tiền mặt trong bối cảnh thị trường suy thoái kéo giảm giá trị các khoản đầu tư công nghệ của tập đoàn này.
Trái ngược với phản ứng của SoftBank, nhiều nhà đầu tư lại ủng hộ kế hoạch chia nhỏ của Alibaba. Sau khi công bố dự án mới này, cổ phiếu gã khổng lồ thương mại điện tử đã tăng tới gần 20%, và giới đầu tư vẫn nhận định rằng đây chưa phải mức giá tương xứng.
Theo nhiều chuyên gia, việc tái cấu trúc của Alibaba sẽ là tiền lệ cho các công ty công nghệ lớn của muốn tìm cách xoa dịu Bắc Kinh. Đặc biệt, nếu động thái thành công và các nhà đầu tư kiếm được lợi nhuận cao hơn, các công ty khác sẽ chịu áp lực và buộc phải làm điều tương tự.
Đối thủ của Alibaba - Jingdong - dường như cũng đang rục rịch kế hoạch chia nhỏ khi thông báo rằng các công ty công nghiệp và bất động sản sẽ được tách ra và niêm yết công khai trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hong Kong. Sau khi chia tách, Jingdong sẽ tiếp tục nắm giữ khoảng 50% cổ phần của 2 đơn vị này.
Trước đó, công ty này cũng từng thực hiện những dự án tương tự khi niêm yết JD Logistics vào năm 2021 và JD Health vào năm 2020. Tuy nhiên, đơn vị công nghệ tài chính JD Technology đã từng thử IPO nhiều lần nhưng đều thất bại.
Trong khi đó, gã khổng lồ truyền thông Tencent lại không có động thái tương tự. Trong một cuộc hội nghị với các nhà phân tích vào tháng trước, Chủ tịch Martin Lau cho biết đây không phải là điều mà công ty đang xem xét vào thời điểm này.
Theo ông Lau, điều thực sự quan trọng là mỗi doanh nghiệp phải tối ưu hóa được dịch vụ của chính mình trong điều kiện phát triển lành mạnh và bền vững, và "điều này thì không liên quan đến việc tái cơ cấu".
Jingdong (JD.com) cũng có động thái tái cấu trúc tương tự Alibaba. |
Còn theo các chuyên gia phân tích, cách cổ phiếu của Alibaba ra đời và được định giá sau khi tách ra có thể là câu chuyện quan trọng nhất của thị trường chứng khoán Trung Quốc vào năm 2023.
Ông Tariq Dennison - quản lý tài sản tại GFM Asset Management - cho biết điều đáng xem nhất là có bao nhiêu phần vốn trong các công ty con được niêm yết sau khi chia tách. Và điều này nếu được công khai sẽ thể hiện rõ rằng thị trường Trung Quốc đang thực sự cởi mở đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Hiện tại, gần 70% doanh thu của Alibaba đến từ sàn thương mại điện tử Taobao, và 3-8% thuộc về 5 đơn vị kinh doanh khác. Theo báo cáo tài chính mới nhất của tập đoàn này, Cainiao và Alibaba Cloud đã dần có lãi sau khi đi vào hoạt động.