Từ thực tiễn nêu trên, các chuyên gia trong và ngoài ngành Giáo dục đều cho rằng, việc Bộ GD&ĐT trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định chế độ phụ cấp ưu đãi nhà giáo theo trình tự, thủ tục rút gọn để thay thế cho Quyết định số 244/2005/QĐ-TTg là cần thiết, phù hợp với thực tiễn khách quan và “hợp lòng dân”. Đây cũng là nhiệm vụ mà Chính phủ giao Bộ GD&ĐT rà soát, sửa đổi quy định về phụ cấp ưu đãi giáo viên phù hợp với yêu cầu nghề nghiệp và cân đối chung với các ngành nghề khác.
Ai cũng hiểu, lao động của nhà giáo có tính đặc thù, khó có thể cân đong, đo đếm và định lượng được. Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà từng chia sẻ, lương của viên chức sự nghiệp giáo dục so với mặt bằng các viên chức khác có thể cao hơn nhưng với đặc thù nghề nghiệp thì chưa đáp ứng được yêu cầu; các quy định từ năm 2004 đến nay dường như đã “lỗi thời”.
Tại Lễ kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2022), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã lưu ý, cần rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách liên quan đến đội ngũ giáo viên phù hợp với thực tiễn, tương xứng với lao động đặc thù của nhà giáo. Chăm lo tốt nhất cả về vật chất và tinh thần, nhất là cho giáo viên mầm non, giáo viên ở vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn; giáo viên giảng dạy các ngành nghề đặc thù, nặng nhọc, độc hại… để đội ngũ nhà giáo yên tâm công tác và cống hiến.
Không ai có thể thay thế người thầy trong việc chăm lo, nuôi dưỡng ước mơ và hình thành các giá trị cơ bản cho học trò. Đó vừa là trọng trách, là vinh quang của nghề giáo. Thiết nghĩ, dù Nghị định có được ban hành thì cũng là khung quy định cơ bản; điều quan trọng là các bộ, ban, ngành, cấp ủy đảng, chính quyền địa phương cần tiếp tục đồng hành, dành cho ngành Giáo dục sự quan tâm sâu sắc và những hỗ trợ hiệu quả, thiết thực.