Một trong những nét đặc trưng của ẩm thực đường phố Hà Nội xưa phải kể đến là những gánh hàng rong...
Hà Nội – vùng đất ngàn năm văn hiến hội tụ những giá trị văn hóa lâu đời. Trong đó văn hóa ẩm thực từ xưa tới nay vẫn được biết đến với sự tinh tế và phong phú. Ngoài những món ăn được chế biến cầu kỳ thì những gánh hàng rong, hàng quán vỉa hè cũng được xem là nét đẹp góp phần quảng bá hình ảnh Thủ đô đến với bạn bè muôn phương.
Một trong những nét đặc trưng của ẩm thực đường phố Hà Nội xưa phải kể đến là những gánh hàng rong, ra đời từ nhu cầu phát triển của các phố nghề buôn bán tấp nập. Sở dĩ gọi là gánh hàng rong là vì những người bán hàng xưa thường sử dụng đôi quang gánh đi bán cho thuận tiện, dễ di chuyển vào từng ngõ ngách nhỏ. Ngày nay, gánh hàng rong đã trở thành danh từ chung để chỉ những người bán hàng không cố định một chỗ dù họ có sử dụng đôi quang gánh nữa hay không.
Thời xưa, rất dễ dàng bắt gặp những gánh phở, bún và món ăn vặt như kẹo kéo, kem que. Người bán vừa đi vừa rao với đủ muôn vàn thanh sắc, chân chất, mộc mạc. Những hình ảnh, âm thanh ấy gắn liền với tuổi thơ của biết bao thế hệ. Những gánh hàng rong ruổi trên mỗi cung đường đã chứng kiến sự đổi thay của Thủ đô qua từng năm tháng.
Ngoài những gánh hàng rong, những hàng quán vỉa hè cũng mang đậm chất Hà Nội. Không cần mặt bằng to đẹp, cũng chẳng cần thuê người phục vụ, chỉ một không gian đủ để vài chiếc ghế nhỏ cùng gánh đồ ăn là người bán đã có thể “mở” được một hàng ăn nhỏ để thực khách ghé vào dừng chân.
Nhanh, tiện và không quá đắt đỏ là lý do để người ta chọn những gánh hàng rong hoặc sà xuống hàng quán ven đường để thưởng thức một món ăn. Không thể phủ nhận, những món ăn đường phố đơn giản mà vô cùng ngon miệng ấy đã trở thành “linh hồn” của văn hóa ẩm thực đường phố Hà Nội. Đôi khi, món ngon không chỉ từ hương vị của đồ ăn mà chính là gợi ra “mùi”, “vị” của ký ức, của tuổi thơ, của kỉ niệm, xao xuyến muôn điều xưa cũ.
Bà Nguyễn Thị Nam (70 tuổi, Hà Nội) vẫn không thể quên được hương vị của món miến lươn trong ký ức tuổi thơ. “Tôi nhớ ngày còn bé, kinh tế còn khó khăn, thỉnh thoảng lắm tôi mới được ăn món miến lươn ở quán gần nhà. Bà bán hàng có một cái bếp than, phía trên đặt nồi nước sôi sùng sục, bên cạnh là một rổ đựng tô thịt gà, tô lươn, hành và các loại gia vị.
Khách xúm xít ngồi xung quanh, trên những chiếc ghế thấp dưới vỉa hè, chen chúc nhau chờ đến lượt. Bà chủ múc cho một tô miến nóng hổi, hương vị đậm đà, ngon vô cùng. Sau này lớn lên, mỗi lần đi xa về, tôi đều ghé qua quán ấy để thưởng thức. Mỗi lần được ăn một bát miến, tôi cảm giác cả một miền ký ức tuổi thơ ùa về”.
Ngày nay, đi cùng với đô thị hóa, những gánh hàng rong cũng có nhiều thay đổi. Những tiếng rao bán ngày càng thưa vắng. Người bán đã “hiện đại hóa” việc rao bán thủ công bằng những chiếc loa điện được ghi âm sẵn.
Song đâu đó, người ta vẫn bắt gặp ở Hà Nội những gánh hàng rong, những món quà vặt, những hàng quán vỉa hè được phát triển từ thế hệ này qua thế hệ khác. Có người vì yêu mến nghệ thuật ẩm thực mà cố gắng gìn giữ hương vị xưa cũ, cũng có người vì gánh nặng mưu sinh.
Bà Nguyễn Thị Thảo (57 tuổi, Hà Nội) tâm sự, gia đình bà từng làm nông ở một vùng quê nghèo. Cách đây hơn 20 năm, do kinh tế khó khăn, bà quyết định rời quê lên thành phố, bắt đầu một cuộc sống mới. Từ đây, bà Thảo gắn bó với công việc bán cơm nắm, xôi rong trên dọc đường Phan Đình Phùng.
Cũng nhờ gánh hàng rong tảo tần ấy mà bà nuôi được ba con nhỏ ăn học nên người. Dù nay cuộc sống đã đủ đầy hơn, không còn phải vất vả mưu sinh, song hàng ngày, bà Thảo vẫn ngồi bán hàng nơi góc phố nhỏ với chiếc thúng nhỏ đựng xôi, cơm lam, cơm nắm muối vừng…
Ẩm thực đường phố Hà Nội luôn có những hương vị rất riêng, khiến người ta khó tìm được một hàng quán nào thay thế nếu đã lỡ “phải lòng”. Bởi, hương vị của món ăn không rập khuôn theo một công thức sẵn có mà mỗi hàng quán lại có một bí quyết chế biến, nêm nếm gia vị rất riêng.
Thật chẳng quá lời khi ví mỗi người đầu bếp là một người “nghệ sĩ” trong căn bếp của mình. Mỗi gánh hàng rong, mỗi quán ăn vỉa hè đều mang một câu chuyện riêng, một hương vị riêng biệt, chúng hòa quyện và tạo nên bức tranh văn hóa ẩm thực đường phố Việt Nam đa dạng và độc đáo.
Ẩm thực đường phố mang trong mình sự hoài niệm là thế, song để bắt nhịp cuộc sống hiện đại, nhiều món ăn đã được cải tiến, sáng tạo hơn với mong muốn đáp ứng được nhu cầu đa dạng của thực khách. Dù vậy thì những giá trị cốt lõi của ẩm thực truyền thống vẫn luôn được gìn giữ, lưu truyền.
Nhắc đến món ăn đường phố được giới trẻ ưa thích, thật thiếu sót nếu như không kể tới các món chè. Giữa cái lạnh thời tiết mùa Đông Hà Nội, một bát chè vừa ngọt, vừa nóng hổi thực sự khiến người ta say mê.
Chè Hà Nội tuy giản dị mà lại vô cùng hấp dẫn với những loại chè truyền thống như sen, đỗ xanh, đỗ đen mang vị thanh mát rất riêng. Các loại chè mới xuất hiện, ngày càng đa dạng hơn, chúng ta được thưởng thức hương vị từ các vùng miền, đất nước khác để đổi mới khẩu vị.
Chia sẻ về món ăn đường phố yêu thích, Hoàng Vân Anh (20 tuổi, sinh viên tại Hà Nội) hào hứng chia sẻ: “Em rất thích ăn chè, đặc biệt là vào mùa Đông. Mỗi khi trời trở lạnh, em thường rủ bạn bè đi ăn chè nóng. Em thích cả chè truyền thống lẫn các loại chè hiện đại, mỗi loại có những hương vị độc đáo riêng biệt.
Ngày nay, nhiều quán chè hiện đại với phong cách bài trí bắt mắt, kết hợp đa dạng các món thạch, trân châu nữa. Mặc dù vậy, chè truyền thống vẫn giữ được vị thế của mình. Trên phố cổ Hà Nội, các gánh chè bán rong không tên tuổi, những hàng chè lâu đời như chè Bốn mùa Hàng Cân, quán chè của nghệ sĩ Phạm Bằng… vẫn được cả người già lẫn người trẻ yêu thích.
Em hy vọng những hương vị truyền thống sẽ được giữ gìn và phát triển, để thế hệ trẻ như chúng em có thể tiếp nối và trân trọng những giá trị ẩm thực xưa”.
Dù đã hiếm gặp hơn xưa, song có lẽ cũng chính vì vậy mà những gánh hàng rong lại càng trở nên thu hút với du khách nước ngoài bởi nét truyền thống, cổ xưa mà họ khó có thể tìm thấy ở những thành phố khác trên thế giới.
Một điểm nhấn thú vị, ấn tượng mà các du khách nước ngoài không thể không trải nghiệm, đó là được thưởng thức các món ăn truyền thống Việt Nam ở các quán vỉa hè. Không chỉ vì hương vị thơm ngon mà qua những trải nghiệm đó, họ có thể hiểu thêm về văn hóa Việt Nam.
Ruby, du khách người Thụy Sĩ, chia sẻ: “Tôi đã thử món phở tại một quán nhỏ ven đường, không biển hiệu. Đó là một bát phở nóng hổi với sợi phở mềm, thịt bò thơm ngon và nước dùng đậm đà.
Tôi thực sự thích thú với cách thưởng thức món ăn ngay trên vỉa hè, chỉ có một cái ghế con con làm bàn, giữa bầu không khí nhộn nhịp của một thành phố đang vận hành. Điều đó khiến tôi cảm nhận được sự bình dị, gần gũi trong văn hóa của người Việt Nam”.
Bên cạnh những món ăn truyền thống được kế thừa, còn có những món là sản phẩm của quá trình giao lưu, tiếp biến văn hóa với các quốc gia trên thế giới như các món ăn vặt đến từ các nước như Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản…
Hàng ngàn món ăn vặt được bày bán dọc theo các con phố hay xung quanh các trường học. Các khu chợ, khu phố ẩm thực, chợ đêm nổi tiếng được hình thành thu hút đông đảo mọi người tới thưởng thức, với đồ ăn ngon, bắt mắt mà giá cả phải chăng.
Nhiều du khách nước ngoài bày tỏ ấn tượng với món bánh mì của Việt Nam. Viết về bánh mì Việt Nam, trang Cable News Network của Mỹ từng nhận xét rằng, dù khởi nguồn từ bánh mì baguette của người Pháp nhưng “người Việt Nam đã biến tấu loại bánh này theo khẩu vị riêng của mình”.
Tùy thuộc vào nguyên liệu thành phần bên trong mà bánh mì có nhiều tên gọi khác nhau: Bánh mì kẹp thịt, bánh mì trứng, bánh mì chảo… Cho đến nay, bánh mì đã trở thành món ẩm thực “quốc dân” và có mặt trên bản đồ ẩm thực thế giới.
Với số điểm 4,6/5, bánh mì Việt Nam đứng ở vị trí đầu tiên trong danh sách 100 món bánh kẹp ngon nhất thế giới 2024 (Top 100 Sandwiches in the world) do chuyên trang ẩm thực danh tiếng thế giới TasteAtlas bình chọn ngày 15/3/2024.
Được kết hợp độc đáo giữa văn hóa phương Đông và phương Tây, bánh mì Hà Nội vẫn giữ được những nét riêng với nguyên liệu địa phương đa dạng: Một chút rau mùi cùng với nộm chua ngọt, một vài miếng dưa chuột kèm theo nước sốt, cùng với thịt nướng, xúc xích, trứng… cho thực khách thỏa sức lựa chọn và kết hợp theo sở thích của mình.
Nhắc đến ẩm thực, mỗi người sẽ có một cảm nhận, một khẩu vị, một sự đánh giá khác nhau. Song nhìn chung, ẩm thực Hà Nội xưa và nay đều được đánh giá cao nhờ sự phong phú, đa dạng và hấp dẫn. Trải qua thời gian, với nhiều sự biến đổi để phù hợp với thời đại, những nét đẹp trong ẩm thực và văn hóa không bị mất đi mà vẫn đang được kế thừa, tiếp nối và phát triển. Những món ăn ngày nay ít nhiều có những thay đổi về hình thức, hương vị, song tinh hoa và giá trị văn hóa trong đó sẽ luôn còn mãi. Dù là trong quá khứ hay hiện tại, những nét đặc trưng của ẩm thực đường phố Hà Nội vẫn giữ được nét riêng đầy mê hoặc, gợi nét hoài cổ, gần gũi và gây nhớ thương cho nhiều thế hệ.