Chỉ số giá gạo của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp đạt 142,4 trong tháng 8, tăng 31% so với một năm trước đó trong bối cảnh thiếu gạo trắng trên toàn cầu và lệnh cấm xuất khẩu ngũ cốc do Ấn Độ áp đặt kể từ tháng 7.
Kumaran, 57 tuổi, một công nhân xây dựng đang mua sắm tại một siêu thị ở thành phố Subang Jaya vào cuối tháng 9, cho biết ông đã phải vật lộn để có được gạo trắng địa phương. "Bạn không thể tìm thấy gạo địa phương nào cả. Nếu tình trạng này tiếp diễn, mọi người sẽ bị ảnh hưởng."
Vani, một bà nội trợ 54 tuổi, than thở: "Thật khó để tìm được những bao gạo địa phương rẻ hơn trong siêu thị". Bà cho biết hóa đơn thực phẩm hàng tháng của gia đình bà đã tăng từ 20% đến 30%. Thậm chí, bà còn phải trả nhiều tiền hơn cho bánh quy và dầu ăn.
Thời tiết khô hạn do El Nino gây ra cũng ảnh hưởng đến sản xuất lúa gạo địa phương trong năm nay. Một số nhà hàng và chủ gian hàng đang phải chịu giá gạo cao hơn để duy trì tính cạnh tranh, nhưng chuyên gia cảnh báo rằng họ có thể phải tăng giá nếu khủng hoảng tiếp tục.
Về tình hình xuất nhập khẩu, Malaysia là khách hàng mua gạo lớn thứ 5 của Việt Nam sau Philippines, Trung Quốc, Indonesia và Ghana.
Trong tháng 8/2023, Malaysia nhập khẩu 43.983 tấn gạo trị giá hơn 23,2 triệu USD, tăng 27,7% về lượng và tăng 51,1% về kim ngạch. Tính chung 8 tháng đầu năm, sản lượng xuất khẩu đạt 275 nghìn tấn, tương đương 136,7 triệu USD, giảm 5,1% về lượng nhưng tăng 2,4% về kim ngạch. Giá xuất khẩu bình quân trong 8 tháng đầu năm đạt 497,4 USD/tấn, tăng hơn 7,9% so với cùng kỳ năm 2022.
Tham khảo: Nikkei Asia