“Vì vậy, việc xây dựng thương hiệu là giải pháp lâu dài để gạo Việt Nam duy trì thị phần tại Anh một khi chất lượng gạo Việt Nam đã chinh phục được người tiêu dùng”, ông Nguyễn Cảnh Cường khuyến nghị.
Đại diện Thương vụ Việt Nam tại Vương quốc Anh nhấn mạnh thêm rằng nếu tích cực tiếp thị một cách chuyên nghiệp, bao gồm việc quảng bá trên các phương tiện truyền thông sở tại, các nhà xuất khẩu gạo Việt Nam chắc chắn sẽ tăng thị phần tại Anh; trong đó có phân khúc thị trường là các nhà hàng phục vụ khách du lịch châu Á, vốn phục vụ một lượng không nhỏ trong tổng số hàng chục triệu khách du lịch đến Anh mỗi năm.
Theo Thương vụ Việt Nam tại Anh, với cộng đồng hơn 5,5 triệu người gốc Á, nhu cầu tiêu dùng gạo tại Anh rất lớn trong khi quốc gia này hoàn toàn không trồng lúa, toàn bộ nhu cầu tiêu dùng đều phải nhập khẩu. Năm 2022, lượng gạo nhập khẩu vào Anh tăng 4,1% so với 2021 để chạm mốc hơn 678.000 tấn; đồng thời giá trị nhập khẩu tăng 7% lên hơn 603 triệu USD.
Dù là nước xuất khẩu gạo trong top 3 thế giới nhưng Việt Nam chỉ là nước xuất khẩu gạo lớn thứ 14 vào Anh với thị phần 0,6%. Trong năm 2022, Anh đã nhập khẩu 3.399 tấn gạo từ Việt Nam, tăng 24,5% so năm 2021. Giá trị xuất khẩu đạt hơn 3,7 triệu USD, tăng 34% so năm 2021.
Trong số các nước Đông Nam Á xuất khẩu gạo nhiều sang Anh năm 2022, Việt Nam có đơn giá bình quân cao nhất (1.093 USD/tấn), trong khi đơn giá bình quân gạo Thái Lan, Campuchia và Myanmar lần lượt là 916, 915 và 435 USD/tấn.
Gạo Việt Nam ở Anh chủ yếu được bán cho cộng đồng người Việt Nam và một phần cộng đồng người Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia, Philippines với giá bán lẻ ở các siêu thị với mức giá từ 2-2,5£/kg (58.000-72.000 đồng/kg).