Bảo đảm an toàn giao thông (ATGT), phòng chống ma túy và các tệ nạn xã hội khu vực trường học luôn là vấn đề 'nóng' được xã hội quan tâm.
Những ngày qua, vụ việc chặn đường “xin đểu” học sinh ở Hà Nội, hay tai nạn làm học sinh lớp 2 tử vong trong trường ở tỉnh Đắk Lắk đã gây nỗi “ám ảnh” với nhiều phụ huynh và học sinh.
Chỉ một phút vô ý thức đã để lại hậu quả khôn lường – đó là vụ tai nạn khiến một học sinh lớp 2 ở Đắk Lắk tử vong tại chỗ. Cụ thể, sáng 16/9 do trời mưa, một phụ huynh đã lái ô tô bán tải đưa con vào trong sân trường tiểu học và THCS Bùi Thị Xuân (xã Ea Sin, huyện Krông Búk). Tuy nhiên khi lùi xe để ra khỏi sân trường, phụ huynh này không may cán phải một học sinh nữ 7 tuổi (đang học lớp 2) khiến em tử vong.
Ngay sau khi vụ việc xảy ra, Công an huyện Krông Búk đã phối hợp với cơ quan chức năng khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi. Xét thấy vụ việc có dấu hiệu phạm tội, cơ quan cảnh sát điều tra đã ra quyết định tạm giữ hình sự tài xế L.V.N. – là phụ huynh trên, để phục vụ công tác điều tra theo quy định.
Theo lãnh đạo Trường Tiểu học - THCS Bùi Thị Xuân, nhà trường đã cấm không cho phép phụ huynh đi xe ô tô vào trong trường. Tuy nhiên, thời điểm đó do bảo vệ mở cổng, sau đó đi xuống phòng nên anh N. đã tự động chạy xe vào sân trường rồi gây ra tai nạn, nhà trường sẽ chấn chỉnh việc này.
Còn tại TP Hà Nội, Công an quận Hoàng Mai đang điều tra làm rõ nhóm 3 người chặn đường “xin đểu” 2 học sinh từ clip đăng tải trên mạng xã hội. Cụ thể, 3 người là: L.Đ.K. (SN: 2006), Đ.M.D. (SN: 2008) cùng trú tại quận Hoàng Mai, TP Hà Nội và D.M.Đ. (SN: 2009) trú tại quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội.
Theo đó, trưa ngày 13/9, khi 2 học sinh Trường THCS Tân Mai (quận Hoàng Mai) đi học về thì bị 3 người đi trên 2 xe máy chặn đường và hỏi: “Có hút thuốc lá điện tử không, có tiền không, cho anh mấy chục”. Khi 2 em học sinh trả lời không có, các đối tượng lại yêu cầu cho xem vợt cầu lông mang theo.
Lúc này có người đi đường đến can thiệp nên các đối tượng bỏ đi. Ngay sau khi làm rõ và triệu tập làm việc, tại cơ quan công an, 3 người trên đã thừa nhận hành vi như trong clip. Công an quận Hoàng Mai đang củng cố hồ sơ, xử lý các đối tượng theo quy định.
Công an quận Hoàng Mai khuyến cáo, phụ huynh học sinh không cho con, em mang theo tài sản có giá trị (điện thoại, đồng hồ, dây chuyền, tiền mặt...) khi đi học. Bên cạnh đó, kịp thời cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng khi xảy ra các vấn đề về ANTT liên quan đến nhà trường và học sinh.
Bà Nguyễn Thị Thu Thuỷ, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Tri Phương (quận Ba Đình, Hà Nội) cho biết: Ngay khi bước vào năm học mới 2024 - 2025, nhà trường đã tổ chức lễ kí cam kết thực hiện ATGT, phòng chống ma túy và các tệ nạn xã hội.
Tại chương trình, đại diện Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý (Công an TP Hà Nội) đã giao lưu, chia sẻ thông tin, kiến thức giúp học sinh toàn trường hiểu thêm về luật ATGT và phòng chống các tệ nạn xã hội.
Cũng tại quận Ba Đình (Hà Nội), bà Mai Thị Phú, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Trãi cho biết, ngày 16/9 trường tổ chức lễ kí cam kết thực hiện nghiêm túc các quy định về đảm bảo trật tự ATGT, an toàn trên không gian mạng và phòng chống ma túy, tệ nạn xã hội năm học 2024 - 2025. Tại sự kiện, các em học sinh đã được các chuyên gia, cảnh sát giao thông bồi dưỡng kiến thức pháp luật, đồng thời học sinh trực tiếp thực hiện tiểu phẩm tuyên truyền ATGT.
“Cô trò Trường THCS Nguyễn Trãi quyết tâm thực hiện tốt bản cam kết, để an toàn luôn là bạn đồng hành của sự phát triển bền vững, là mục tiêu số 1 khi cánh cổng trường khép lại và mở ra mỗi ngày…”, bà Phú chia sẻ.
Năm 2024, tỉnh Bắc Ninh bắt tay vào xây dựng “Tỉnh an toàn giao thông”. Cùng với các đơn vị chức năng, ngành Giáo dục địa phương này đã triển khai hiệu quả nhiều mô hình hay. Trong đó, mô hình thí điểm “Nhà xe học sinh, sinh viên an toàn giao thông” đã ghi được dấu ấn.
Mô hình “Nhà xe học sinh, sinh viên an toàn giao thông” được triển khai ở 3 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 (từ ngày 1/3 - 30/3/2024), triển khai thí điểm tại Trường THPT Hàn Thuyên.
Giai đoạn 2 (từ ngày 25/3 - 10/5/2024), ở các huyện, thị xã, thành phố, đối với mỗi cấp học lựa chọn 1 trường để thí điểm thực hiện. Giai đoạn 3 (từ ngày 10/5 - 10/11/2024), triển khai nhân rộng đến 100% cơ sở giáo dục toàn tỉnh Bắc Ninh.
Là đơn vị thí điểm tại TP Bắc Ninh, bà Đặng Thị Bích Vân, Hiệu trưởng Trường THPT Hàn Thuyên cho biết, sau 5 tháng triển khai thí điểm, ý thức, nền nếp tham gia giao thông của học sinh Trường THPT Hàn Thuyên đã có sự chuyển biến mạnh mẽ. Việc chấp hành pháp luật về giao thông từ nhà đến trường và từ trường về nhà đã có nhiều tiến bộ; học sinh có nền nếp để xe gọn gàng, theo từng khối, lớp…
Thông qua mô hình, các nội dung đi sâu tuyên truyền về quản lý, kiểm soát chặt chẽ các điều kiện liên quan đến phương tiện, độ tuổi điều khiển phương tiện; việc chấp hành pháp luật của học sinh, sinh viên ngay từ trong nhà trường, giảm thiểu tối đa tai nạn khi tham gia giao thông.
Tại tỉnh Bắc Giang, ông Vũ Thanh Hải, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Lục Nam cho biết, qua kiểm tra nhận thấy còn một số trường tiểu học vẫn cho học sinh đi xe đạp điện và xe máy điện đến trường. Vì vậy, Phòng GD&ĐT yêu cầu hiệu trưởng các trường tiểu học, TH&THCS trong toàn huyện rà soát các trường hợp học sinh đi xe đạp điện và xe máy điện đến trường, đề nghị phụ huynh học sinh tuyệt đối không được giao xe cho học sinh tự lái.
“Kể từ ngày 17/9 cho đến khi kết thúc năm học 2024 - 2025, Phòng GD&ĐT huyện Lục Nam phát hiện thấy trường nào có học sinh tự đi xe đạp điện và xe máy điện đến trường thì hiệu trưởng hoàn toàn chịu trách nhiệm. Đồng thời nhà trường sẽ bị trừ rất nặng điểm thi đua năm học 2024 - 2025…”, ông Vũ Thanh Hải lưu ý.
Bộ Công an và Bộ GD&ĐT đã ký kết chương trình về tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong các cơ sở giáo dục từ năm 2022, trong đó có nội dung ATGT. Những năm qua số vụ tai nạn giao thông trong toàn quốc vẫn đang ở mức rất cao. Đặc biệt, có nhiều trẻ em tử vong vì tai nạn giao thông và phần lớn là học sinh. Chính vì thế, để đảm bảo an toàn, điều cốt yếu nhất là phải chấp hành đúng các quy định về ATGT. Sự chung tay của toàn xã hội và ý thức tự giác của mỗi phụ huynh, học sinh chính là giải pháp để con đường đến trường luôn bình yên và an toàn.