Nguyễn Xuân Việt là sinh viên tốt nghiệp khóa đầu tiên (năm 2008) của ngành Sư phạm Giáo dục đặc biệt, Trường ĐH Sư phạm - ĐH Đà Nẵng. Sau đó, anh còn tham gia thêm hai khóa học ngắn hạn về công tác xã hội ở Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội. Việt đã chủ động vào TP Hồ Chí Minh xin thực tập tại Bệnh viện Nhi đồng 1 về chăm sóc, trị liệu cho trẻ khuyết tật. Việt cho biết, hai khóa học này giúp mình có thêm kiến thức và trải nghiệm thực tế để làm tốt công việc của một giáo viên trong môi trường giáo dục quá đặc biệt: dạy cho trẻ tự kỷ, chậm phát triển trí tuệ…
Năm đầu tiên nhận công tác tại Trường Phổ thông chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu, nay là Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Đà Nẵng, thầy giáo trẻ Nguyễn Xuân Việt phải mất 2 tháng mới bắt đầu làm quen được với công việc thực tế.
“Năm đó, mình được phân công là giáo viên hỗ trợ của lớp 2 – đây là lớp có học sinh khuyết tật trí tuệ nặng nhất của trường. Công việc của giáo viên không chỉ đơn thuần là dạy mà còn kiêm đủ thứ việc không tên khác. Thậm chí là đảm nhận luôn vệ sinh cho những học sinh không làm chủ được việc tiểu tiện, đại tiện. Chuyện học sinh làm đau mình và đau thầy giáo là chuyện quá bình thường” – Việt kể.
Một giờ học thành công, đối với thầy giáo Việt, đôi khi chỉ đơn giản là một giờ học mà học sinh không quậy phá. Có những em học sinh, dù lớn rồi nhưng không tự chủ được trong việc vệ sinh, có những em lúc nào cũng nhễu nước dãi ướt hết cả áo... Bằng sự cảm thương với những thiệt thòi của học sinh, thầy giáo trẻ Nguyễn Xuân Việt đã vượt qua những thách thức của công việc để trụ lại với nghề suốt và luôn tìm tòi những phương pháp dạy học phù hợp với bệnh trạng của từng học sinh.
"Trong 1 tiết can thiệp, giáo viên sẽ dành khoảng 10-15 phút đầu để tập luyện Dohsa-hou cho trẻ. Việc tập luyện Dohsa-hou sẽ giúp trẻ cảm thấy thoải mái, vui vẻ và hợp tác tốt với giáo viên. Sau đó, các giáo viên sẽ tổ chức các hoạt động giáo dục khác nhằm phát triển nhận thức, ngôn ngữ, giao tiếp, vận động tinh,…
Trong quá trình học giáo dục cá nhân nếu trẻ được tập luyện Dohsa-hou cũng sẽ giúp trẻ phát triển được các kỹ năng khác. Ví dụ: với các trẻ hay leo trèo, đi kiễng chân giáo viên sẽ tập Dohsa-hou cho trẻ thư giãn các điểm: khớp háng (điểm số 6), đầu gối (điểm số 7), gót chân (điểm số 8) và ngón chân (điểm số 9).
Khi đó, giáo viên có thể dạy trẻ hiểu các từ: nâng lên, hạ xuống, phải, trái, trên, dưới, xoay, ấn, thả… tùy vào khả năng của trẻ để đảm bảo sau khi tập luyện Dohsa-hou trẻ vừa được thư giãn vừa được rèn các kỹ năng trong môi trường tự nhiên. Phụ huynh cũng có thể áp dụng phương pháp Dohsa-hou cho trẻ ngay tại gia đình" - thầy giáo Nguyễn Xuân Việt.