Để giải 'bài toán' ô nhiễm không khí thì việc kiểm soát khí thải phương tiện giao thông được coi là 'chìa khóa'.
Theo quy định tại Luật Trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, mô tô, xe gắn máy sẽ phải thực hiện kiểm định khí thải.
Điều 42 Luật TTATGT đường bộ quy định về bảo đảm an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ nêu rõ:
Việc kiểm định đối với xe mô tô, xe gắn máy chỉ thực hiện kiểm định khí thải. Như vậy, kể từ khi luật này có hiệu lực (ngày 1/1/2025), xe mô tô, xe gắn máy sẽ phải thực hiện kiểm định khí thải.
Luật cũng quy định việc kiểm định khí thải thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, phải được thực hiện tại các cơ sở kiểm định khí thải đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.
Đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, việc kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng do đăng kiểm viên của cơ sở đăng kiểm thực hiện và được cơ sở đăng kiểm cấp giấy chứng nhận kiểm định.
Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ GTVT sẽ quy định trình tự, thủ tục cấp mới, cấp lại, tạm đình chỉ hoạt động, thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động cho cơ sở kiểm định khí thải xe mô tô, xe gắn máy.
Quy định về trình tự, thủ tục kiểm định khí thải xe mô tô, xe gắn máy; Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về cơ sở vật chất kỹ thuật và vị trí cơ sở kiểm định khí thải xe mô tô, xe gắn máy.
Trước đó, Viện Chiến lược và phát triển GTVT cho biết, giai đoạn 2005 - 2022, tăng trưởng xe máy tại nước ta đạt bình quân khoảng 9,1%/năm. Đến nay, số lượng xe máy đã đăng ký trên toàn quốc đạt khoảng 69,2 triệu xe và số xe lưu hành đạt khoảng 45,5 triệu xe.
Tại các thành phố lớn, xe máy vẫn là phương tiện giao thông chính. Thống kê năm 2020, xe mô tô, xe gắn máy đang lưu hành trên địa bàn Hà Nội chiếm 84%, tại TPHCM chiếm 91% và tại Đà Nẵng chiếm 90% trong tổng số các loại hình phương tiện giao thông.
Giai đoạn 2025 - 2030 xe máy vẫn sẽ là loại hình vận tải cá nhân thông dụng, phổ biến. Đây cũng chính là phương tiện phát thải khí thải lớn nhất ra môi trường tại các thành phố lớn.
Theo kết quả từ 3 chương trình đo kiểm khí thải xe mô tô, xe gắn máy tại 3 thành phố: Hà Nội, TPHCM và Đà Nẵng cho thấy, xe trên 5 năm đã có xu hướng vượt tiêu chuẩn khí thải hiện hành và xe trên 10 năm có tỷ lệ phát thải rất lớn.
Trong khi đó, xe có tuổi đời trên 10 năm tại cả 3 thành phố nêu trên đều chiếm tỷ lệ trên 50% tổng số xe mô tô, xe gắn máy trên địa bàn. Cụ thể, ở Hà Nội chiếm 72,58%, tại TPHCM chiếm 68% và tại Đà Nẵng chiếm trên 59%.
Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, việc đưa quy định kiểm soát khí thải đối với xe máy đang sử dụng vào dự án luật là phù hợp. Việc Bộ GTVT cần làm là đưa ra cách thức tổ chức thực hiện làm sao không gây phiền phức cho người dân, phải đưa ra tiêu chí cụ thể. Trong đó, phải xem phương tiện nào cần kiểm định, phương tiện nào không...
Kỹ sư ô tô Trần Mạnh Long cho rằng, cơ quan chức năng chỉ nên thực hiện kiểm định đối với phương tiện xe máy cũ nát, có thời gian sử dụng lâu, nhả khói đen...
“Việc kiểm định phương tiện cần đặt trong bối cảnh của từng địa phương, không thể đưa ra một quy định chung bắt cả nước thực hiện. Chỉ nên kiểm tra ở những thành phố có mật độ dân cư cao. Chẳng hạn, thành phố có dân số 300.000 – 500.000 dân trở lên mới thực hiện chính sách trên”, ông Long nhấn mạnh.
Anh Nguyễn Duy Hoàng (quận Đống Đa, Hà Nội), đồng tình với quy định vừa được ban hành. Nhưng anh Hoàng cho rằng, xe máy là phương tiện đi lại và mưu sinh của hàng chục triệu người lao động. Vì vậy, cơ quan quản lý cần có sự nghiên cứu, đánh giá tác động, hỗ trợ người dân sao cho phù hợp, tránh ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống.
Tuy không phản đối, nhưng ông Trần Đức Tuân (quận Thanh Xuân, Hà Nội) băn khoăn về quy trình, chi phí khi thực hiện kiểm định khí thải đối với xe máy.
“Việc kiểm định khí thải là cần thiết để đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật của xe, tránh ô nhiễm môi trường và an toàn cho người dân. Tuy nhiên, đăng kiểm xe máy không phải là việc dễ thực hiện đối với thị trường Việt Nam ở thời điểm hiện tại.
Xe máy là phương tiện chủ yếu di chuyển quãng đường ngắn trong thành phố nên tôi nghĩ đó cũng là lý do khiến đăng kiểm không khả thi. Việc đăng kiểm xe máy sẽ giải quyết được phần “ngọn” về việc đảm bảo an toàn theo tiêu chuẩn. Tuy nhiên, số lượng lớn xe máy được đăng kiểm như thế nào lại là câu chuyện khác”, ông Tuân cho biết.
Theo ý kiến của nhiều cơ sở bảo dưỡng xe máy, để xác định phương tiện nào thuộc diện phải đăng kiểm định kỳ là việc rất khó. Bởi, có những phương tiện đã sử dụng trên 20 năm, nhưng khi đến xưởng bộ lọc không khí rất tốt, xe chạy êm, máy tốt.
Cũng có những phương tiện dù mới sử dụng khoảng trên dưới 10 năm khói đã nhả đen xì. Do đó, các đơn vị bảo dưỡng xe cho rằng, cần có lộ trình áp dụng cụ thể theo mốc thời gian. Bên cạnh đó, cần có hướng dẫn chi tiết tới một bộ phận lớn người dân đang sử dụng xe máy hiện nay trong việc kiểm định khí thải.