Nhiễm bệnh là điều không ai muốn và thầy cô hoàn toàn có quyền để nghỉ ngơi, dưỡng bệnh, ít nhất trong 7 ngày cách ly. Thế nhưng trong bối cảnh học sinh vừa đến trường, mọi việc đang từng bước đi vào ổn định, cảm nhận việc vắng mình sẽ khiến trò thêm hụt hẫng, không ít giáo viên là F0 vẫn tiếp tục tình nguyện truyền thụ kiến thức cho trò qua lớp học trực tuyến.
Câu chuyện dạy học online từ giường bệnh viện của cô giáo Lê Dung (Trường Tiểu học Thăng Long, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) là một ví dụ. Bị nhiễm Covid-19, được chỉ định tiêm thuốc chống đông máu, dù vậy, cô giáo 54 tuổi vẫn quyết không thể bỏ lớp, không thể bỏ học trò, xin tiếp tục dạy trực tuyến. “Trường Tiểu học Thăng Long thời điểm ấy đang rất thiếu người. Ngoài ra, đặc thù học sinh lớp 1 rất dễ bỡ ngỡ khi có giáo viên lạ. Thương các em, tôi và chồng động viên nhau cùng cố gắng”, cô Dung tâm sự.
Sự nỗ lực của những người thầy F0 không chỉ giúp học sinh an tâm tiếp nối bài học, mà còn tháo gỡ không ít khó khăn cho nhà trường trong công tác nhân sự. Không ít cán bộ quản lý trường tiểu học cho biết, may mà có thầy cô F0 tình nguyện dạy trực tuyến, nếu không chắc khó đảm bảo tiến độ, chất lượng. Vì thế, với những người thầy tình nguyện này, cần được cộng điểm thi đua, chứ không phải trừ, đó là quan điểm của đa số nhà giáo, cán bộ quản lý trên các diễn đàn những ngày qua.
Câu chuyện trừ điểm thầy cô F0 của Trường THCS Văn Điển là cá biệt, bởi trên thực tế đa số trường đã làm tốt công tác động viên đội ngũ. Tuy vậy, đây cũng là tình huống mới cần các trường sâu sắc rút kinh nghiệm về quản lý, thi đua. Chúng ta đã và đang sống, làm việc trong một bối cảnh hết sức đặc biệt, vì thế cũng rất cần một quan điểm thi đua đặc biệt, thực tế hơn, có như vậy mới động viên, khích lệ được đội ngũ trong giai đoạn khó khăn, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ. Bởi suy cho cùng mục đích của công tác thi đua là sự động viên, khích lệ kịp thời, hoàn toàn không phải để tạo ra áp lực, gây khó, làm nản lòng người lao động.