Theo chia sẻ của nhiều trung tâm GDNN – GDTX, tâm lý, suy nghĩ của phụ huynh khi con vào học các trung tâm GDNN – GDTX chỉ là học nghề, không ôn luyện xét tuyển cao đẳng, đại học. Vì vậy, để giúp phụ huynh hiểu tận tường bản chất vấn đề từ đó thay đổi suy nghĩ, quan niệm, nhiều trường đã chủ động xây dựng kế hoạch phân luồng học sinh dựa trên nguyện vọng.
Trung tâm GDNN – GDTX huyện Hương Sơn (tỉnh Hà Tĩnh) sau khi học sinh nhập học, từ ngày 15/8 hàng năm sẽ tổ chức dạy học cho học sinh lớp 10. Hai tuần học đầu tiên, trung tâm tập trung định hướng nghề nghiệp để học sinh tự lựa chọn hướng đi: Học nghề hoặc học để xét tuyển cao đẳng, đại học. Ông Nguyễn Thế Toàn, Giám đốc trung tâm, cho biết: Việc phân luồng sớm sẽ giúp học sinh xác định rõ mục tiêu, kế hoạch học tập bản thân, phụ huynh cũng yên tâm để con theo học tại trung tâm. Mặt khác, sau khi phân luồng, trung tâm bố trí đội ngũ giáo viên theo hai nhóm học viên.
“Đội ngũ giáo viên được sắp xếp thuộc thành phần cơ hữu của trung tâm. Hàng năm số thầy cô này được cử đi tập huấn, rèn luyện chuyên môn giảng dạy. Chúng tôi cũng yêu cầu giáo viên phải thường xuyên đổi mới phương pháp dạy học để học sinh tiếp cận kiến thức tốt nhất. Với học sinh lớp 12 thuộc nhóm có nguyện vọng xét tuyển đại học, cao đẳng, trung tâm sẽ sắp xếp thời khóa biểu học ôn vào 2 buổi chiều/tuần”, ông Toàn cho biết.
Về vấn đề này, ông Hà Ngọc Anh cho biết: “Năm nay, trung tâm có 23 học viên GDTX - THPT, Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Đắk Lắk 64 học viên, Cao đẳng Kỹ thuật Đắk Lắk 172 học viên có nguyện vọng đăng ký học để dự thi tốt nghiệp THPT quốc gia và thi vào các trường đại học, cao đẳng. Do đó, chúng tôi đã sắp xếp các tiết ôn tập để nâng cao, lồng ghép vào các buổi chính khóa (6 tiết/buổi). Đồng thời, mời giáo viên có trình độ, chuyên môn, kinh nghiệm luyện thi tốt về giảng dạy cho học sinh”.
Để các trung tâm GDNN - GDTX phát huy thế mạnh, khả năng trong việc đào tạo, nhiều chuyên gia cho rằng cần có những cơ chế đặc thù để tạo điều kiện cho các trung tâm phát huy thế mạnh. Đồng tình quan điểm này, bà Hồ Thị Minh, đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị, chia sẻ: “Trước đây, mỗi huyện miền núi chỉ có một trường THPT, hiện nay, có thể có 4 - 5 trường. Các trường THPT được đặt tận vùng sâu, xa dẫn đến chức năng, nhiệm vụ của trung tâm GDNN – GDTX bị cạnh tranh đáng kể, số học sinh theo học cũng ít dần”.
Bà Minh cũng chỉ ra, học sinh có tâm lý chỉ khi nào không vào được trường THPT mới lựa chọn trung tâm GDNN – GDTX. Dẫn tới chất lượng đầu vào thấp, áp lực đè lên vai cán bộ quản lý, giáo viên giảng dạy nhiều. Cùng là giảng dạy kiến thức, giáo dục học sinh, nhưng giáo viên các trung tâm phải bỏ ra nhiều công sức hơn, nỗ lực, sự vất vả gấp ba, bốn lần so với dạy học sinh các trường THPT.
“Cần ghi nhận thực tế, những năm 1998 - 2010, trung tâm GDNN - GDTX là nơi giúp cho học sinh đồng bào dân tộc thiểu số học tập. Nhưng thời điểm này, nếu chúng ta không có chính sách, cơ chế đặc thù hỗ trợ thì nguy cơ các trung tâm GDNN – GDTX sẽ bị tê liệt. Do đó, tôi đề nghị các sở GD&ĐT cần có cơ chế, giải pháp giúp các trung tâm phát huy được chức năng, nhiệm vụ trong đào tạo, định hướng nghề nghiệp; Cần giúp đỡ để các trung tâm thực sự là nơi đào tạo nguồn nhân lực cho địa phương, vùng sâu, vùng xa”, bà Minh nói.
Ông Trần Tuấn Anh - Giám đốc Trung tâm GDNN - GDTX quận Tây Hồ, TP Hà Nội - chia sẻ: “Nhiều phụ huynh nhìn nhận về trung tâm GDNN – GDTX thiếu tích cực, chưa xác định rõ cách thức đào tạo, chỉ mong muốn con học tập như các trường THPT nên e ngại cho con theo học. Mặt khác, hiện nay nhiều trường trung cấp, cao đẳng hệ 9+ cùng tuyển sinh. Học sinh khi không đủ điều kiện vào học trường THPT công lập cũng có thể lựa chọn theo học. Việc tuyển sinh của các trung tâm GDNN - GDTX vì thế khó chồng khó”.