“Bên cạnh đa dạng, hấp dẫn, cần lưu ý tính ổn định của các dạng bài tập, câu hỏi trong đề kiểm tra. Tránh thiết kế các bài tập có hình thức quá mới lạ khiến học sinh bỡ ngỡ do chưa thuần thục về kỹ năng”, cô Giang nhấn mạnh và cho biết, chủ trương kiểm tra cuối kỳ I của nhà trường nhẹ nhàng, nhằm không gây áp lực cho học sinh và phụ huynh.
Tại Hội nghị tập huấn ra đề kiểm tra định kỳ các môn học, ông Nguyễn Minh Tâm - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đồng Tháp nhìn nhận, vẫn có đơn vị, giáo viên lúng túng trong chọn nội dung, phân biệt mức độ kiểm tra, quy trình ra đề… làm ảnh hưởng đến việc đánh giá đúng, thực chất kết quả học tập của học sinh.
Ông Nguyễn Minh Tâm đề nghị, các phòng GD&ĐT chỉ đạo cơ sở giáo dục phổ thông thực hiện tốt hơn nữa công tác kiểm tra đánh giá học sinh, nhất là kiểm tra định kỳ; kịp thời thông tin, giới thiệu những mô hình hay, cách làm hiệu quả trong công tác kiểm tra, đánh giá.
Mục tiêu giáo dục, trước hết phải vì sự tiến bộ và phát triển của mỗi đứa trẻ chứ không phải điểm số và thành tích. Nêu lên một số hệ quả khó lường của việc chú trọng thành tích và chỉ chú tâm cung cấp kiến thức, TS Nguyễn Văn Hòa viện dẫn, việc ép học lấy điểm số, thành tích sẽ làm cho trẻ mất tính độc lập, sự tự tin, sáng tạo. Vô hình trung gieo vào đầu các em nỗi sợ đi học. Cách giáo dục này chỉ thích hợp với mục tiêu đào tạo người thừa hành.
Việc chú trọng vào cung cấp kiến thức sẽ tạo ra lớp học sinh có “một bồ kiến thức”, ngoan ngoãn, vâng lời nhưng thiếu năng lực sáng tạo, khát vọng lập nghiệp. “Hãy hình dung xã hội sẽ ra sao khi đào tạo ra toàn người chỉ biết trông chờ, chỉ đâu đánh đấy. Sự khác biệt của những đứa trẻ nếu không bị ruồng rẫy, trái lại được thầy, cô, gia đình chăm lo, uốn nắn có thể sẽ là hạt giống thành công và hạnh phúc”, TS Nguyễn Văn Hòa trao đổi.
Theo TS Nguyễn Văn Hòa, học sinh cần học những giá trị và kỹ năng khác nhau của cuộc đời để sau này trở thành người lao động có học, làm việc chăm chỉ, biết sống và sống như một con người thực sự - biết trân trọng hạnh phúc dù nhỏ bé mà cuộc đời trao cho, bằng chính sức lao động của mình…
Cô Nguyễn Thị Tuyết Anh - Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (TP Huế, Thừa Thiên Huế) chia sẻ, việc đầu tiên giáo viên cần thay đổi tư duy, nhận thức; tiếp đến chủ động, tích cực bồi dưỡng năng lực tổ chức kiểm tra, đánh giá học sinh. Mặt khác, giáo viên phải tăng cường phối hợp phụ huynh trong tổ chức giáo dục, dạy học, nhất là giai đoạn kiểm tra cuối học kỳ.