Nhiều chuyên gia kiến nghị cần cân nhắc kỹ về mức tăng và thời điểm áp dụng Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt để không gây 'sốc' cho doanh nghiệp.
Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) đang trình Quốc hội, Bộ Tài chính đề xuất phương án 2 đối với mặt hàng đồ uống có cồn, tức tăng thuế tiêu thụ đặc biệt từ 65% lên 80% và tiến tới mức 100% trong giai đoạn 2026 - 2030.
Bên cạnh đó, dự thảo Luật cũng bổ sung mặt hàng nước giải khát có đường hàm lượng trên 5 g/100 ml theo tiêu chuẩn Việt Nam vào đối tượng chịu thuế với thuế suất dự kiến 10%.
Tại Hội thảo “Hỗ trợ tăng trưởng kinh tế - Góc nhìn từ doanh nghiệp chịu thuế tiêu thụ đặc biệt”, TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho rằng, thuế tiêu thụ đặc biệt là công cụ điều tiết hành vi tiêu dùng, nhưng nếu thiết kế thiếu hợp lý sẽ gây tác dụng ngược.
“Thị trường chính ngạch có thể suy giảm, kéo theo hàng lậu, hàng trôi nổi và thất thu ngân sách,” ông nhận định.
Dẫn số liệu năm 2024, ông Lực cho biết, quy mô thị trường đồ uống đạt 15,5 tỉ USD, bia tiêu thụ khoảng 4,4 tỉ lít - gần như không tăng so với năm trước, trong khi nước giải khát tăng 4,8%. Mặc dù có tín hiệu phục hồi, ngành vẫn chịu ảnh hưởng nặng nề sau ba năm liên tiếp sụt giảm.
Ông Lực cảnh báo, nếu tăng thuế quá nhanh, sản lượng sẽ giảm, kéo theo sụt giảm nguồn thu từ thuế VAT và thuế thu nhập doanh nghiệp. Việc áp dụng một mức thuế chung cho các sản phẩm có độ cồn khác nhau cũng có thể gây khó cho thị trường và khó khăn trong thực thi.
Từ những phân tích trên, TS Cấn Văn Lực đề xuất, một số định hướng chính sách cụ thể. Trong đó, cần tính toán lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt phù hợp, tránh gây “sốc” cho doanh nghiệp và thị trường. Giãn thời điểm áp dụng luật, có thể lùi đến năm 2028 để tạo điều kiện thích ứng cho doanh nghiệp.
Đồng thời, xem xét áp dụng mức thuế suất khác nhau tùy theo nồng độ cồn, hàm lượng đường… để tránh đánh thuế cào bằng. Đồng bộ hóa nhiều chính sách như bảo vệ sản phẩm chính ngạch, chống buôn lậu, tăng năng lực quản lý địa phương…
Bảo đảm đồng bộ giữa Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt với các luật liên quan như Luật Phòng chống tác hại rượu bia, Luật Môi trường, Luật Quảng cáo… Nuôi dưỡng nguồn thu bằng việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển ổn định, lâu dài.
TS Cấn Văn Lực khẳng định, việc sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt không nên chỉ tập trung vào mục tiêu tăng thu ngắn hạn, mà cần hướng tới nguyên tắc hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Ông Tạ Văn Hạ - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội, cho rằng, việc tăng thuế là vấn đề hệ trọng vì tác động trực tiếp đến lợi ích và sức khỏe người tiêu dùng, nhất là với các mặt hàng như thuốc lá, rượu bia và nước giải khát có đường.
Tuy nhiên, ông cũng cho rằng, cần tiếp cận vấn đề một cách toàn diện, cân bằng giữa lợi ích sức khỏe cộng đồng và hoạt động của doanh nghiệp với lộ trình và thời điểm phù hợp.
TS Lê Duy Bình - Giám đốc điều hành Economica Việt Nam nhìn nhận, theo dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, lộ trình tăng quá nhanh, quá gấp.
“Việc tăng mạnh về mức thuế và thời điểm áp dụng gấp gáp khiến các doanh nghiệp, các nhà cung ứng trở tay không kịp. Với cả hai phương án tăng thuế này, các doanh nghiệp trong ngành rượu bia sẽ bị ảnh hưởng nặng nề, đặc biệt là sau khi sức chống chọi của họ đã bị bào mòn bởi tác động từ đại dịch Covid-19, cơn bão Yagi, hạn chế từ các luật chuyên ngành như Luật Phòng chống tác hại rượu bia, Nghị định 100 và Nghị định 168”, ông Bình nêu quan điểm.
Theo ông Bình, một lộ trình tăng thuế hợp lý, về cả mức thuế và thời gian áp dụng sẽ giúp hài hoà trong việc đạt được mục tiêu của sắc thuế thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ngành rượu bia như Ban Soạn thảo đề ra, đồng thời sẽ giúp khoan thư sức doanh nghiệp, hỗ trợ để hồi phục và đóng góp cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế ở tốc độ cao trong năm nay và những năm tới.
Bà Phan Minh Thủy - Trưởng phòng Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) kiến nghị, lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt nên thiết kế hợp lý, không gây sốc.
Đối với bia, VCCI đề xuất, lùi thời điểm tăng thuế đến năm 2028, sau đó mỗi 2 năm tăng 5% cho đến năm 2030. Bà cũng nêu góc nhìn việc tăng thuế chưa chắc đạt mục tiêu điều chỉnh hành vi tiêu dùng nếu thiếu bằng chứng khoa học, thậm chí làm gia tăng hàng lậu.
Đại diện cơ quan quản lý, ông Lưu Đức Huy, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí (Bộ Tài chính) khẳng định, trong định hướng chiến lược, không có câu nào nhắc đến tăng thuế tiêu thụ đặc biệt nhằm mục tiêu tăng thu ngân sách.
Ông cho biết, việc Mỹ gần đây tuyên bố áp thuế đối ứng đã ảnh hưởng mạnh đến tâm lý và hoạt động kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, đồng thời tạo sức ép đáng kể đối với nền kinh tế. Trước tình hình đó, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Tài chính rà soát, nghiên cứu và báo cáo các nội dung cần điều chỉnh trong dự thảo Luật.
Chính phủ đã tiến hành lấy phiếu thành viên để điều chỉnh phương án của dự thảo Luật, từ đó giao Bộ Tài chính gửi ý kiến chính thức tới Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội.
Theo đó, một trong những điểm điều chỉnh quan trọng là giãn lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với một số mặt hàng như bia và rượu. Nếu trước đây, phương án 2 với mức tăng mạnh được lựa chọn thì hiện nay, để tránh gây tác động đột ngột, Chính phủ đề xuất quay lại phương án 1 với mức tăng thấp hơn và lộ trình hợp lý hơn.
Bên cạnh đó, thời điểm bắt đầu áp dụng lộ trình tăng thuế cũng được điều chỉnh, thay vì thực hiện từ năm 2026 như đề xuất ban đầu, sẽ lùi sang năm 2027 để doanh nghiệp có thêm thời gian thích nghi.
Ông Huy cho biết, hiện Ủy ban Kinh tế và Tài chính đang tổng hợp ý kiến từ Bộ Tài chính và các bên liên quan, để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi trình phương án điều chỉnh tại kỳ họp tới.
Dù việc sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt là cần thiết, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng, cần cân nhắc kỹ việc tăng thuế, mở rộng đối tượng chịu thuế, đặc biệt với nước giải khát có đường.