Bà đã tỉ mỉ, nhẫn nại và yêu thương dựng chân dung chồng bằng những con chữ vừa nghiêm cẩn vừa tha thiết của một người vợ tận tụy và dịu dàng.
Những trang sổ tay ghi chép chiến dịch của chồng, những bức thư của vợ chồng và cha con thời chiến, những mẩu chuyện thường nhật của người lính và người dân được bà Anh Đào dùng để "vẽ" chân dung chồng mình đầy yêu thương, tự hào. Những trang viết cho người đọc thấy được hóa ra tình yêu thời chiến của bà với chồng vẫn đầy sự lãng mạn.
Một chi tiết thú vị, ở đây bà Đào kể "anh Văn" từng nhận xét về chồng bà với bà rất thẳng thắn: "Hồng Sơn đánh trận giỏi nhưng bướng, hay cãi cấp trên".
Cô Đặng Thị Hạnh (1930 - 2023) đã ra đi ở tuổi 93. Cô là nhà dịch thuật, nghiên cứu, giảng dạy văn học Pháp tại Đại học Tổng hợp Hà Nội. Cô là cô giáo của chúng tôi.
Khi tôi vào học khoa ngữ văn (K20, 1975 - 1979) các thầy cô đã ở đó, đang vào độ chín của tuổi đời và tuổi nghề.
Chúng tôi, lần đầu tiên bước chân vào giảng đường đại học, háo hức lắng nghe và tiếp nhận những kiến thức các thầy cô truyền dạy nhưng vô tư không biết những khó khăn, cản trở các thầy cô phải vượt qua trong quá trình tìm kiếm, khai thác, cân nhắc lựa chọn các sự đánh giá, truyền đạt những kiến thức đó cho các lớp sinh viên.
Cô Đặng Thị Hạnh và các thầy cô dạy văn học phương Tây, cụ thể là văn học Pháp, và ở cả các bộ môn khác nữa, đã biết cách uyển chuyển, tinh tế, khéo léo đem đến cho các sinh viên của mình những hiểu biết tới hạn mà không lệch lạc, méo mó về một nền văn chương vĩ đại của thế giới trong hoàn cảnh đường ra của Việt Nam với thế giới đang bị khép mở nhiều bề. Công lao đó của cô đã được Chính phủ Cộng hòa Pháp trao tặng Huân chương Cành cọ hàn lâm (2013).
Và khi thời khác đến, thời đổi mới, mở cửa, không khí học thuật cởi mở, tự do hơn, cô Hạnh cùng các đồng nghiệp của mình, những người chuyên sâu vào văn học nước ngoài, đã rất nhanh và rất sắc chiếu cái nhìn tinh tường của mình vào văn học trong nước, ủng hộ và cổ vũ những cái mới của văn chương nước nhà.
Cuốn sách của cô Một vài gương mặt văn xuôi Pháp thế kỷ XX (2000) nói cả về những nhà văn mới của Việt Nam đang gây dư luận hồi đầu đổi mới. Cô, cũng như thầy Đỗ Đức Hiểu, cô Đặng Anh Đào, từ cách đọc văn nước ngoài đã ứng vào cách đọc văn trong nước, kịp thời giúp giới văn chương có được một công cụ mới giải mã các hiện tượng văn chương mới.
Cô Đặng Thị Hạnh trí thức khoa học nhưng giản dị bình thường. Đến khi cô viết văn thì mới hay bao nhiêu cái thấm văn chương Pháp để hiện ra những câu chữ lời văn thật trong sáng, đẹp đẽ, nồng ấm. Cô bé nhìn mưa - cuốn hồi tưởng (tên thể loại cô ghi lần xuất bản đầu tiên, 2008) của cô - đọc cuốn hút trước hết bởi văn cô viết cho người đọc cùng tác giả trôi vào mạch cảm xúc một đời người.
Lấy đề từ trong vở kịch Shakespeare - "Chúng ta được làm cùng thứ vải dệt thành các giấc mộng/ Và bao quanh cuộc đời bé nhỏ của chúng ta là một giấc ngủ", Đặng Thị Hạnh đã đi từ cô bé nhìn mưa là mình thuở nhỏ hai ba tuổi, xuyên suốt cuộc đời đầy biến động cùng lịch sử dân tộc của gia đình mình, đến cô bé nhìn mưa là đứa cháu mình hiện tại, và thế là "vi vu, vi vu... mọi việc đều trôi qua [...] Tất cả đều trôi qua. Đời người cũng vậy...", như tác giả dẫn lại lời ngọn gió trong một truyện cổ của Andersen.
Giờ cô Đặng Thị Hạnh đã nghỉ yên. Nhưng ngọn gió đó vẫn thổi trên trang sách của cô. Đã nhớ đã biết rồi thì gió cứ thổi mãi.
PHẠM XUÂN NGUYÊN