Bà lão 'gieo' hy vọng cho trẻ khuyết tật

Nguyễn Tuấn Khang | 21/12/2022, 07:08
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Từ lòng trắc ẩn, sau khi nghỉ hưu, một người phụ nữ đã quyết định mở trung tâm để “gom” và nuôi dạy những đứa trẻ bị khiếm khuyết về trí tuệ.

Qua một thời gian hoạt động, “tiếng lành đồn xa”, Trung tâm Hy vọng được nhiều người biết đến. Một tổ chức nhân đạo của Mỹ sau khi biết đến trung tâm đã đến thăm và bày tỏ mong muốn hỗ trợ một phần kinh phí giúp bà Nga xây dựng một địa điểm khang trang hơn. Nhiều lần rong ruổi khắp Hà Nội để tìm địa điểm mở rộng trung tâm không được, bà Nga thêm ưu phiền… Đồng cảm với tấm lòng của bà, người con gái đã cho mượn mảnh đất rộng 60m2 sâu bên trong con ngõ 290 Kim Mã để dựng cơ sở. Trung tâm Hy vọng được “khoác” trên mình “tấm áo mới”.

Từ đó đến nay, trung tâm tiếp nhận nhiều trẻ không riêng ở Hà Nội mà 23 tỉnh, thành phố trong Nam lẫn cả ngoài Bắc. Nhiều phụ huynh lặn lội cả nghìn cây số tìm đến trung tâm để nhờ bà Nga can thiệp. Vài năm trước, số trẻ sinh hoạt, học tập tại trung tâm lên đến con số 70. Có thời điểm, bà Nga phải luân phiên hay để một số học sinh “tốt nghiệp sớm” dành chỗ cho học sinh nặng can thiệp. Bà Nga cho biết đến nay, Trung tâm Hy vọng đã tiếp nhận trên 300 trẻ. Trong đó, nhiều trẻ sau thời gian học tập tại trung tâm đã ra ngoài hòa nhập, trưởng thành.

“Tôi mở ra trung tâm này không phải chủ trương để làm kinh tế nên mức lương sẽ thấp hơn bên ngoài rất nhiều nhưng các bạn ấy đều hiểu và chia sẻ. Đó là thành công của tôi và của cả trung tâm. Tôi rất cảm kích khi có giáo viên tâm sự rằng chỉ cần được làm việc với tôi là thấy tâm an, cho họ ăn một bữa họ vẫn sẽ gắn bó với trung tâm. Hiện tại, có những giáo viên đã gắn bó với tôi gần 20 năm rồi”, bà Nga tâm sự.

Bà chia sẻ thêm, trẻ theo học tại trung tâm có nhiều trường hợp rất khó khăn, kinh tế gia đình không có nên bà chỉ phụ thu tiền ăn, tiền sinh hoạt của các cháu, còn lại học phí đều được miễn. Những trường hợp khác, học phí cũng được giảm rất thấp so với những trung tâm bên ngoài.

Công việc hiện tại của bà Nga là quản lý chung mọi hoạt động của trung tâm, nghiên cứu soạn tài liệu giáo án. Đây là giáo án dựa trên hiểu biết của trẻ. Mỗi trẻ có hồ sơ riêng, có phiếu đánh giá hàng tháng gồm 5 mặt (vận động thô, vận động tinh, cảm xúc, cá nhân xã hội, ngôn ngữ). Các mặt cần can thiệp bà xây dựng chương trình riêng và làm biểu đồ theo dõi...

Gương mặt phụ nữ Thủ đô tiêu biểu

Hơn 20 năm gắn bó với Trung tâm Hy vọng, bà Nga bảo, do tuổi tác đã cao nên không thể nhớ hết được từng đứa trẻ đã theo học tại trung tâm. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp để lại ấn tượng sâu sắc đối với bà.

Bà Nga kể về trường hợp của em Hoàng Thục Anh. Học sinh này bị liệt nửa người bên phải, viết bằng tay trái, thêu cũng bằng tay trái nhưng em rất giỏi, gấp con chim én chỉ chưa đầy 5 phút bằng một tay. Sau khi “ra trường”, thỉnh thoảng Thục Anh vẫn gọi điện hỏi thăm sức khỏe bà Nga. Hay như cô bé Mai Thủy năm 3 tuổi được gửi đến trung tâm trong tình trạng chậm nói, kém phát triển. Ba năm gắn bó dưới sự dìu dắt của bà Nga, cô bé nhút nhát những ngày đầu đã “tốt nghiệp”. Lớn lên, cô bé thi và nhận được học bổng của 6 trường tại Mỹ.

Với những đóng góp cho cộng đồng, mới đây, bà Đỗ Thúy Nga đã được vinh danh là 1 trong 10 gương mặt phụ nữ Thủ đô tiêu biểu. Người nữ giám đốc cho biết, bà cảm thấy rất bất ngờ khi việc mình làm rất bình thường.

Dẫu là người cao tuổi nhưng điều dễ nhận thấy nhất ở bà Nga chính là sự dẻo dai và minh mẫn. Mỗi lần lên trung tâm, bà vẫn tự mình di chuyển lên tầng 4 để vào căn phòng làm việc nhỏ của mình. “Tôi luôn tự nhắc nhở mình phải duy trì hoạt động điều độ mỗi ngày. Hàng ngày, tôi đều dành ra 30 phút để tập yoga. Bên cạnh đó, việc đọc sách, rèn luyện thêm tiếng Pháp, tiếng Anh là phương pháp giúp trí não luôn được vận động”, bà Nga chia sẻ.

Sau khi về nghỉ hưu, thay vì trở thành một chuyên gia, bác sĩ tại bệnh viện với mức thu nhập ổn định, bà Nga lại lựa chọn “lối đi riêng” để hoàn thành tâm nguyện cả đời mình. Sau nhiều đêm trăn trở bà Nga quyết định tập hợp những giáo viên có tâm, tình yêu thương trẻ để thành lập ra Trung tâm Hy vọng. Bà Nga chọn “Hy vọng” làm tên cho trung tâm vì bà cho rằng, khi bước đến trung tâm của mình những đứa trẻ khiếm khuyết sẽ có hy vọng được thay đổi, hòa nhập với cộng đồng. Còn khi bước chân ra khỏi trung tâm, trẻ sẽ mang theo niềm hy vọng trở thành người có ích cho xã hội.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/ba-lao-gieo-hy-vong-cho-tre-khuyet-tat-post619642.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/ba-lao-gieo-hy-vong-cho-tre-khuyet-tat-post619642.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bà lão 'gieo' hy vọng cho trẻ khuyết tật