Trong việc dạy con, bà mẹ này ít khi lớn tiếng. Mọi vấn đề đều có thể ngồi lại, lắng nghe nhau. Chị tự nhận mình là "tỷ phú thời gian", sẵn sàng chở con đi trăm km để đến truyền cảm hứng học tập cho các em lớp nhỏ hơn. Ông bà nội, ngoại của con cũng luôn đồng hành theo con mọi cuộc thi, mọi sự kiện.
Sự gần gũi được vun đắp qua nhiều năm chính là lý do các con chị Nga luôn sẵn sàng tâm sự với mẹ không ngần ngại. Từ chuyện quyết định về chọn trường, cho đến mọi vấn đề cá nhân,... các em đều biết rằng mỗi chia sẻ của mình luôn được lắng nghe và thấu hiểu.
Trước mỗi vấn đề quan trọng, bao giờ chị Nga và các con cũng "họp" thật lâu. Chẳng hạn, khi cần chọn ra con đường đi cho con út, ngành gì, trường gì, hành trang gì cần chuẩn bị... hay khi con cần lời khuyên lúc con nhận ra bản thân có những rung động đầu đời. Phương châm của chị Nga là không cấm đoán, chỉ phân tích cho con hiểu những mặt lợi, mặt hại, những gì con nên và không nên để con hiểu và lựa chọn. Cả hai đều tôn trọng suy nghĩ, ý kiến của nhau và phản biện trên tinh thần xây dựng, thẳng thắn.
"Có những cuộc trò chuyện giữa hai mẹ con kéo dài liên tục nhiều giờ, nhiều ngày cho đến khi tìm ra đáp án. Có lần, mình biết chuyện con có bạn gái. Sau đó, con ngỏ lời muốn nói chuyện với mẹ. Con đặt vấn đề thẳng thắn, liệu có phải mẹ theo dõi con không, sao mẹ biết chuyện con có bạn gái. Con cũng cho rằng, nếu sự thật như vậy thì con sẽ thấy không thoải mái vì con cảm thấy cuộc sống của con không có sự riêng tư.
Mình phải nói rõ cho con hiểu rằng đó chỉ là linh cảm của người mẹ, và mẹ cũng thấy rất xấu hổ để con nghĩ rằng mẹ phải theo dõi để biết về vấn đề riêng tư của con. Sau rất nhiều cuộc trò chuyện, mãi 2 tuần sau, con mới có quyết định của riêng mình", chị Nga nói.
Bà mẹ này cho biết, việc đồng hành và dành thời gian cho con là yếu tố quan trọng để hiểu con và có những hướng dẫn đúng đắn, kịp thời. Đôi khi, chị còn tỏ ra "yếu đuối" hơn con, nhõng nhẽo và trẻ con hơn con. Nhưng đến khi con cần chỗ dựa thì vẫn sẵn sàng thể hiện vai trò của mình nhưng không thể hiện sự áp đặt, mẹ nói con nghe.
Chị Nga cho rằng, nhiều phụ huynh ngại nói yêu con, thương con, nhất là khi các con đã lớn. Nhưng bản thân chị luôn tận dụng mọi cơ hội để bày tỏ tình cảm với con, qua lời nói và những cái ôm. Đương nhiên, nói trong hoàn cảnh nào và tâm trạng thế nào chứ không phải nói sáo rỗng, qua loa. Nếu vậy, mình sẽ không thấy ngại và con cũng cảm nhận được sự chân thành.
Việc cha mẹ thể hiện tình cảm với con, khuyến khích con thể hiện tình cảm với gia đình sẽ giúp các con vun đắp thêm tình yêu thương, "mềm" tính hơn, thiện hơn.
Để dạy con thông cảm và yêu thương, chị Nga cho rằng, chính bản thân chị và chồng luôn ý thức làm gương. Cha mẹ không thể dặn con ngoan ngoãn, hiếu thảo với mình, còn bản thân thì đối xử lạnh nhạt với ông bà. Trong cuộc sống hàng ngày, chị Nga luôn ý thức khơi dậy tình yêu thương của con cái đối với người thân. Các con chị Nga vì thế cũng hình thành tính trách nhiệm và yêu quý nhau, sẵn sàng giúp đỡ và tâm sự, chia sẻ. Hai anh em cũng rất dễ dàng nói ra lời yêu thương nhau không hề ngại ngần.
Trong việc dạy con, chị Nga rất ít khi lớn tiếng. Ngay cả lúc dạy con học, chị cũng rất ít khi thấy áp lực bởi chị không kỳ vọng con vượt quá năng lực của con tại lứa tuổi đó. Bà mẹ này cũng không ham hố cho con tham gia đủ loại kì thi để lấy thành tích, chỉ thỉnh thoảng cho con đi kiểm tra năng lực ngoại ngữ để biết trình độ con đang ở đâu.
Tuy nhiên, chị Nga rất chú trọng việc tham gia vào các hoạt động của lớp con cùng các phụ huynh khác. Theo chị, điều này vừa thể hiện được sự quan tâm đến việc học của con, vừa có thể hiểu các con hơn.
Để "làm gương" cho con về tinh thần học tập, không ít lần bà mẹ này sẵn sàng đăng ký học cùng con. Khi con tham gia các lớp luyện thi IELTS, chị Nga cũng trở thành bạn học của con, hay lúc con học piano, chị cũng "tranh thủ" học thêm.
Chị cho rằng, chính sự đồng hành đó đã giúp mình hiểu những khó khăn của con, động viên, khen ngợi, ngưỡng mộ sự cố gắng của con để con có thêm động lực theo đuổi đam mê của mình. Trong những lựa chọn của con, chị không áp lực thành tích, đòi hỏi con đạt giải này giải kia. Thay vào đó, chị chỉ ra những lợi ích của môn học để từ đó đặt mục tiêu theo đuổi đến cùng.
Khi con lớn hơn, muốn tham gia các cuộc thi, bà mẹ này cũng âm thầm, mò mẫm thông tin để có thể trao đổi với con khi con cần xin ý kiến. Với việc học, chị cũng khuyến khích con viết ra cụ thể học cái gì vào giờ nào và học nội dung gì trong giờ đấy, chứ không đâm đầu vào sách vở học kiểu mù quáng.
Ngoài việc học, chị Nga luôn khuyến khích con tham gia các hoạt động thể thao. Theo chị, âm nhạc, thể thao giúp các con có tinh thần thoải mái, từ đó dễ tiếp thu kiến thức hơn, giải tỏa được căng thẳng nếu có.
Em Ngọc Minh, con trai lớn của chị Nga cũng cho biết, nếu nhìn vào em qua những dự án nghiên cứu, thành tích học tập, học bổng, mọi người sẽ nghĩ em là người chỉ biết học thôi. Nhưng em còn dành thời gian cho rất nhiều hoạt động khác như chơi piano, trống, âm nhạc, thể thao (bóng rổ, bóng đá, gym) và các hoạt động giao lưu với bạn bè,… Việc tập luyện thể thao sẽ cho các em một cơ thể ở trạng thái khỏe mạnh và nhiều năng lượng hơn, tạo tính kỷ luật, giúp tuân thủ thời khóa biểu đã đặt ra.
Ngoài ra, chị cũng không cấm con chơi game. Quan trọng là làm sao để con hiểu đâu là điểm dừng, không bị cuốn vào game đến mức bị nghiện.
Đạt nhiều thành tích đáng ngưỡng mộ, nhưng không phải lúc nào các con chị Nga cũng luôn đạt mục tiêu như kỳ vọng. Những lúc con thất bại, điều chị làm đó là bên cạnh con, giúp con vượt qua cảm giác thất vọng, để con hiểu rằng: Hãy yên tâm, dù thành công hay trượt ngã, sau lưng con vẫn luôn có gia đình.
Còn nhớ mới đây, con trai thứ hai của chị trượt kỳ thi vòng cuối cùng là vòng phỏng vấn của một kỳ thi. Con yêu và đam mê, mục tiêu rất rõ ràng và 1 mình con tự học, tự làm dự án. Các nhân sự tại cuộc thi và cố vấn Tiến sĩ Sinh Hóa khen con xứng đáng vì con giỏi, có tiềm năng phát triển. Bước vào vòng 3 phỏng vấn ngắn tìm hiểu mục tiêu, sự phù hợp... Nhưng ngày nhận kết quả trượt, mẹ và con không khỏi hụt hẫng.
Bí quyết của chị Nga thật ra vô cùng đơn giản, chỉ tóm gọn trong 4 chữ: Làm bạn với con.
Lúc em buồn, anh trai Ngọc Minh đáng lẽ phải vào ký túc xá nhưng cuối cùng chọn ở nhà với mẹ và em. Chị Nga và con trai lớn đã cùng nhau vẽ lại một bảng kế hoạch mục tiêu tổng thể khác, thay vào đó là 1 chương trình ngoại khóa sẽ liên quan đến Y khoa, đến bệnh viện vì sẽ giúp con tiệm cận với nghề con chọn.
Chị cho biết, bản thân mình không loay hoay, lan man trong các cuộc thi nếu không thuộc lĩnh vực có thể gom góp kinh nghiệm xoay quanh các môn Toán, IQ và Khoa học. Nếu có thi và có trượt thì cũng để biết con tự bơi trong bể kiến thức ở mức nào.
Chị luôn cùng 2 con bám sát mục tiêu nghề nghiệp của con để tìm ra cho con 1 con đường đi phù hợp nhất. Điều quan trọng là động viên con hãy tin tưởng vào chính mình, đừng nản và đừng thất vọng mà từ bỏ nỗ lực chinh phục những mục tiêu cao hơn cả mục tiêu vừa thất bại!