Lớp 4 là thời điểm tốt nhất để con bắt đầu tập trung ôn thi. Ở các lớp dưới nếu theo đúng lộ trình các con đã được bồi dưỡng nhiều từ vựng và làm quen ngữ pháp, nhưng sẽ chưa đủ. Do vậy, ở lớp 4 con bắt đầu phải ôn thi nghiêm túc hơn.
Nếu đã xác định cho con thi CLC, bố mẹ phải xác định "hy sinh" một chút kĩ năng Nói của con, để dành thời gian cho việc ôn thi. Đó là điều cần thiết với những bạn ở mức bình thường; còn nếu con giỏi và có khả năng bao quát được nhiều mục tiêu một lúc thì không thuộc trường hợp này. Tuy nhiên, bố mẹ vẫn phải duy trì kĩ năng Nghe cho con, vì thi CLC cần bài thi TOEFL Primary để lấy điểm ưu tiên với hai kĩ năng Nghe - Đọc.
Giai đoạn lớp 4-5: Các con học theo lộ trình như sau: Đầu tiên, học đủ các chuyên đề ngữ pháp để các con thi. Sẽ có tầm 17 chuyên đề: 1. Thì của động từ (tập trung một số thì); Phối hợp thì cơ bản - Từ để hỏi; Hòa hợp chủ - vị; Động từ khuyết thiếu; Đại từ - Cấu trúc Used to; Câu bị động; Danh động từ và động từ nguyên mẫu; Lượng từ; Mạo từ; Liên từ; Câu hỏi đuôi; Trật tự tính từ; Câu so sánh; Câu điều kiện - Câu ước; Mệnh đề quan hệ; Câu tường thuật; Đảo ngữ cơ bản.
Sau đó các con sẽ học từ vựng chuyên sâu theo chủ đề. Cuối cùng là tổng ôn và luyện đề theo format bài thi của trường mà con muốn thi.
1. Ngữ âm: Các con cần học cách phát âm chuẩn các từ, cả về mặt phiên âm và trọng âm. Không nên học vẹt vì phần này rất nhiều từ, không thể nhớ hết. Nên nghe nhiều, bắt chước phát âm của người bản xứ và cố gắng hình thành phản xạ trong việc nhận diện âm.
2. Ngữ pháp: Một số chủ điểm thường gặp trong bài thi các năm.
- Thì của động từ: Tập trung vào Thì Hiện tại đơn, Quá khứ đơn, Hiện tại hoàn thành, Quá khứ đơn, Quá khứ tiếp diễn, Tương lai đơn; Câu bị động; So sánh hơn/nhất; Mạo từ; Lượng từ; Đại từ; Giới từ; Câu điều kiện/Câu ước; Giới từ; Danh động từ và động từ nguyên mẫu.
Một số chuyên đề có thể lưu ý thêm: Mệnh đề quan hệ; Đảo ngữ.
3. Từ vựng (Chiếm phần lớn nội dung đề thi): Từ vựng thường được hỏi theo các cụm cố định và theo nghĩa của từ, kèm những câu hỏi liên quan đến hiểu biết của học sinh: Loại từ; Cụm từ cố định; Cụm động từ; Thành ngữ; Tục ngữ; Nghĩa của từ; Từ đồng âm khác nghĩa/Cặp từ dễ gây nhầm lẫn.
4. Đọc hiểu: Thông qua bài đọc, học sinh phải thể hiện được kĩ thuật đọc: Đọc lấy thông tin chính; Đọc lấy thông tin chi tiết; Hiểu từ vựng thông qua ngữ cảnh bài đọc hiểu; Kĩ thuật tìm nhanh câu trả lời chính xác.
5. Kĩ năng Viết: Bài viết yêu cầu học sinh phải có vốn kiến thức và hiểu biết rộng, đồng thời khả năng ngôn ngữ linh hoạt và trau chuốt. Bài viết thể hiện rõ nhất quan điểm và trình độ của học sinh. Do vậy, để làm tốt bài viết học sinh cần chuẩn bị:
- Về kiến thức: Các con cần đọc sách nhiều để lấy kiến thức nền tảng phục vụ cho việc lên ý tưởng bài viết. Đồng thời rèn luyện tư duy logic để triển khai ý bài viết mạch lạc và thống nhất.
- Về kĩ thuật viết và ngôn ngữ: Các con cần một bộ từ vựng theo từng chủ đề để tiết kiệm thời gian trong quá trình viết bài, đồng thời sẽ tăng được điểm về từ vựng. Cần chuẩn bị một template (một khuôn mẫu đã được định dạng sẵn trước cho bài viết tổng thể) để việc viết bài bớt thời gian và hiệu quả hơn.
Các con cần được chỉnh sửa về mặt ngữ pháp để đảm bảo các ý tưởng được trình bày rõ ràng và dễ hiểu cho người chấm.