Việc áp dụng tiến bộ KHCN vào nông nghiệp, nông thôn trong thời gian qua là giải pháp, tạo động lực đối với việc chuyển giao kết quả nghiên cứu vào thực tế sản xuất, giúp các hợp tác xã, các trang trại và nhất là các hộ nông dân tiếp thu và nhân rộng.
Tuy nhiên, việc đẩy nhanh sự phát triển nông nghiệp trong thời gian tới, phải tìm được các hướng ưu tiên nhưng thích ứng với các điều kiện sinh thái khó khăn, không đòi hỏi đầu tư lớn, nâng cao năng suất, có hiệu quả kinh tế cao và ổn định, đồng thời cần phải tăng cường sức sáng tạo của nông dân trong việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật.
Tranh thủ mọi nguồn lực đầu tư từ bên ngoài, phát huy tối đa nội lực, tiềm năng sẵn có để phát triển - đó là quan điểm phát triển của tỉnh Bắc Giang, cũng như hoạt động nghiên cứu- ứng dụng và chuyển giao công nghệ của ngành KHCN nói riêng.
Trong thời gian tới, cần có cơ chếhỗ trợ và có giải pháp tháo gỡ, hỗ trợ, tăng cường sức sáng tạo của nông dân ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đối với địa phương cần xây dựng định hướng, kế hoạch hoạt động nghiên cứu, ứng dụng theo từng giai đoạn trong lộ trình phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Bên cạnh đó, các tiến bộ kỹ thuật phải xuất phát từ nhu cầu thực tiễn. Xác định rõ nhiệm vụ ưu tiên của từng tiểu vùng, từng khu vực để có biện pháp tăng cường hỗ trợ KHCN, phối hợp, lồng ghép với các chương trình, dự án khác trên địa bàn, cả về nội dung cũng như nguồn tài chính.
Đồng thời đẩy mạnh mối liên kết giữa "4 nhà": Nhà nước, nhà khoa học, nhà nông và nhà doanh nghiệp trong các khâu nghiên cứu - chuyển giao, ứng dụng - sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Đối với bản thân người nông dân (doanh nghiệp, chủ trang trại, chủ hộ sản xuất kinh doanh, hộ gia đình), là đối tượng trung tâm, là người thụ hưởng của các dự án mô hình, bản thân người dân phải có mong muốn vươn lên làm giàu. Từ đó sẽ có ý thức tìm tòi thông tin, học hỏi, tiếp nhận công nghệ mới, áp dụng vào sản xuất nhằm nâng cao đời sống, góp phần xây dựng và phát triển nông thôn bền vững.
Về lâu dài cùng với việc hỗ trợ nông dân, cần phải thực hiện một chính sách hỗ trợ mạnh mẽ hơn về vốn vay, về KHCN, về bảo hộ sở hữu trí tuệ, đồng thời tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia vào phát triển sản xuất để có đủ khả năng là một đồng minh, là chỗ dựa tin cậy của nhà nông.