Đối với các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chương trình hoạt động tiếp cận với học sinh, sinh viên. Đặc biệt, các trường có nhiều sáng kiến, sáng tạo cũng như những cách làm linh hoạt, sáng tạo và phù hợp với thực tiễn của từng địa phương, đơn vị. Điển hình, các trường chủ động lồng ghép nội dung GDHN trong các môn học, bài học, hoạt động giáo dục; đa dạng hóa và vận dụng linh hoạt các loại hình tư vấn nghề nghiệp phù hợp với lứa tuổi học sinh phổ thông.
Cụ thể, về hình thức tổ chức giáo dục hướng nghiệp ngày càng đa dạng, các trường đã vận dụng mô hình giáo dục gắn với hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của địa phương. Từ cách làm này, vừa giúp phát huy văn hóa, truyền thống của địa phương, vừa phát triển kinh tế vùng. Vì thế, hướng đi sáng tạo trong dạy hướng nghiệp cho học sinh, được giáo viên, học sinh các trường đón nhận và hưởng ứng tích cực. Ngoài ra, các nhà trường cũng quan tâm tổ chức cho học sinh tham gia vào hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm; tham quan các cơ sở sản xuất kinh doanh tại địa phương và Trường Cao đẳng Bắc Kạn,...
Với sự phát triển về công nghệ 4.0, các trường đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyên truyền, giáo dục, trao đổi kinh nghiệm về công tác giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh phổ thông. Xây dựng các mô hình, cách tiếp cận thông tin nhanh chóng, sát thực. Tất cả các điều này nhằm giúp học sinh nắm bắt xu hướng nhanh nhưng độ chính xác cao. Theo nhận định, học sinh khối THPT Bắc Kạn nắm bắt công nghệ nhanh, ứng dụng linh hoạt cũng như biết sàng lọc các thông tin tiếp cận tốt.
Có thể nói, ngành giáo dục đào tạo tỉnh Bắc Kạn những năm qua đã có nhiều đổi mới, phát triển thành công trong giáo dục hướng nghiệp. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn nhiều khó khăn cần được hỗ trợ, khắc phục. Điển hình như cán bộ quản lý, giáo viên làm công tác giáo dục hướng nghiệp ở các đơn vị đều là kiêm nhiệm, chưa được tập huấn về lĩnh vực này. Tư tưởng, tâm lý của một số phụ huynh học sinh chưa thực sự coi trọng giáo dục nghề nghiệp; vẫn còn tình trạng học sinh bỏ học hoặc không thể tiếp tục tham gia học nghề vì hoàn cảnh gia đình khó khăn. Cơ sở vật chất, thiết bị cho dạy thực hành còn thiếu, chưa đáp ứng được yêu cầu của giáo dục hướng nghiệp...
Vì thế, thời gian gian tới, tỉnh Bắc Kạn cần tiếp tục bám sát các quan điểm chỉ đạo, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về GD&ĐT; chỉ đạo ngành GD&ĐT phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể thực hiện tốt công tác xã hội hóa nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả GD&ĐT…