Bách hóa xanh có người điều hành mới “sẽ làm việc không lương”

10/04/2023, 07:15
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Tại phiên họp Đại hội đồng cổ đông năm 2023 mới đây, CTCP tập đoàn Thế giới di động (MWG) đã công bố bổ nhiệm quyền Giám đốc điều hành của Bách hóa xanh.

Theo giới thiệu của MWG, người được giao trọng trách quan trọng này là ông Phạm Văn Trọng (sinh năm 1979), trình độ chuyên môn là thạc sỹ Toán - Tin trường Đại học Khoa học tự nhiên, ĐHQG TP Hồ Chí Minh.

“Chúng tôi chọn ra ông Phạm Văn Trọng, người sẽ dẫn dắt Bách hóa Xanh tiến về tương lai. Đây là quyền CEO đầu tiên mà chúng tôi bổ nhiệm, ông Trọng sẽ làm việc không lương cho đến khi tình hình có hiệu quả”, ông Nguyễn Đức Tài - Chủ tịch Hội đồng quản trị MWG nói.

Ông Trọng gia nhập MWG từ năm 2004 với vị trí trưởng phòng công nghệ thông tin và có hơn 18 năm phát triển cùng tập đoàn.

Bách hóa xanh có người điều hành mới “sẽ làm việc không lương” - 1

Ông Phạm Văn Trọng, quyền Giám đốc điều hành Bách hóa Xanh từng có hơn 18 năm phát triển cùng tập đoàn

Trước khi tham gia vào đội ngũ lãnh đạo của CTCP thương mại Bách hóa xanh trên cương vị Giám đốc khối vận hành từ năm 2019, ông Trọng từng đảm nhiệm vị trí Giám đốc khối CNTT của MWG.

Được biết, trong thời gian này, chính ông Trọng là người đứng sau hệ thống ERP (Enterprise Resource Planning) quan trọng của Thế Giới Di Động. Hệ thống này giúp quản lý, nắm bắt những yếu tố cơ bản như doanh thu, hàng tồn kho, lợi nhuận, xuất hóa đơn,... mà lãnh đạo doanh nghiệp không cần đi đến cơ sở kinh doanh mà vẫn nắm được thông tin.

Theo ông Nguyễn Đức Tài, Bách hóa xanh có 4 trụ cột chính, tương ứng với các nhân sự quan trọng, trong đó ông Trọng là giám đốc vận hành, người kết nối quan trọng giữa đội mua và đội bán.

Kể từ khi ông Trần Kinh Doanh rời vị trí Giám đốc điều hành của Bách hóa xanh từ cuối năm 2021, Chủ tịch Nguyễn Đức Tài đã trực tiếp điều hành hệ thống này và nỗ lực thực hiện tái cấu trúc.

Trước đó, trong báo cáo kết quả giao dịch cổ phiếu MWG (CTCP Đầu tư Thế giới Di động), Dragon Capital thông tin, nhóm quỹ liên quan vừa bán ra 979.600 cổ phiếu MWG để giảm sở hữu từ 8,01% về còn 7,94% vốn điều lệ. Trong đó, quỹ Amersham Industries Limited bán ra 1 triệu cổ phiếu và quỹ Hanoi Investments Holdings Limited mua vào 20.400 cổ phiếu. Động thái thoái vốn của quỹ ngoại này diễn ra trước ngày Thế giới Di động dự kiến tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 (8/4).

Bên cạnh đó, kết quả kinh doanh của “đại gia” ngành bán lẻ này vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc.

Cụ thể, trong 2 tháng đầu năm 2023, Tập đoàn ghi nhận doanh thu 19.010 tỷ đồng, giảm 25% so với cùng kỳ và hoàn thành được 14% kế hoạch doanh thu năm (kế hoạch doanh thu 135.000 tỷ đồng).

Đáng chú ý, Thế giới Di động không công bố lợi nhuận trong 2 tháng đầu năm 2022. Trong khi trong các báo cáo theo tháng năm 2022, TGDĐ liên tục công bố doanh thu và lợi nhuận hàng tháng.

Đối với chuỗi Thế giới Di động và Điện Máy Xanh, trong 2 tháng đầu năm, tổng doanh thu giảm 32% so với cùng kỳ.

Giới phân tích dự báo, khả năng phục hồi của hoạt động xuất khẩu sẽ thúc đẩy nhu cầu trên thị trường lao động và tiêu dùng trong nước từ quý II/2023. Dù vậy, tốc độ phục hồi lợi nhuận của các công ty bán lẻ sẽ chậm hơn so với tốc độ phục hồi của nền kinh tế, vì người tiêu dùng sẽ cần thời gian để tích lũy lại khoản tiết kiệm và lấy lại niềm tin vào sức mua của mình.

Năm 2023, Thế giới Di động đặt kế hoạch kinh doanh với doanh thu 135.000 tỷ đồng, tăng 1% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế dự kiến 4.200 tỷ đồng, tăng 2% so với thực hiện trong năm 2022 (giả định sức mua sẽ hồi phục tích cực từ quý III/2023).

Ông Đoàn Văn Hiểu Em, thành viên HĐQT MWG đánh giá, hiện tại nền kinh tế của Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung đều đang khó khăn vì vậy thị trường điện thoại, điện máy cũng bị tác động nhiều và dự báo tình hình kinh doanh trong quý vừa qua và vài quý tới tiếp tục khó khăn.

Kết thúc phiên giao dịch 7/4, cổ phiếu MWG tiếp tục là phiên giảm điểm thứ 3, đóng cửa ở mức 39.000 đồng/CP.

Trong khi đó, đà tăng của VN-Index đã dần chững lại trong tuần vừa qua và chịu áp lực điều chỉnh vào 2 phiên cuối tuần. Điều đó cho thấy tâm lý thận trọng của NĐT đã quay trở lại.

Nhận định thị trường trong phiên giao dịch đầu tuần (10/4) các công ty chứng khoán cho rằng, VN-Index trong tuần tới sẽ có nhịp kiểm tra lại ngưỡng kháng cự mạnh là đỉnh hồi phục đầu tháng 2 quanh vùng 1.085-1.095 điểm.

CTCK Tân Việt - TVSI nhận định, xu hướng tăng giá ngắn hạn vẫn dự báo tiếp tục được duy trì, nhưng chỉ số sẽ khó vượt ngay được vùng kháng cự ngắn. Chỉ số dự báo sẽ cần thêm vài phiên tích lũy ở vùng giá cao trước khi tiếp tục tăng điểm.

Trong khi đó, VCBS khuyến nghị nhà đầu tư tiếp tục bám sát thị trường, đặc biệt là tại vùng hỗ trợ 1.055 – 1.060, có thể tận dụng cơ hội tại các nhịp rung lắc mạnh (nhiều khả năng sẽ diễn ra trong những phiên tới) để cân nhắc giải ngân mua vào cổ phiếu thuộc các nhóm ngành như chứng khoán, dầu khí, bất động sản... khi tín hiệu mua chủ động gia tăng trở lại tại các vùng hỗ trợ.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bách hóa xanh có người điều hành mới “sẽ làm việc không lương”