So với việc thay đổi màu sắc, thay đổi kết cấu trên da của bạch tuộc ít được giới nghiên cứu quan tâm. Tuy nhiên, chúng đóng một vai trò quan trọng giúp việc thay đổi màu sắc trở nên sinh động hơn.
Tốc độ đổi màu kinh ngạc
Từ trên đất liền đến dưới đại dương, nhiều loài động vật có khả năng ngụy trang nhưng bạch tuộc có thể xếp hàng tốp đầu do sở hữu tốc độ và độ chính xác đáng kinh ngạc. Theo chuyên gia Deravi, bạch tuộc có thể thay đổi màu sắc trong một phần của giây, nhanh hơn một cái chớp mắt. Ngược lại, tắc kè hoa có thể mất vài giây hoặc hơn một phút để thay đổi hoàn toàn màu sắc.
Lý giải điều này, bà Deravi cho biết: Bạch tuộc có thể thay đổi màu sắc nhanh chóng do não của chúng có liên kết sâu sắc với bề mặt da. Không giống như não của hầu hết các loài động vật nằm ở phần đầu, não của bạch tuộc không bị giới hạn trong một vùng duy nhất.
Ngoài bộ não có hình giống chiếc bánh rán, bạch tuộc còn có “túi não” hoặc các nơ-ron thần kinh trên khắp cơ thể và xúc tu. Điều này cho phép xúc tu hoạt động riêng lẻ như có suy nghĩ riêng và đóng vai trò trong việc thay đổi màu sắc. Tuy nhiên, các nhà khoa học đang nghiên cứu kỹ lưỡng hơn về cách thức hoạt động của các túi não này.
Một điểm gây tò mò khác là làm thế nào bạch tuộc có thể thay đổi màu da phù hợp với màu sắc của môi trường xung quanh thuần thục. Dù có khả năng tạo ra nhiều màu sắc khác nhau, phần lớn bạch tuộc và các loài cephalopod bị mù màu.
Theo một bài báo xuất bản năm 2020 trên tạp chí Frontiers in Physiology, mắt của bạch tuộc chỉ có một cơ quan cảm thụ ánh sáng. Các tế bào chuyển đổi ánh sáng thành tín hiệu thần kinh, nghĩa là bạch tuộc chỉ có thể phát hiện sự khác biệt về ánh sáng dựa trên cường độ.
Các nhà khoa học đặt ra giả thuyết rằng, mắt bạch tuộc có thể nhìn thấy màu sắc mà không cần cơ quan thụ cảm quang. Trong mắt bạch tuộc có thể có những thụ thể cho phép loài này nhìn thấy màu sắc theo cách khác với con người và các loài động vật khác. Do đó, chúng có thể nhìn thấy màu sắc và thay đổi màu sắc theo ý muốn.
Cuối cùng, dù ngụy trang là khả năng bẩm sinh của hầu hết các loài bạch tuộc, thực hành giúp chúng nâng cao khả năng này. Một con bạch tuộc có thể mất 1 - 2 năm để hoàn toàn thành thạo việc thay đổi màu sắc. Chúng sẽ biết cách phối hợp với việc thay đổi màu sắc với các hành vi khác như ẩn nấp trong kẽ hở, thay đổi hình dạng cơ thể để tránh khỏi kẻ thù.