Là một doanh nhân, Bạch Văn Tín mang đến nhiều công ăn việc làm cho người lao động. Trong thơ anh vì thế vừa thật nhưng cũng rất tình. Phụ nữ trong tác phẩm của anh không phải là những người giàu sang phú quý, mà là những người mẹ, người chị vất vả, lam lũ, một nắng hai sương: “Bà mang theo ngọn gió đồng/Toả hương thơm ngát của bông lúa vàng/Lời ru trĩu nặng nỗi làng/Cánh cò cõng cả mênh mang phận người”.
Thơ Bạch Văn Tín đặc biệt. Một phần vì anh có cái nhìn thấm thía và cảm thông sâu sắc với người phụ nữ. Vì thế không khó hiểu khi hình tượng người phụ nữ trong thơ Bạch Văn Tín nhẹ nhàng nhưng vẫn giữ được sự sâu sắc trong từng ý tứ thơ.
Trong tác phẩm “Cưới vợ cho chồng”, anh xót xa cho người phụ nữ đã hy sinh cả cái tình mà mình đáng được có: “Cái ngày cưới vợ cho cha/Bờ đê mẹ ngã sấp ba bốn lần/Bầu trời đổ xuống bàn chân/Người như chết điếng nửa phần mẹ ơi”.
Hoặc hình ảnh người phụ nữ đang đứng đợi con trước cổng làng trong tác phẩm “Cổng làng”: “Cháu con lên phố ồn ào/Mẹ tôi tựa cổng gầy hao đợi chờ/Tiễn chân con thuở dại khờ/Sớm chiều mẹ vẫn thẫn thờ qua đây”.
Có khi là những người phụ nữ chung chung nhưng cũng có khi thơ anh dành cho bà, cho mẹ, cho vợ hay em gái của mình. Chẳng hạn với vợ, anh “nịnh” rất khéo qua bài thơ “Nịnh vợ”: “May mà em chẳng yêu thơ/Để mình anh với gã khờ trong anh/Cái thân giằng xé tâm can/Xin em đừng tủi giữa dan díu này”. Hay với em dâu trong tác phẩm cùng tên, tác giả viết: “Lạ nhà đôi mắt rưng rưng/Bàn chân em bước ngập ngừng hồi lâu/Gặp người lạ hỏi thật mau/Đến chơi là cháu, cúi đầu gọi anh”.
Nhà thơ cũng không quên viết để tưởng nhớ người bà quá cố trong tác phẩm “Cỏ”: “Bình minh sưởi ấm mộ bà/Giọt sương đậu trắng cỏ gà vừa lên/Bà nằm dưới nấm đất hiền/Gội mưa tắm nắng từ miền ca dao./Bà ơi vạt cỏ thương sao/Đầu xanh đôi mắt nghẹn ngào sương rơi/Hương trầm lan toả khoảng trời/Cúi đầu con vái ngàn lời trong tâm./Con nghe lọn gió thì thầm/Bao năm cỏ đã bật mầm mà xanh/Cỏ ru bà giấc thơm lành/Hồn bà hay cỏ hoá thành mênh mông./Lối con đi giữa cánh đồng/Cỏ may đan mãi vết lòng chưa khâu/Con nghe cỏ đã chuyển mầu/Hình như con thấy mùi trầu toả hương.”