“Không giống nhiều văn nhân băng ngang vào hội họa, thường vẽ theo lối tượng trưng hay biểu hiện. Bùi Chát nghiêng hẳn theo hướng trừu tượng - đòi hỏi sự tinh tường và tinh tế trong dụng ngôn hội họa. Và hầu hết tranh tôi đã xem đều thực sự là những tác phẩm đẹp với phong cách lyrical abstraction rất riêng”.
Giám tuyển, nhà phê bình Nguyên Hưng
Bùi Chát bảo: “Hội họa tình huống không bắt đầu và kết thúc bằng các ý tưởng, mà chỉ bắt đầu và kết thúc bằng các tình huống và cách ứng biến - ứng xử tình huống. Đối tượng của hội họa tình huống không gì khác ngoài các tình huống hội họa. Các nghệ sĩ không mô tả, thể hiện, phản ánh, hoặc hướng đến đối tượng - mà chỉ có thể xử lý, ứng biến, ứng xử với đối tượng”.
Nhà phê bình Lý Đợi cho rằng, với nhiều người việc nhà thơ Bùi Chát vẽ tranh là chuyện khá bất ngờ. Bởi đơn giản, bản tính anh vốn kín đáo, ít tương tác nên dù đã vẽ vài trăm tranh, cũng chẳng mấy người biết.
Từ hơn 15 năm trước, cùng với các thi sĩ Trần Tiến Dũng, Khúc Duy… Bùi Chát đã mầy mò, thể nghiệm thoải mái với việc vẽ tranh cùng các vật liệu, ngôn ngữ “phản trường quy”.
Nhưng vì thơ và các công việc xuất bản chiếm nhiều thời gian nên việc vẽ tranh của Bùi Chát đôi khi phải dừng lại, hoặc tạm bị che khuất.
Hai năm Covid-19 vừa qua, Bùi Chát đã trở lại mạnh mẽ cùng việc sáng tạo hội hoạ. Gần 30 tác phẩm trong triển lãm đầu tay này được giám tuyển Nguyên Hưng chọn lựa từ hàng trăm tác phẩm đã hoàn thành của Bùi Chát.
“Cũng như thơ, với nhiều tìm tòi thể nghiệm và pha trộn, trong tranh dù chọn hội họa tình huống, nhưng bản sắc pha trộn - tìm tòi của Bùi Chát vẫn vậy. Về ngôn ngữ, chúng ta có thể thấy chủ đạo là trừu tượng trữ tình (lyrical abstraction), nhưng bảng màu thì phảng phất chất dã thú (fauvism), còn tinh thần sáng tác thì pha trộn giữa ngẫu biến (fluxus) và đa đa (dadaism)”, ông Lý Đợi cho hay.
Là bạn của Bùi Chát, đến xem tranh – chuyên gia khảo cổ học Nguyễn Khắc Hậu nói rằng: “Từ góc độ nghề nghiệp khảo cổ, tôi nghiệm ra con người biết vẽ hình trước khi biết viết chữ, trẻ em tập vẽ trước khi tập viết.
Vẽ là thể hiện mình một cách bản năng nhất, vì ngôn ngữ chữ viết dẫu sao vẫn là một kiểu “quy ước” của xã hội. Các nhà thơ, từ việc sử dụng ngôn ngữ chuyển sang, trở lại với “bản năng” vẽ để thể hiện mình, có lẽ là điều không khó hiểu”.
Khoảng chục năm nay, không ít nhà thơ cao hứng cầm cọ được công chúng cổ vũ nồng nhiệt như Lê Thị Kim, Nguyễn Quang Thiều, Đoàn Lê, Bùi Chí Vinh... Bây giờ lại có thêm Bùi Chát ứng tác trừu tượng. Các bức tranh được bày biện trong triển lãm, khiến người xem có thể thấy tác giả đã có sự chiêm nghiệm đủ sâu và rộng đối với nghệ thuật trừu tượng.
Có thể thích hay không thích, đồng ý hay phản đối thì với triển lãm lần này, Bùi Chát đã tự xác lập được cho mình một lãnh địa – lãnh địa trừu tượng. Ở đó, nghệ sĩ tự mình làm thượng đế để đưa ra tình huống và xử lí nó trong tâm cảnh.
Ngắm những bức vẽ trừu tượng dọc ngang đầy công lực, không thể gọi Bùi Chát là nhà thơ vẽ tranh. Bởi những tác phẩm ấy được thành hình từ những nhát cọ hàn lâm đầy cuốn hút.