“Bộ tứ” tài danh
Mỗi người có một cá tính và con đường riêng, nhưng đều giữ được nguồn gốc văn hóa Việt. Thời gian qua, tranh của “bộ tứ” Đông Dương liên tục lập kỷ lục về giá trên sàn quốc tế. “Chân dung cô Phương” của Mai Trung Thứ đạt 3,1 triệu USD, Lê Phổ cũng có 4 tranh cán mốc triệu đô.
Giám đốc điều hành Sotheby’s châu Á - Nathan Drahi - cho biết : “Chúng tôi tự hào khi lần đầu tổ chức triển lãm tại nơi sôi động như TPHCM. Sự kiện là cơ hội để Sotheby’s chia sẻ những tác phẩm xuất sắc tới công chúng. Đồng thời, là cách quảng bá văn hóa nghệ thuật Việt Nam thông qua lăng kính của một nhóm nghệ sĩ tài danh vào hàng bậc nhất thế giới”.
Còn Jasmine Prasetio - Giám đốc điều hành Sotheby’s Đông Nam Á thì cho rằng, Sotheby’s đã giới thiệu được nhiều kiệt tác Việt Nam ra thế giới. Đồng thời ghi nhận vai trò của Việt Nam như một cái nôi văn hóa nghệ thuật quan trọng, kèm theo một cộng đồng nhà sưu tập đang tăng trưởng mạnh mẽ.
Nằm trong nhóm các thị trường tăng trưởng nhanh trong khu vực, nghệ thuật Việt Nam đang thu hút sự quan tâm từ giới sưu tập toàn cầu. Sau khi phá kỷ lục giá mới nhất cho Lê Phổ tại phiên đấu vừa qua tại Hồng Kông, hiện Sotheby’s đang nắm giữ cả ba kỷ lục về giá cao nhất cho tranh.
Trong thời gian qua, tranh của bốn danh họa Thứ - Phổ - Đàm - Lựu đã thu hút giới sưu tập thế giới thông qua các buổi đấu giá với mức gõ búa cao ngất ngưởng. Họ là bốn họa sĩ Việt Nam đầu tiên xuất thân từ Trường Mỹ thuật Đông Dương và là những học trò xuất sắc nhất của trường.
Mai Thứ được Lê Phổ coi là người vẽ giỏi nhất khóa I (1925 - 1930). Lê Phổ là học trò cưng của Giáo sư Tardieu, thường tháp tùng ông sang Pháp. Vũ Cao Đàm đỗ thủ khoa điêu khắc khóa II (1926 - 1931).
Đáng chú ý có một nữ danh họa là Lê Thị Lựu - thủ khoa hội họa khóa III (1927 - 1932). Bà sinh năm 1911 tại Bắc Ninh, sau khi tốt nghiệp bà tham gia giảng dạy tại Trường Bưởi.
Từ năm 1935 - 1937, bà vào Nam dạy vẽ ở Trường Áo Tím (sau này là Gia Long, Nguyễn Thị Minh Khai), vẽ ký họa cho các báo Phụ Nữ Tân Văn, Đàn Bà Mới, ký tên Văn Đỏ. Năm 1938, bà bị lao phải trở về Hà Nội điều trị. Năm 1939, bà dạy Trường Bưởi, Trường Nữ Sư Phạm (Trưng Vương sau này) ở Hà Nội.
Tháng 3/1940, bà theo chồng sang Pháp và tham gia nhiều triển lãm, tạo được tên tuổi nơi xứ người. Tranh lụa của Lê Thị Lựu là một thế giới khác hẳn, bà tái tạo xã hội Việt Nam tiền chiến với những đứa bé ngây thơ, những nàng sơn nữ tuyệt đẹp trong một nghệ thuật ấn tượng toàn bích.
Vì thế, giới phê bình gọi tranh của bà là “Ấn tượng hoàng hôn”. Bởi khi bà trở lại với hội họa năm 1956, thì trường phái Ấn tượng đã về chiều, không còn mấy người vẽ. Bà đem cái hoàng hôn thơ mộng ấy, xây dựng lại một thế giới mới - thế giới Việt Nam của riêng bà, để giới thiệu ra bên ngoài.