Bài 2: An toàn hạt nhân phải là ưu tiên hàng đầu

28/12/2024 07:45

Trong bối cảnh tái khởi động dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, yếu tố an toàn là mối quan tâm hàng đầu, đặc biệt là sau những sự cố lớn đã từng xảy ra tại nhà máy Fukushima (Nhật Bản) vào năm 2011.

Bài 2: An toàn hạt nhân phải là ưu tiên hàng đầu- Ảnh 1.
Lò phản ứng số 3 (phải) của nhà máy điện hạt nhân Ohi thuộc Công ty điện lực Kansai ở thị trấn Ohi, quận Fukui, miền Trung Nhật Bản (Nguồn: Kyodo/TTXVN)

Lựa chọn công nghệ

Bài 2: An toàn hạt nhân phải là ưu tiên hàng đầu- Ảnh 2.
TS. Trần Chí Thành, Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (Bộ KH&CN), người từng tham gia lập Báo cáo Nghiên cứu tiền khả thi Dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2 - Ảnh: VGP

TS. Trần Chí Thành, Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (Bộ KH&CN), người từng tham gia lập Báo cáo Nghiên cứu tiền khả thi Dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2, cho biết, hiện nay trên thế giới có 62 tổ máy điện hạt nhân (lò hạt nhân) đang được xây dựng, và hơn 400 tổ máy đang vận hành, bao gồm các lò hạt nhân thế hệ II, III và III+. Tất cả đều đã được kiểm tra đánh giá an toàn đầy đủ sau sự cố Fukushima (2011), nên đều đáp ứng các tiêu chí an toàn khắt khe nhất được Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đưa ra sau 2011.

Công nghệ điện hạt nhân không dễ thay đổi trong một thời gian ngắn. Các công nghệ điện hạt nhân cơ bản đã được phát triển trong hơn 70 năm qua và hầu như không thay đổi nhiều (về nguyên lý).

"Khi chúng ta nói thay đổi thì có nghĩa là chỉ thay đổi về thiết kế theo xu hướng hoàn thiện hơn, an toàn hơn (nhiều hệ thống đảm bảo an toàn nhằm bảo vệ theo chiều sâu), với các hệ thống trang thiết bị tiên tiến, hiện đại nhất theo sự phát triển của khoa học công nghệ trên thế giới", TS. Trần Chí Thành nói.

"Ngoài nhân lực để vận hành và làm việc trong nhà máy, một đội ngũ chuyên gia giỏi về công nghệ và an toàn hạt nhân, để luôn luôn nắm rõ các vấn đề khoa học, kỹ thuật, và khía cạnh pháp quy là rất quan trọng để chương trình điện hạt nhân thành công" - TS. Trần Chí Thành, Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (Bộ KH&CN)

Trên thế giới, công nghệ điện hạt nhân phổ biến hiện nay (các lò đang vận hành) chủ yếu là lò nước áp lực, lò nước sôi, lò nước nặng và lò nơtron nhanh (tải nhiệt bằng kim loại lỏng), với thiết kế của thế hệ II, III, các tổ máy mới là thế hệ III+.

Các thiết kế mới đều đáp ứng các yêu cầu khắt khe nhất, cao nhất về an toàn hậu Fukushima, bảo đảm vận hành an toàn kinh tế và không ảnh hưởng đến con người, môi trường ngay cả trường hợp có sự cố xảy ra. Do đó, trong vài thập niên tiếp theo, công nghệ chủ yếu được triển khai vẫn là lò làm mát bằng nước (lò áp lực là chính), thiết kế tiên tiến thế hệ III+.

Theo Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, đối với nhà máy số 1 Ninh Thuận, trước đây (giai đoạn 2010-2016), Việt Nam đã khẳng định sẽ lựa chọn công nghệ VVER1200 hiện đại nhất thế hệ III+ của Nga. Dự án số 2 cũng cân nhắc lựa chọn công nghệ lò áp lực mới nhất thế hệ III+.

Giai đoạn 2010-2016, Tư vấn Nhật Bản đưa ra 4 phương án công nghệ bao gồm lò nước sôi cải tiến (ABWR), lò nước áp lực cải tiến của Mitsubishi Heavy Industry (MHI) là MPWR+, lò tiên tiến, mới thiết kế do MHI hợp tác với AREVA (Pháp) là thiết kế ATMEA1 và lò nước áp lực tiên tiến AP1000 của Westinghouse Electric Company (WEC) liên danh thương mại giữa Nhật Bản với Mỹ. Tuy nhiên đến 2016 khi dừng dự án, công nghệ vẫn chưa được lựa chọn cho Ninh Thuận 2.

Ngoài các thiết kế thế hệ III+, công nghệ lò mô đun nhỏ (SMR) đang được nhiều nước trên thế giới nghiên cứu và nỗ lực triển khai. Tuy nhiên, SMR chủ yếu áp dụng biện pháp làm mát bằng kim loại lỏng, chỉ có vài thiết kế làm mát bằng nước (như Nuscale). Công nghệ làm mát bằng nước đã được nghiên cứu nhiều và thuần thục trên thế giới, trong khi công nghệ lò làm mát bằng kim loại lỏng là lĩnh vực chưa được nghiên cứu nhiều, còn nhiều vấn đề khoa học mà chúng ta chưa nắm rõ.

Do đó, triển vọng sử dụng SMR vào mục đích phát điện thương mại là không cao trong vài chục năm tới (nhiều khả năng các lò dùng nước làm mát sẽ được triển khai sớm hơn).

Về vấn đề bảo đảm an toàn, theo ông Trần Chí Thành, trong ngành điện hạt nhân, các sự cố lớn xảy ra là Three Miles Irland (TMI) năm 1979, Chernobyl năm 1986 và Fukushima năm 2011. Bài học rút ra là ngoài đào tạo nguồn nhân lực hạt nhân đảm bảo chất lượng, cần xây dựng hệ thống pháp quy hạt nhân chặt chẽ, thực hiện tốt, đầy đủ và trách nhiệm các nhiệm vụ kiểm tra giám sát liên quan đến đánh giá an toàn, thiết kế, liên quan đến xây dựng và giám sát vận hành nhà máy (cũng như các hệ thống thiết bị), quản lý dự án cũng là lĩnh vực cần con người giỏi, kinh nghiệm.

Ngoài nhân lực để vận hành và làm việc trong nhà máy, một đội ngũ chuyên gia giỏi về công nghệ và an toàn hạt nhân, để luôn luôn nắm rõ các vấn đề khoa học, kỹ thuật, và khía cạnh pháp quy là rất quan trọng để chương trình điện hạt nhân thành công.

Về công nghệ, do thiết kế điện hạt nhân được đưa ra bởi các tổ chức, hoặc công ty về hạt nhân của các nước tiên tiến, của các nước làm chủ công nghệ, nên vấn đề ở Việt Nam (nếu có) là kiểm tra đánh giá tính phù hợp của thiết kế trong điều kiện thực tế Việt Nam.

Việt Nam cũng cần chú trọng xây dựng cơ quan pháp quy hạt nhân mạnh và độc lập, chú trọng việc đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là đội ngũ chuyên gia hạt nhân.

"Khối lượng công việc của một dự án điện hạt nhân rất lớn, các nhiệm vụ đặt ra trước mắt, sau khi có chủ trương của Đảng và Chính phủ, là rất khó nhưng nếu quyết tâm và có mục tiêu, lộ trình rõ ràng chúng ta sẽ triển khai thực hiện thành công", ông Trần Chí Thành khẳng định.

Bài 2: An toàn hạt nhân phải là ưu tiên hàng đầu- Ảnh 3.
Mỹ công bố các biện pháp mới để hỗ trợ phát triển các nhà máy điện hạt nhân. Ảnh: Bloomberg

Những yếu tố quyết định sự thành công

Cùng quan điểm với TS. Thành, TS. Tạ Văn Thưởng, Chuyên gia Viện Năng lượng (Bộ Công Thương) nhận định: Trong phát triển điện hạt nhân, vấn đề an toàn cần đặt lên hàng đầu, hướng tới mục tiêu rủi ro bằng 0. Trên thế giới, các quốc gia thường tập trung vào việc giảm thiểu rủi ro đến mức thấp nhất có thể thông qua các biện pháp kỹ thuật, quản lý và pháp lý, trong đó việc nâng cao văn hóa an toàn được đặt lên hàng đầu.

"Việc lựa chọn công nghệ, đảm bảo an toàn, xử lý chất thải, xây dựng niềm tin của công chúng và hợp tác quốc tế là những yếu tố quyết định thành công của một dự án điện hạt nhân", TS. Tạ Văn Thưởng nói.

Về công nghệ hạt nhân, Việt Nam nên ưu tiên lựa chọn các công nghệ hạt nhân thế hệ mới (đã qua kiểm chứng), có tính năng an toàn cao và hiệu quả kinh tế. Cần lựa chọn các nhà cung cấp công nghệ có uy tín, kinh nghiệm và cam kết cao về an toàn. Việt Nam cũng cần theo dõi sát sao các tiến bộ công nghệ, liên tục cập nhật thông tin về các công nghệ hạt nhân mới để đưa ra những quyết định đầu tư, cập nhật quy hoạch phù hợp cho chương trình phát triển lĩnh vực điện hạt nhân dài hạn của đất nước.

An toàn hạt nhân phải là ưu tiên số một trong mọi giai đoạn của dự án, từ thiết kế, xây dựng đến vận hành và xử lý chất thải. Việt Nam cần xây dựng một hệ thống giám sát và quản lý an toàn hạt nhân chặt chẽ, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế; cũng như đầu tư vào đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao về an toàn hạt nhân.

Bên cạnh đó, Việt Nam cần đầu tư xây dựng các cơ sở hạ tầng để xử lý và lưu trữ chất thải hạt nhân một cách an toàn và lâu dài; theo dõi và nghiên cứu các công nghệ xử lý chất thải hạt nhân tiên tiến mà các nước trên thế giới đã áp dụng để tìm ra giải pháp tối ưu.

"An toàn hạt nhân phải là ưu tiên số một trong mọi giai đoạn của dự án, từ thiết kế, xây dựng đến vận hành và xử lý chất thải. Việt Nam cần xây dựng một hệ thống giám sát và quản lý an toàn hạt nhân chặt chẽ, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế; cũng như đầu tư vào đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao về an toàn hạt nhân" - TS. Tạ Văn Thưởng, Chuyên gia Viện Năng lượng (Bộ Công Thương)

Về pháp lý, cần xây dựng một hệ thống pháp luật hoàn chỉnh về năng lượng hạt nhân, đảm bảo tính minh bạch, công khai và phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế. Trước mắt, chúng ta cần sửa đổi Luật Năng lượng nguyên tử (2008) nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý phục vụ mục tiêu phát triển các ứng dụng năng lượng nguyên tử đóng góp nhiều hơn nữa cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, củng cố an ninh quốc gia trong tình hình mới. Ngoài ra, theo thông lệ quốc tế, chúng ta cần thành lập một cơ quan quản lý năng lượng hạt nhân chuyên nghiệp, có thẩm quyền và độc lập để quản lý và vận hành các dự án nhà máy điện hạt nhân một cách an toàn và hiệu quả.

Về công tác thông tin tuyên truyền, cần cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác và kịp thời về các dự án điện hạt nhân; tổ chức các cuộc đối thoại để lắng nghe ý kiến của người dân và giải đáp kịp thời, đầy đủ các thắc mắc.

Về hợp tác quốc tế, Việt Nam cần nhanh chóng tiến hành các công việc để tiếp tục, thúc đẩy hơn nữa hợp tác với các quốc gia có kinh nghiệm phát triển điện hạt nhân để tiếp cận các công nghệ tiên tiến và đào tạo nhân lực. Việc chúng ta phát triển điện hạt nhân một cách an toàn và bền vững chắc chắn sẽ nhận được sự hỗ trợ tích cực từ cộng đồng quốc tế.

Lựa chọn công nghệ nào cũng phải đặt an toàn lên hàng đầu

Sự phát triển điện hạt nhân tại các quốc gia trên thế giới rất khác nhau. Trên cơ sở bài học kinh nghiệm của các nước có nền công nghiệp điện hạt nhân phát triển, Viện Năng lượng (Bộ Công Thương) nhận định rằng Việt Nam cần tham khảo, học hỏi và thực hiện nghiên cứu một cách chi tiết, vận dụng một cách linh hoạt vào điều kiện thực tiễn của nước mình, để có thể phát triển nhà máy điện hạt nhân.

Mới đây, ngày 20/12, tại Nhật Bản, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã có buổi làm việc với nhóm doanh nghiệp, trường đại học của Nhật Bản nhằm trao đổi về việc thúc đẩy hợp tác phát triển điện hạt nhân giữa Việt Nam - Nhật Bản.

Tại buổi làm việc, ông Satoru Yasuraoka, Giám đốc Văn phòng hợp tác năng lượng hạt nhân quốc tế, Bộ Kinh tế, thương mại và công nghiệp Nhật Bản đã chia sẻ với Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên về vấn đề "lựa chọn công nghệ lò phản ứng nước sôi hay lò phản ứng áp lực". Trả lời câu hỏi này, ông Satoru Yasuraoka cho biết, Nhật Bản sẽ không lựa chọn là nghiêng về một kỹ thuật nào, mà phát triển song song cả 2 kỹ thuật này.

"Dù có lựa chọn công nghệ nào đi chăng nữa, thì cũng luôn luôn phải ghi nhớ trong đầu là phải đảm bảo an toàn và đặt tính an toàn lên trên tuyệt đối" - Ông Satoru Yasuraoka, Giám đốc văn phòng hợp tác năng lượng hạt nhân quốc tế, Bộ kinh tế, thương mại và công nghiệp Nhật Bản.

Bởi dựa vào bối cảnh lịch sử thì tính đến nay, Nhật Bản có những công ty lớn về phát triển điện hạt nhân, và mỗi một công ty đã trải qua rất nhiều năm đã tích lũy rất nhiều kinh nghiệm về mỗi công nghệ. Do đó, Nhật Bản quyết định để những công ty lớn phát huy tất cả những kinh nghiệm của họ từ trước đến nay.

"Thay vì chúng tôi sẽ lựa chọn công nghệ nào, thì chúng tôi luôn luôn khắc ghi trong trí nhớ của mình về thảm họa của Fukushima vào năm 2011. Tức là dù có lựa chọn công nghệ nào đi chăng nữa, thì cũng luôn luôn phải ghi nhớ trong đầu là phải đảm bảo an toàn và đặt tính an toàn lên trên tuyệt đối", ông Satoru Yasuraoka khẳng định.

Trong suốt 13 năm nay kể từ đó đến nay, những tập đoàn lớn về điện hạt nhân của Nhật Bản đã thực hiện rất nhiều thí nghiệm, cũng như là nghiên cứu tập trung mạnh hơn vào kỹ thuật, làm thế nào để đảm bảo an toàn trong quá trình vận hành nhà máy. Hai tập đoàn công nghiệp nặng Mitsubishi và Hitachi đều sở hữu những công nghệ khác nhau. Nhưng hiện tại, Nhật Bản tập trung lớn nhất, hết sức mình vào việc phát triển công nghệ làm thế nào để đảm bảo mức độ an toàn cao nhất khi vận hành nhà máy điện hạt nhân. Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản cũng thấy rằng điều này là điều quan trọng nhất.

Bài 2: An toàn hạt nhân phải là ưu tiên hàng đầu- Ảnh 4.
Nhà chức trách kiểm tra phóng xạ người dân sau thảm họa hạt nhân nghiêm trọng ở tỉnh Fukushima - Ảnh: Reuters

Sự đồng thuận từ phía người dân

Nhật Bản đang khởi động lại rất nhiều nhà máy phát điện hạt nhân. Tính đến 2024, Nhật Bản đã khởi động lại khoảng 13 nhà máy phát điện hạt nhân, và sang năm tiếp theo sẽ là 14 nhà máy điện hạt nhân.

"Sau khi thảm họa động đất sóng thần ở Fukushima xảy ra, người dân Nhật Bản vẫn còn lo ngại rất nhiều liên quan đến việc xây dựng mới các nhà máy phát điện hạt nhân. Cho nên đến hiện tại, chúng tôi chỉ khởi động lại và tiếp tục vận hành lại các nhà máy sẵn có trước đây, còn việc xây dựng nhà máy mới thì chúng tôi chưa thực hiện được", ông Satoru Yasuraoka cho biết.

Có thể thấy thảm họa hạt nhânFukushima không chỉ là sự ám ảnh với người dân Nhật Bản mà còn là sự lo ngại của mọi công dân trên thế giới. Do đó, theo Viện Năng lượng (Bộ Công Thương) việc đầu tiên cần làm để tái khởi động dự án điện hạt nhân Ninh Thuận đó là cần có sự cam kết mạnh mẽ của Chính phủ về việc phát triển điện hạt nhân vì mục đích hoà bình.

Việc thực hiện một chương trình điện hạt nhân quốc gia đòi hỏi phải có sự hợp tác chặt chẽ của các tổ chức trong nước và quốc tế. Chương trình điện hạt nhân cần được coi là một phần trong kế hoạch phát triển kinh tế quốc gia, việc nội địa hóa công nghệ điện hạt nhân khó thành công nếu không có cơ sở nền tảng của công nghiệp nặng như cơ khí, hóa chất...

Bên cạnh đó, chúng ta cần kết hợp vốn kiến thức và kinh nghiệm của các quốc gia có nền công nghiệp điện hạt nhân phát triển với việc đảm bảo nguồn nhân lực trong nước có khả năng thực hiện thành công chương trình điện hạt nhân. Công tác tuyên truyền điện hạt nhân cần phải tiến hành với cách thức về cả chiều rộng lẫn chiều sâu để đạt được sự đồng thuận trong người dân là yếu tố quan trọng.

Chúng ta đều biết rằng, việc phát triển dự án điện hạt nhân không chỉ phục vụ mục đích phát điện để phát triển kinh tế - xã hội, mà còn nâng cao tiềm lực khoa học công nghệ của quốc gia, phát triển đồng bộ hạ tầng kỹ thuật quốc gia trên tất cả các lĩnh vực. Do vậy, cần phải chủ động sớm có lộ trình xây dựng khuôn khổ hệ thống pháp quy về an toàn hạt nhân trong cả nước, để kiểm soát an toàn hạt nhân một cách chặt chẽ. Cần chủ động xây dựng hệ thống kiểm soát an toàn hạt nhân, sớm xây dựng một khuôn khổ pháp quy về an toàn hạt nhân cho điện hạt nhân.

Về nhân lực, cần có chiến lược nhằm đảm bảo nguồn nhân lực và hệ thống đào tạo hạt nhân quốc gia. Chiến lược phát triển nguồn nhân lực bao gồm ngắn hạn và dài hạn; chiến lược ngắn hạn nhằm đảm bảo nhân lực ban đầu chất lượng cao cho dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên, chiến lược dài hạn là nhằm đảm bảo nhân lực cho cả chương trình hạt nhân quốc gia trong dài hạn.

Cuối cùng là cần hợp tác quốc tế tích cực kết hợp với việc tiếp thu ý kiến phản hồi, đánh giá của các chuyên gia trong nước và quốc tế nhằm đảm bảo an toàn là rất quan trọng, nhất là khi Việt Nam đang bắt đầu khởi động chương trình điện hạt nhân.

Bài 2: An toàn hạt nhân phải là ưu tiên hàng đầu- Ảnh 5.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nêu 10 nhóm công việc để khẩn trương tái khởi động dự án điện hạt nhân Ninh Thuận

Những việc cần làm ngay

Là người đứng đầu cơ quan chủ quản về lĩnh vực năng lượng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã nêu ra 10 nhóm công việc cần làm để khẩn trương tái khởi động dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.

Thứ nhất, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các địa phương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) để rà soát và bổ sung quy hoạch liên quan đến 2 dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận vào Quy hoạch điện VIII. Dự án này dự kiến sẽ được khởi động lại từ tháng 1/2025 và chúng ta cần hoàn thành các công đoạn này trước tháng 3/2025, dự kiến phát điện trước 2035. Đây là một công việc rất quan trọng, bởi trước đó dự án đã bị đóng băng do nhiều lý do, nhưng việc tái khởi động là hoàn toàn phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành.

Thứ hai, Bộ Công Thương sẽ chủ trì và phối hợp với các bộ, ngành liên quan để tham mưu xây dựng và ban hành các nghị định, thông tư hướng dẫn thực hiện Luật Điện lực sửa đổi theo qui trình rút gọn, có hiệu lực cùng với hiệu lực của Luật Điện lực sửa đổi (1/1/2025) kèm theo đó là các cơ chế, chính sách cụ thể cho các dự án điện lực.

"Điều đáng mừng là Luật Điện lực sửa đổi đã có các chương quy định về điện hạt nhân, trong đó có các cơ chế, chính sách ưu đãi về đầu tư và khuyến khích đầu tư", Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.

Thứ ba, Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo, rà soát các công việc và triển khai để giao EVN làm chủ đầu tư các dự án điện hạt nhân ở Ninh Thuận. Việc này sẽ làm và phải hoàn thành xong trước ngày 1/2/2025 để trùng với thời điểm các quy định có hiệu lực.

Thứ tư, Chính phủ báo cáo cấp có thẩm quyền để xin chủ trương tái đàm phán, ký Hiệp định với Nga hoặc Nhật Bản theo cam kết cũ là vừa hỗ trợ về mặt kỹ thuật, vừa hỗ trợ về tài chính, ưu đãi. Hiện nay công nghệ đã thay đổi, chúng ta cũng cần rà soát đàm phán lại để xem áp dụng công nghệ nào, vốn vay ra sao, lộ trình thực hiện thế nào? Việc này muộn nhất trong quý I/2025, khi có chủ trương là lên đường đàm phán ngay.

Thứ năm, chủ đầu tư (EVN) phải khẩn trương thuê tư vấn để rà soát, cập nhật các thông tin, điều chỉnh dự án để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt lại chủ trương đầu tư hoàn chỉnh dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Theo quy định, các dự án đầu tư lớn 10 tỷ USD phải đưa ra Quốc hội phê chuẩn. Dự kiến, dự án này sẽ được trình lên Quốc hội muộn nhất là vào đầu quý II/2025.

Thứ sáu, sau khi có chủ trương đầu tư dự án mới theo quyết định của cấp có thẩm quyền, chủ đầu tư sẽ chọn tư vấn xây dựng dự án để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt báo cáo tiền khả thi (FS) ngay đầu quý III/2025.

Thứ bảy, chủ đầu tư EVN rà soát lại nguồn nhân lực đã được đào tạo. Nếu còn điều kiện và có nguyện vọng tiếp tục phối hợp với các đối tác đào tạo lại; đồng thời lập kế hoạch đào tạo mới, chú trọng các đối tác có hỗ trợ về mặt kỹ thuật, công nghệ. Việc này hoàn thành trong quý II/2025.

Thứ tám, EVN khẩn trương rà soát, điều chỉnh, bổ sung (nếu cần) và tiếp tục triển khai xây dựng các dự án hạ tầng điện, nước, khu quản lý vận hành, khu chuyên gia, nhà điều hành… Tất cả những gì chuẩn bị cho dự án này là phải triển khai ngay, không chần chừ, không chờ đợi, không có bất kỳ sự trì hoãn nào.

Thứ chín, tỉnh Ninh Thuận tiếp tục triển khai dự án di dân tái định cư. Vướng việc gì cần báo cáo Chính phủ, Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan hỗ trợ.

Thứ mười, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định "phải làm thật tốt công tác truyền thông để tạo sự đồng thuận trong Đảng, trong hệ thống chính trị và trong nhân dân".

Trong nhóm 10 công việc cần thực hiện ngay này, người đứng đầu ngành Công Thương yêu cầu 7 nhóm công việc đầu tiên sẽ hoàn thành theo lộ trình đã báo cáo còn 3 nhóm cuối cần phải triển khai luôn.

(còn tiếp)


Theo baochinhphu.vn
https://baochinhphu.vn/bai-2-an-toan-hat-nhan-phai-la-uu-tien-hang-dau-102241226145116264.htm
Copy Link
https://baochinhphu.vn/bai-2-an-toan-hat-nhan-phai-la-uu-tien-hang-dau-102241226145116264.htm
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bài 2: An toàn hạt nhân phải là ưu tiên hàng đầu