Trong nền văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” luôn là sợi chỉ đỏ xuyên suốt, là tinh thần cốt lõi gắn kết cộng đồng và hun đúc nên lòng yêu nước, nhân nghĩa của các thế hệ người Việt.
Từ thời các Vua Hùng dựng nước đến thời đại Hồ Chí Minh giữ nước, rồi ngày nay trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, đạo lý thiêng liêng ấy vẫn được trao truyền, giáo dục và phát huy.
Đặc biệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là người đã kế thừa, tỏa sáng và nâng đạo lý ấy lên thành kim chỉ nam trong đời sống chính trị và đạo đức. Trong đó, tình cảm của Bác dành cho thương binh, liệt sĩ - những người đã hy sinh xương máu vì độc lập, tự do của Tổ quốc - là một trong những minh chứng cảm động và sâu sắc nhất, từ đó để lại bài học quý giá cho hôm nay và mai sau.
Ngay từ khi nước nhà còn chìm trong khói lửa chiến tranh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã luôn dành những tình cảm trân trọng và biết ơn sâu sắc đối với những người đã ngã xuống hoặc để lại một phần thân thể nơi chiến trường. Dù bộn bề công việc thời kỳ đầu cách mạng, khi Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vừa mới thành lập (1945), Bác vẫn không quên gửi thư tri ân các chiến sĩ và đồng bào miền Nam đang chiến đấu.
Trong thư, Bác viết: “Tôi nghiêng mình trước anh hồn những chiến sĩ, đồng bào Việt Nam đã vì Tổ quốc mà hi sinh anh dũng”. Câu nói ấy vừa thể hiện sự tiếc thương, vừa là lời nhắn gửi với niềm tin rằng: Những mất mát ấy không vô ích, mà là nền tảng cho tương lai đất nước.
Năm 1947, giữa lúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bước vào giai đoạn khốc liệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị Chính phủ lấy ngày 27/7 hàng năm làm “Ngày Thương binh Liệt sĩ”. Đây không chỉ là quyết định chính trị mà còn là biểu tượng văn hóa, là sự khẳng định giá trị và vị trí của thương binh, liệt sĩ trong tâm hồn dân tộc. Trong bài viết nhân dịp này, Bác viết: “Thương binh là những người đã hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào... Vì vậy, Tổ quốc, đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy”. Mỗi lời Bác nói là một sự ghi ơn, là ngọn lửa thắp lên trong lòng toàn dân sự kính trọng và ý thức, trách nhiệm với những người đã cống hiến cho độc lập dân tộc.
Không chỉ thể hiện bằng lời nói, tình cảm của Bác còn được thể hiện qua những hành động thiết thực và đầy nhân văn. Trong hoàn cảnh đất nước còn nghèo nàn, thiếu thốn đủ bề, Bác kêu gọi nhân dân, chính quyền các cấp chung tay chăm lo đời sống cho thương binh và gia đình liệt sĩ. Người đề nghị các địa phương dành ruộng đất, huy động nhân dân cùng canh tác, chia sẻ hoa lợi để hỗ trợ thương bệnh binh. Người dạy: “Phải coi việc giúp đỡ thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ là nghĩa vụ, chứ không nên coi đó là việc làm phúc”.
Trong những năm kháng chiến gian khổ, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần trích tháng lương ít ỏi của mình để ủng hộ thương binh, liệt sĩ. Năm 1950, khi lương của Bác chỉ là 1.000 đồng/tháng, Người vẫn đều đặn dành phần lớn để gửi tặng các đơn vị, tổ chức chăm sóc thương binh. Đó không phải là sự chia sẻ từ một nhà lãnh đạo tối cao, mà là tình cảm sâu nặng của một người cha, người anh cả của dân tộc, đặt tình nghĩa và đạo lý lên trên tất cả.
Tình cảm của Bác Hồ đối với thương binh, liệt sĩ còn được thể hiện rõ nét trong những dịp thiêng liêng của đất nước. Trong thư gửi các chiến sĩ vào dịp Tết năm 1946, Bác viết: “Trong khi đồng bào đốt pháo mừng xuân thì các bạn nổ súng chống địch. Các bạn hăng hái chống địch để đồng bào an toàn mừng xuân. Vậy nên đồng bào quyết không bao giờ quên công lao các bạn”. Đó là lời chúc Tết mà cũng là lời tri ân sâu sắc, nhắc nhở toàn dân tộc phải luôn ghi nhớ những người đang hi sinh nơi tiền tuyến để đất nước có mùa Xuân.
Một trong những hình ảnh cảm động nhất là vào ngày Giải phóng Thủ đô (1954), Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo đến đặt vòng hoa tưởng niệm tại Đài liệt sĩ Ba Đình. Đứng trước linh hồn những người đã hi sinh vì độc lập dân tộc, Bác không kìm được xúc động, nước mắt Người không ngừng tuôn rơi.
Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã phải thay Bác đọc điếu văn: “Máu nóng của các liệt sĩ đã nhuộm lá quốc kỳ. Tiếng thơm của các liệt sĩ sẽ muôn đời truyền với sử xanh”... Tình cảm ấy không chỉ là niềm tiếc thương, mà còn là sự ngưỡng vọng thiêng liêng dành cho những người đã hi sinh trọn vẹn vì nghĩa lớn.
Sau ngày đất nước thống nhất năm 1975, Đảng và Nhà nước tiếp tục kế thừa tư tưởng đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phát động nhiều phong trào chăm sóc thương bệnh binh và gia đình liệt sĩ. Những hoạt động đền ơn đáp nghĩa, xây dựng nhà tình nghĩa, hỗ trợ giáo dục cho con em liệt sĩ… là minh chứng cho sự lan tỏa mạnh mẽ của bài học đạo đức mà Bác để lại.
Hơn nửa thế kỷ sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đi xa, tấm gương đạo đức và tư tưởng nhân văn cao cả của Bác vẫn là nguồn cảm hứng bất tận cho mỗi người dân Việt Nam, nhất là trong công cuộc dựng xây đất nước. Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh, mỗi người chúng ta cần ý thức sâu sắc rằng sự hy sinh của các thế hệ đi trước là nền móng để hôm nay ta có được hòa bình, độc lập.
Việc quan tâm, tri ân thương binh, liệt sĩ không chỉ là trách nhiệm mà còn là biểu hiện sâu sắc nhất của lòng yêu nước và nhân cách văn hóa Việt. Tình cảm sâu nặng của Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho thương binh, liệt sĩ là biểu tượng cao đẹp của lòng biết ơn, là ánh sáng soi đường cho các thế hệ hôm nay và mai sau.
Bài học “uống nước nhớ nguồn” mà Người để lại không chỉ là một lời nhắc nhở đạo lý, mà là ngọn lửa của tình yêu thương, trách nhiệm, kết nối quá khứ - hiện tại - tương lai thành một dòng chảy thiêng liêng trong tâm hồn Việt Nam.