Về câu "Cáo chết ba năm quay đầu về núi", theo học giả An Chi là:
"Câu này bắt nguồn ở thành ngữ tiếng Hán 'hồ tử thú khâu' [狐死首丘] (cáo chết hướng [về] gò), thường nói tắt thành 'thú khâu' 首丘 (= hướng về phía gò). 'Hồ tử thú khâu'thực chất là một lối dụng điển vì thư tịch Trung Hoa xưa từng nói đến chuyện này.
Thiên 'Đàn Cung' trong sách Lễ ký viết: 'Người đời xưa có lời nói rằng cáo chết hướng về đúng gò; ấy là nhân vậy' (Cổ chi nhân hữu ngôn viết: Hồ tử chính khâu thú; nhân dã). Bài 'Ai Dĩnh' trong phần 'Cửu chương' của Sở từ có câu 'Cáo chết ắt quay về phía gò' (Hồ tử tất thú khâu). Truyện Khấu Vinh trong Hậu Hán thư có câu 'Không bằng cái tình của con cáo chết mà (còn biết) hướng về gò' (Bất thắng hồ tử thú khâu chi tình). Thiên 'Thuyết lâm' trong sách Hoài Nam Tử có câu 'Chim bay về quê, thỏ chạy về hang, cáo chết hướng gò' (Điểu phi phản hương, thố tẩu quy quật, hồ tử thú khâu). Chữ nghĩa rành rành như thế thì sao lại có thể tùy tiện mà đổi cáo thành 'cóc' được?".
... Với những văn liệu đã thấy, ta khó có thể nói rằng câu 'Cáo chết ba năm quay đầu về núi' không phải do tích Tàu, sách Tàu mà ra. Có điều là tiền nhân của người Việt đã thêm mắm thêm muối nên làm cho câu thành ngữ càng khó hiểu với hai tiếng 'ba năm'. 'Hồ tử thú khâu' thì dịch thành 'Cáo chết hướng (về) gò' là đủ rồi. Sao phải thêm 'ba năm'? 'Ba năm' là làm sao? Ba năm thì đã thịt nát xương tan tuyệt tích rồi còn đâu. Mà đây là lấy chuyện thực tế để ví von chứ đâu có phải chuyện vô hình, siêu nhiên mà hòng đem chuyện hồn của con cáo đã chết ra nói!
Lại nữa, 'khâu' cũng đâu phải là 'núi' mà là 'gò' và chỉ là một hoán dụ để chỉ cái hang của con cáo mà thôi. Câu thành ngữ này dùng để chỉ những người yêu quê hương, không phải là những kẻ vong bản, những người tuy sống ở tha phương nhưng muốn lúc chết thì được chôn ở quê nhà".