Sở GD&ĐT Hà Nội vừa công bố đáp án các môn trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT năm nay. Đặc biệt, đáp án môn Ngữ văn được đông đảo thí sinh mong chờ vì đề năm nay được đánh giá có độ mở hơn những năm trước và khá hay.
Đề thi môn Ngữ văn của Hà Nội năm nay vẫn giữ nguyên cấu trúc gồm 2 phần, phần I (6.5 điểm) với các câu hỏi xoay quanh bài thơ "Đồng Chí" của Chính Hữu.
Phần II (3.5 điểm) được nhiều thí sinh, giáo viên khen là rất mở và khá hay khi đưa những vấn đề gần gũi, thiết thực trong thực tế để thí sinh bày tỏ quan điểm.
Phần này có 3 câu hỏi, trong đó đề đưa ra một đoạn trích trong “Dám bị ghét” của Kishimi Ichiro và Koga Fumitake, từ đó yêu cầu thí sinh xác định phép liên kết trong các câu văn (0,5 điểm).
Yêu cầu thí sinh trả lời cho câu hỏi, có ích kỷ không nếu “chúng ta không sống để đáp ứng mong đợi của người khác”? (1 điểm) và (câu 2 điểm), đề yêu cầu thí sinh viết đoạn văn nghị luận để trả lời câu hỏi, nên ứng xử thế nào trước mong đợi của những người thân yêu đối với chúng ta?
Chậm nhất ngày 2/7, Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ công bố kết quả thi cho thí sinh. (ảnh: Như Ý)
Sau khi kết thúc kỳ thi, một số phụ huynh bày tỏ băn khoăn, lo lắng đề mở nhưng đáp án cứng nhắc, thí sinh lập luận không trúng vấn đề sẽ bị mất điểm. “Ví dụ thí sinh trả lời cho yêu cầu có ích kỷ không nếu chúng ta không sống để đáp ứng mong đợi của người khác theo chiều hướng ngược là, nếu chỉ biết đáp ứng yêu cầu của người khác thì họ sẽ không còn là chính mình, không có quan điểm riêng. Cách trả lời như vậy có đạt điểm hay không?”, một phụ huynh trăn trở.
Với đề 2 phần, 7 câu hỏi nhỏ như vậy nhưng đáp án vừa được Sở GD&ĐT Hà Nội công bố nằm gọn trong một mặt giấy.
Trong đáp án chỉ nêu một cách ngắn gọn, chung nhất là: thí sinh bày tỏ được quan điểm cá nhân và lí giải thuyết phục trên cơ sở đảm bảo chuẩn mực đạo đức, văn hóa.
Về mặt hình thức, thí sinh viết đảm bảo dung lượng, lập luận chặt chẽ, lí lẽ thuyết phục, dẫn chứng phù hợp, diễn đạt mạch lạc, đúng chuẩn chính tả, ngữ pháp có thể đạt mức điểm tối đa.
Đối với câu 3 của phần II, đáp án chấm cũng chỉ nêu, thí sinh hiểu được vấn đề nghị luận đó là: cách ứng xử đúng đắn trước mong đợi của những người thân yêu đối với chúng ta; Nêu được những cách ứng xử đúng đắn và bàn luận thuyết phục, phù hợp với chuẩn mực đạo đức, văn hóa; liên hệ và rút ra bài học…
Nhận xét về đáp án môn Ngữ văn, cô Nguyễn Hằng Nga, Tổ trưởng Ngữ văn, Trường THPT Hoài Đức B, huyện Hoài Đức (Hà Nội) cho rằng, đáp án bài thi rất phù hợp với đề thi có độ mở như năm nay.
Trong đó, đáp án chỉ nêu những nội dung cơ bản, yêu cầu rõ ràng thuận lợi cho người chấm lẫn người viết.
Chấm 2 vòng đảm bảo khách quan
Theo Sở GD&ĐT Hà Nội, toàn thành phố sẽ lập hai Ban chấm thi gồm: Ban chấm tự luận và Ban chấm trắc nghiệm.
Địa điểm đặt Ban chấm thi, Ban làm phách phải đảm bảo yêu cầu quy định về an ninh và cơ sở vật chất. Phòng chứa bài thi, phòng chấm bài thi trắc nghiệm, tự luận tại Ban chấm thi phải có camera giám sát 24/24 giờ/ ngày và đảm bảo các điều kiện khác theo đúng Quy chế thi.
Đối với bài thi trắc nghiệm khách quan sẽ được chấm bằng máy. Riêng bài thi tự luận, môn Ngữ văn, mỗi bài thi được chấm bởi 2 cán bộ độc lập. Cán bộ chấm thi lần thứ nhất chấm bài thi và chỉ ghi điểm trên phiếu chấm.
Cán bộ chấm thi lần thứ hai chấm trên bài thi, ghi điểm từng ý tương ứng và tổng từng câu bên lề của tờ giấy thi, đồng thời ghi điểm từng câu vào phiếu chấm lần thứ 2.
Ngoài ra, để đảm bảo chấm chặt chẽ, khách quan quy chế cũng quy định, sẽ có người chấm kiểm tra lại một số bài đã được chấm. Theo đó, sẽ rút ngẫu nhiên một số bài/ một số túi hoặc chọn những bài có điểm thi chênh lệch nhau giữa hai cán bộ chấm trước đó để chấm kiểm tra.
Tuy nhiên, sau khi Hà Nội công bố điểm, nếu còn băn khoăn thí sinh có thể gửi đơn đề nghị phúc khảo bài thi.
Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT Hà Nội năm nay có hơn 105.000 thí sinh dự thi. Kết thúc kỳ thi, Hà Nội điều 2.100 cán bộ chấm thi đến ngày 23/6. Chậm nhất ngày 2/7, Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ công bố kết quả thi cho thí sinh. |