Giáo dục

Bài toán tuyển sinh GDNN và GDTX: Đã đến lúc đổi mới tư duy

19/05/2025 19:55

Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) và giáo dục thường xuyên (GDTX) là những trụ cột quan trọng trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cho xã hội hiện đại. Thế nhưng, giữa muôn vàn đổi thay của nền kinh tế - xã hội, công tác tuyển sinh của hai lĩnh vực này vẫn đang đối mặt với không ít thách thức. Làm thế nào để tháo gỡ những rào cản và nâng cao hiệu quả tuyển sinh?

Bài toán tuyển sinh GDNN và GDTX: Đã đến lúc đổi mới tư duy- Ảnh 1.
Dù đã có nhiều nỗ lực cải thiện, nhưng tuyển sinh GDNN và GDTX tại Việt Nam vẫn gặp không ít khó khăn

Nhìn nhận từ thực tế, dù các cơ quan quản lý giáo dục và cơ sở đào tạo đã nỗ lực không ngừng để cải thiện tình hình, vẫn còn nhiều rào cản cần tháo gỡ. Những rào cản này không chỉ đến từ nhận thức xã hội mà còn từ cơ chế quản lý chưa thật sự linh hoạt.

Thực trạng tuyển sinh GDNN và GDTX: Nỗ lực và thách thức

Phó Cục trưởng Cục GDNN và GDTX Phạm Vũ Quốc Bình cho biết, tính đến tháng 12/2024, cả nước có 1.886 cơ sở GDNN, bao gồm 399 trường cao đẳng và 429 trường trung cấp. Kết quả công tác tuyển sinh của các trường trung cấp, cao đẳng trên cả nước đạt 2.430.000 học viên, tương ứng 100% kế hoạch đề ra. Điều này cho thấy công tác tuyển sinh đã đạt được những bước tiến nhất định. Nhưng phía sau những con số khả quan đó, vẫn còn nhiều trăn trở về việc thu hút học viên, đặc biệt là từ bậc trung học cơ sở và trung học phổ thông.

Về tuyển sinh chương trình GDTX cấp THPT, ông Bình chia sẻ, việc giao chỉ tiêu tuyển sinh được thực hiện dựa trên quá trình tổng hợp nhu cầu, điều kiện tổ chức cũng như kiểm tra thực tế tại các đơn vị có đề xuất mở lớp. Nhìn chung, công tác tuyển sinh ở các trình độ trong GDNN, đặc biệt là trung cấp và cao đẳng, đã đạt được nhiều chuyển biến tích cực. Các mục tiêu và nhiệm vụ đề ra đều hoàn thành đúng kế hoạch. Đáng chú ý, việc phân luồng học sinh tốt nghiệp THCS và THPT vào các chương trình GDNN đã cho thấy hiệu quả ngày càng rõ nét.

Bài toán tuyển sinh GDNN và GDTX: Đã đến lúc đổi mới tư duy- Ảnh 2.
Theo ông Phạm Vũ Quốc Bình, cả nước có 1.886 cơ sở GDNN, bao gồm 399 trường cao đẳng và 429 trường trung cấp - Ảnh: VGP/Tuệ Lâm

Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng tâm lý coi trọng bằng cấp hơn kỹ năng nghề vẫn đang là rào cản lớn. Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM cho biết, hằng năm, Sở GD&ĐT triển khai công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau tốt nghiệp trung học đến tất cả các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông và cơ sở GDNN trên địa bàn. "Đa phần phụ huynh vẫn hướng con em vào đại học sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông. Công tác phân luồng học sinh chưa đạt hiệu quả như mong muốn, chưa đi sâu vào nhận thức xã hội", ông thẳng thắn chia sẻ.

Cùng chung quan điểm, PGS.TS Nguyễn Anh Dũng - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học cho rằng, để cải thiện tuyển sinh GDNN, cần có các giải pháp đồng bộ từ chính sách đến thực tiễn. Việc cần làm ngay là xây dựng lộ trình học tập rõ ràng, linh hoạt, bảo đảm quyền lợi người học. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh truyền thông nhằm thay đổi nhận thức xã hội về GDNN, đồng thời thúc đẩy hợp tác giữa các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp để phát triển chương trình sát với nhu cầu thực tế.

Về mặt quản lý, cần hoàn thiện hệ thống tuyển sinh theo hướng đồng bộ, minh bạch và bảo đảm an toàn dữ liệu. Ngoài ra, việc cải thiện quy trình hỗ trợ học phí và trợ cấp cho người học cũng là yếu tố quan trọng, góp phần khuyến khích tham gia học tập. Các cơ sở đào tạo cần đặt lợi ích của người học lên hàng đầu, tạo môi trường học tập và hướng nghiệp thuận lợi từ cấp trung học cơ sở, giúp học sinh có định hướng rõ ràng ngay từ sớm.

Đổi mới từ tư duy đến hành động

Bà Phan Thị Lệ Thu - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Viễn Đông (TPHCM) nhận định, năm 2025 là một dấu mốc quan trọng khi hệ thống các trường nghề được chuyển về Bộ GD&ĐT quản lý. Điều này giúp thống nhất hệ thống giáo dục từ phổ thông đến đại học, tạo điều kiện liên thông mạch lạc và linh hoạt hơn cho người học. "Việc các cơ sở GDNN được tham gia vào hệ thống tuyển sinh chung của Bộ GD&ĐT là một thuận lợi lớn trong công tác tuyển sinh", bà Phan Thị Lệ Thu nhấn mạnh, sự thay đổi này sẽ thúc đẩy chuyển đổi số, nâng cao năng lực giảng dạy của giáo viên và thiết kế chương trình đào tạo nghề theo hướng học tập suốt đời.

Bà Phan Thị Lệ Thu đề nghị Bộ GD&ĐT sớm ban hành các quy định về phạm vi đào tạo của các trường cao đẳng, đồng thời có chính sách cấp quốc gia và địa phương nhằm giảm tâm lý phân biệt và nâng cao nhận thức xã hội về giá trị thực tiễn của GDNN.

Bài toán tuyển sinh GDNN và GDTX: Đã đến lúc đổi mới tư duy- Ảnh 3.
Bà Phan Thị Lệ Thu cho rằng, việc chuyển các trường nghề về Bộ GD&ĐT quản lý trong năm 2025 giúp thống nhất hệ thống giáo dục quốc dân - Ảnh: VGP/Tuệ Lâm

Theo bà Phan Thị Lệ Thu, cần quy định cụ thể tỉ lệ phân luồng sau tốt nghiệp THPT, bảo đảm linh hoạt theo vùng miền và nhu cầu nhân lực của thị trường lao động nhưng vẫn phải tuân theo định hướng chỉ tiêu quốc gia. Bà cũng đề xuất xây dựng các chính sách truyền thông, ưu đãi đầu tư, cấp học bổng hoặc tín dụng học tập cho cả trường công và trường tư, theo tiêu chí chất lượng – hiệu quả. Cùng với đó, cải thiện quy trình trợ cấp học phí và tạo hành lang pháp lý linh hoạt để công nhận kết quả học tập do doanh nghiệp giảng dạy.

Làm rõ vấn đề này, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho biết, các cơ sở GDNN hiện đang gặp nhiều khó khăn, tồn tại nhiều “điểm nghẽn” trong quá trình tuyển sinh. Theo ông, để đạt được những kết quả tốt hơn, mỗi trường cần thay đổi từ chính tư duy, cách nhìn nhận vấn đề, từ đó điều chỉnh phương pháp triển khai một cách hiệu quả hơn.

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh, "mỗi trường cần ý thức rõ sứ mệnh của mình: Không chỉ dừng lại ở việc đào tạo kỹ năng, mà còn là phát triển con người toàn diện, mang lại giá trị thiết thực cho người học. Điều này sẽ giúp đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực của doanh nghiệp, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước". Khi các cơ sở giáo dục thực hiện tốt sứ mệnh này, chắc chắn sẽ cải thiện cả về số lượng lẫn chất lượng tuyển sinh.

Bài toán tuyển sinh GDNN và GDTX: Đã đến lúc đổi mới tư duy- Ảnh 4.
Để thúc đẩy công tác tuyển sinh GDNN và GDTX, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp quản lý từ Trung ương đến địa phương

Giải pháp nâng cao hiệu quả tuyển sinh

Các nhà giáo dục cho rằng, để thúc đẩy công tác tuyển sinh nghề nghiệp và GDTX, cần có sự phối hợp chặt chẽ từ Trung ương đến địa phương. Trước tiên, cần xây dựng chiến lược truyền thông mạnh mẽ nhằm thay đổi nhận thức xã hội về vai trò của lĩnh vực này. Đồng thời, việc hỗ trợ học phí và tạo điều kiện thuận lợi để người học dễ dàng tiếp cận các chương trình đào tạo cũng là yếu tố quan trọng. Đặc biệt, cần chú trọng lồng ghép giáo dục hướng nghiệp từ cấp trung học cơ sở, giúp học sinh và phụ huynh có định hướng rõ ràng ngay từ sớm, giảm áp lực vào đại học và tạo thêm cơ hội cho GDNN phát triển.

Trong bối cảnh còn nhiều thách thức, việc đổi mới tư duy quản lý và tăng cường phối hợp từ nhiều phía sẽ góp phần nâng cao vị thế của GDNN và GDTX. Khi quyền lợi của người học được bảo đảm và cơ chế quản lý trở nên linh hoạt hơn, công tác tuyển sinh sẽ từng bước đi vào quỹ đạo ổn định, góp phần tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội.

Theo baochinhphu.vn
https://baochinhphu.vn/bai-toan-tuyen-sinh-gdnn-va-gdtx-da-den-luc-doi-moi-tu-duy-102250518235934842.htm
Copy Link
https://baochinhphu.vn/bai-toan-tuyen-sinh-gdnn-va-gdtx-da-den-luc-doi-moi-tu-duy-102250518235934842.htm
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bài toán tuyển sinh GDNN và GDTX: Đã đến lúc đổi mới tư duy