Bamboo Airways thông qua phương án phát hành thêm 1,15 tỷ cổ phần, nâng vốn điều lệ lên 30.000 tỷ đồng

10/05/2023, 07:22
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Sáng 9/5, cổ đông Bamboo Airways đã thông qua phương án phát hành thêm 1,15 tỷ cổ phần để hoán đổi nợ và phát hành cho cổ đông mới, nâng vốn điều lệ lên 30.000 tỷ đồng. Phương án này do Thành viên HĐQT và cổ đông lớn Lê Thái Sâm đề xuất, không phải phương án mà HĐQT trình đại hội.

Sáng 9/5, CTCP Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường lần hai để thông qua phương án chào bán cổ phần riêng lẻ. Theo báo cáo của Hội đồng quản trị (HĐQT) tại đại hội, Bamboo Airways hiện có 1.795 cổ đông, trong đó tham dự ĐHĐCĐ ngày 9/5 là 70 cổ đông, đại diện 1.735 triệu cổ phần, tương ứng 93,8% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.

Tại đại hội, HĐQT đã thảo luận hai tờ trình, một là tờ tình của HĐQT với nội dung giống như đại hội cổ đông bất thường lần 1 ngày 10/4 và hai là kiến nghị của cổ đông Lê Thái Sâm.

Theo đó, tại tờ trình của HĐQT, phương án phát hành vẫn như cũ với khối lượng 772 triệu cổ phần để hoán đổi các khoản nợ thành cổ phần theo thỏa thuận giữa công ty hàng không này với chủ nợ. Giá phát hành dự kiến là 10.000 đồng/cổ phần, tương đương tỷ lệ hoán đổi 1:1, nghĩa là 10.000 đồng nợ hoán đổi được một cổ phần phát hành thêm.

Bên cạnh đó, Bamboo Airways cũng lên kế hoạch phát hành 185 triệu cổ phần cho nhà đầu tư mới. Đại hội cổ đông dự kiến sẽ ủy quyền cho HĐQT chủ động tìm kiếm, quyết định các tiêu chí lựa chọn và thông qua danh sách nhà đầu tư tham gia mua cổ phần riêng lẻ và số lượng cổ phần chào bán cho từng nhà đầu tư. Giá phát hành dự kiến cho nhà đầu tư mới cũng là 10.000 đồng/cổ phần.

Vốn điều lệ sau phát hành dự kiến là 28.070 tỷ đồng, tương ứng hơn 2,8 tỷ cổ phần BAV.

Lãnh đạo Bamboo Airways từ trái qua phải: Thành viên HĐQT Lê Thái Sâm, Phó Chủ tịch HĐQT Lê Bá Nguyên, Tổng Giám đốc Nguyễn Mạnh Quân, Chủ tịch HĐQT Nguyễn Ngọc Trọng. (Ảnh: Hạ An).

Đối với kiến nghị của ông Lê Thái Sâm, giá cổ phần và phương án phát hành tương tự như tờ trình của HĐQT, song đối tượng phát hành là các cổ đông hiện hữu thoả mãn các điều kiện là chủ nợ hoặc cổ đông chiến lược chứ không thực hiện chào bán cổ phần cho toàn bộ cổ đông hiện hữu mà chỉ phát hành cho một nhóm đối tượng là chủ nợ hoặc nhà đầu tư chiến lược.

Cụ thể, trường hợp hoán đổi nợ thành cổ phần, phải có hợp đồng ký cho vay tiền và không có tài sản đảm bảo, số tiền trên 1.000 tỷ đồng.

Trường hợp nhà đầu tư chiến lược phải là các tổ chức/cá nhân có tiềm lực tài chính hoặc kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh của công ty mà HĐQT xét thấy đóng góp vào hoạt động kinh doanh hoặc mang lại lợi ích cho công ty hoặc có thể hỗ trợ công ty trong quản trị doanh nghiệp, quản lý rủi ro tiên tiến, phát triển sản phẩm dịch vụ và sau khi mua cổ phiếu và trở thành cổ đông sở hữu từ 5% trở lên vốn điều lệ của công ty.

Vốn điều lệ sau phát hành là 30.000 tỷ đồng, cao hơn so với phương án mà HĐQT đưa ra. Trong đó, số hoán nợ vẫn là 772 triệu cổ phiếu, tương ứng 7.720 tỷ đồng, còn số phát hành cho cổ đông là chủ nợ hoặc nhà đầu tư chiến lược là 378 triệu cổ phần, tương ứng 3.780 tỷ đồng, để lấy nguồn tiền kinh doanh cho Bamboo Airways.

99,1% số cổ phần đồng ý với phương án 2 theo đề xuất của ông Lê Thái Sâm. (Ảnh: Hạ An).

Theo kết quả biểu quyết tại đại hội, với phương án 1 (tờ trình của HĐQT) có 10,4 triệu cổ phần có quyền biểu quyết tương đương 0,6% cổ phần thông qua.

Với phương án 2 (văn bản kiến nghị của ông Lê Thái Sâm), có 1.721 triệu cổ phần có quyền biểu quyết thông qua phương án phát hành cổ phần riêng lẻ, tương ứng 99,1% cổ phần, không có cổ đông không tán thành.

Như vậy, ĐHĐCĐ bất thường của Bamboo Airways đã thông qua phương án phát hành theo đề xuất của ông Lê Thái Sâm.

Toàn cảnh ĐHCĐ bất thường lần 2 của Bamboo Airways. (Ảnh: Hạ An).

Trả lời câu hỏi của cổ đông tại phần Q&A, ông Nguyễn Ngọc Trọng, Chủ tịch HĐQT Bamboo Airways cho biết, cổ đông duy nhất sáng lập ra hãng hàng không Bamboo Airways là ông Trịnh Văn Quyết.

Ông Nguyễn Ngọc Trọng và bà Vũ Đặng Hải Yến là những thành viên tham gia ban lãnh đạo từ những ngày đầu thành lập Bamboo Airways năm 2018.

Hiện tại, cơ cấu cổ đông chính của Bamboo Airways là ông Trịnh Văn Quyết chiếm trên 10% cổ phần, nhà đầu tư mới là ông Lê Thái Sâm 12,5%, Phó Chủ tịch thường trực Bamboo Airways Doãn Hữu Đoàn 23%, Tập đoàn FLC 21%, NCB 10-11%.

Thông tin về kết quả kinh doanh quý I của Bamboo Airways, ông Nguyễn Khắc Hải, Phó Tổng Giám đốc Bamboo Airways cho biết, trong quý I, nếu không tính các chi phí về mặt tài chính, lãi vay và các chi phí chậm trả nhà cung cấp thì Bamboo Airways đang gần với điểm hoà vốn. Ông Hải cũng thông tin thêm: “Bamboo Airways hiện đang vay nợ rất lớn và phải chịu chi phí chậm trả lãi tàu bay”.

Trong thời gian tới, ông Hải cho biết, hoạt động trong tháng 4, tháng 5 dự kiến là lỗ vì là giai đoạn thấp điểm sau đó vào mùa cao điểm hè. Dự kiến năm 2023, Bamboo Airways vẫn ghi nhận lỗ và sẽ hoà vốn vào năm 2024.

Ông Nguyễn Ngọc Trọng cũng thông tin thêm, Bamboo Airways đang tiếp tục quá trình tái cấu trúc hệ thống, cũng như huy động nguồn lực để hướng tới chinh phục các mục tiêu lớn đã đề ra trong dài hạn.

Đặc biệt, nguồn vốn mới sẽ giúp Bamboo Airways giảm dư nợ cũ, tiếp tục đẩy nhanh và mạnh kế hoạch gia tăng số lượng đội tàu bay, mở rộng mạng bay quốc tế, bổ sung lựa chọn dịch vụ hàng không chất lượng, cùng cung cách phục vụ tự tâm cho hành khách trong và ngoài nước".

Hiện Bamboo Airways khai thác hơn 40 đường bay nội địa, kết nối 22/22 cảng hàng không Việt Nam. Mạng bay quốc tế cũng không ngừng được mở rộng với 14 đường bay thẳng quốc tế thường lệ, kết nối nhiều sân bay cửa ngõ của châu Á, châu Úc, châu Âu…. Hãng đặt mục tiêu nâng quy mô đội bay lên 65 máy bay vào năm 2025, và 100 máy bay vào năm 2030.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bamboo Airways thông qua phương án phát hành thêm 1,15 tỷ cổ phần, nâng vốn điều lệ lên 30.000 tỷ đồng