Hiệu trưởng Trường Tiểu học Vĩnh Ninh – cô Nguyễn Ngọc Minh Trang cho hay: “Nhằm đổi mới phương pháp dạy học, hình thức tổ chức dạy học và đánh giá học sinh tiểu học thì việc thiết kế bài học, sử dụng kĩ thuật dạy học tích cực theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh là rất cần thiết đối với giáo viên trong giai đoạn hiện nay.
Để phát huy hết khả năng, năng lực và giúp học sinh tự tin hơn trong học tập, hình thức tổ chức dạy học theo phương pháp hợp tác nhóm được giáo viên sử dụng nhiều nhất trong các hoạt động của từng bài học. Được học tập và chia sẻ những thành tố tích cực của mô hình trường học mới (VNEN) theo văn bản hướng dẫn của Sở GD&ĐT tỉnh Thừa Thiên – Huế và Phòng GD&ĐT TP Huế; các mô hình, phương thức giáo dục tiên tiến nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục, đặc biệt là đổi mới tổ chức hoạt động giáo dục trên lớp thì nhà trường đã trang cấp được 4 phòng học loại bàn 6 chỗ ngồi và tủ đựng sách vở, đồ dùng học tập, đồ dùng cho cá nhân học sinh.
Loại bàn này có tính đa năng để phục vụ học tập, hoạt động trải nghiệm, bán trú... Trong phục vụ học tập thì hình thành cho học sinh nhiều kỹ năng như: làm việc nhóm, thuyết trình, tự tin, quản lý thời gian, tự phục vụ, tự chăm sóc. Nhà trường đã thực hiện đẩy mạnh tổ chức bán trú sau giờ ăn trưa cho học sinh với nhiều nội dung và hình thức phong phú, đa dạng trên loại bàn này.
Buổi ăn trưa bán trú được tổ chức ngay trên bàn 6 chỗ ngồi tạo sự quây quần và đoàn kết cho các học sinh trong bàn. |
“Bên cạnh đó, loại bàn 6 chỗ phù hợp tổ chức các trò chơi dân gian như ô ăn quan, chi chi chành chành, kéo cưa lừa sẻ, úp lá khoai, tập tầm vông… Ngoài ra còn có tác dụng trong việc chia sẻ sách theo nhóm giúp học sinh học từ chia sẻ sách rèn kỹ năng sống, đạo đức, chia sẻ, yêu thương.
Đối với giáo viên trong quá trình tổ chức dạy học sẽ dễ quan sát học sinh và không “bỏ rơi”, quan sát được cách phản ứng của học sinh trong giờ học, cách làm việc nhóm, những sai lầm học sinh mắc phải, thái độ tình cảm của học sinh. Trong đánh giá thường xuyên giúp cho giáo viên dễ quan sát bài thực hành và với lượng thời gian ngắn mà nhận xét được nhiều học sinh để kịp thời khen thưởng, động viên, sửa sai” – cô Trang chia sẻ.
Nhiều ưu điểm của loại bàn 6 chỗ ngồi được áp dụng nhằm phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh. |
Theo Hiệu trưởng Trường Tiểu học Vĩnh Ninh, từ những sáng tạo, đổi mới và việc trang bị cơ sở vật chất phục vụ công tác dạy học như vậy, chắc chắn sẽ trang bị tốt các kỹ năng cho học sinh. Điều này không những giúp học sinh học tập hiệu quả hơn mà còn tạo cho các em tính chủ động, tự tin, sáng tạo, biết vận dụng kiến thức, kỹ năng ứng xử và giải quyết các vấn đề trong trường học và ngoài cuộc sống.