Ông Phạm Tuấn Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh tra – Kiểm tra, BHXH Việt Nam cho biết sổ BHXH là giấy tờ ghi nhận quá trình tham gia BHXH của người lao động làm cơ sở để giải quyết các chế độ. Đây không phải là tài sản nên theo Bộ luật Hình sự không được phép mua bán, cầm cố sổ BHXH.
Tuy nhiên, quy định cho phép ủy quyền nhận lương hưu, trợ cấp BHXH hiện nay khiến nhiều kẻ gian lợi dụng lôi kéo lao động mua bán sổ BHXH kèm giấy ủy quyền nhận trợ cấp để rút khoản một lần, hưởng chênh lệch. Tình trạng mua bán sổ BHXH gặp nhiều ở địa phương có khu công nghiệp lớn, tập trung đông lao động như TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai… Nhiều trường hợp nhận được số tiền chỉ bằng 20%-30% so với số tiền BHXH một lần được cơ quan BHXH đã giải quyết, chi trả.
Ngoài ra, còn có tình trạng người thu mua sổ cố tình thông tin việc giải quyết thủ tục BHXH rất phức tạp đẩy người lao động vào tâm lý lo lắng, e ngại việc thực hiện thủ tục giải quyết và đồng ý bán sổ BHXH với giá rẻ.
Trước tình trạng mua bán, cầm cố sổ BHXH, ông Cường cho biết thời gian qua BHXH Việt Nam đã chỉ đạo BHXH các tỉnh thành phố nâng cao trách nhiệm trong tiếp nhận hồ sơ, thẩm định, xem xét kỹ khi gặp các hồ sơ được ủy quyền đề nghị giải quyết cho từ người thứ 2 trở đi.
BHXH Việt Nam cũng đã có Công văn gửi Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) đề nghị vào cuộc, hỗ trợ xử lý nghiêm các hoạt động nói trên, đồng thời có biện pháp xử lý nghiêm các hành vi mua gom sổ BHXH của các hội, nhóm, fanpage…
"Để ngăn chặn trục lợi chính sách, đảm bảo quyền lợi người lao động, trong Luật BHXH sửa đổi lần này, BHXH Việt Nam cũng đề nghị bổ sung quy định nghiêm cấm hành vi mua bán, cầm cố sổ BHXH, cũng như mượn hồ sơ của người khác"- ông Cường đề xuất.