Đường thơ Ngày thơ Việt Nam 2024. Ảnh: Bình Thanh |
PGS.TS Hoàng Kim Ngọc cũng nhấn mạnh: “Nhà thơ bản lĩnh là phải luôn ý thức được rằng: Trong hoàn cảnh thế giới phẳng với những vấn đề toàn cầu hiện nay thì phải làm thế nào để tiếp thu văn hóa nhân loại mà không sa vào vọng ngoại, làm thế nào để giữ được bản sắc Việt, căn tính Việt để thơ Việt Nam có bản sắc riêng khác với thơ Trung Quốc, thơ Ấn Độ, thơ Nhật Bản hay thơ Hàn Quốc… Bản lĩnh của nhà thơ còn là phải giữ vững lập trường khi xác định sứ mệnh của nhà thơ là phải chống lại cái ác và tôn vinh vẻ đẹp nhân văn; không một thế lực nào có thể bắt mình nói những điều giả dối, trái với lương tâm”.
Từ góc nhìn: “Đối với người viết, bản lĩnh chính là sự tự tin, tự làm chủ mình trong mọi điều kiện, hoàn cảnh, đến mức tuyệt đối. Bên cạnh đó, không chạy theo người khác, không giống người khác, cũng là một đòi hỏi và cũng đến mức tuyệt đối”, nhà thơ Đặng Huy Giang thẳng thắn chỉ ra thực trạng “co vòi từ trong trứng” của không ít cây bút.
Theo ông Giang, ở quốc gia này, quốc gia khác, ở chỗ này, chỗ khác, vẫn có những nhà văn, nhà thơ vừa viết vừa lo không biết có làm sao không, có được xuất bản không; có người bỏ sở trường chạy theo sở đoản, để hợp thời mà bỏ thơ tình (đang rất thành công) xoay ra viết thơ sản xuất, chiến đấu... Và kết quả đương nhiên là không ít tác phẩm dở dương, chết yểu, chẳng đâu vào đâu hoặc nếu có hoàn thành thì cũng đã bị đổi hướng, thay màu, biến chất.
“Họ không dám đối diện với họ, đối diện với trang giấy. Đó là những tác phẩm viết không tới và thường là những tác phẩm vô thưởng, vô phạt, có khi còn vô bổ, vô ích nữa. (…) Ấy là sự xa rời mình nên không thể trở thành mình. Ấy là sự tự đánh mất mình và đương nhiên trở thành người viết không có bản lĩnh.
Có người làm thơ viết về nông dân thì giống nông dân, viết về công nhân thì giống công nhân, viết về cán bộ thì giống cán bộ... không thể hiện được cá tính sáng tạo của mình, cái riêng của mình. Cũng có nhà thơ cả đời chạy theo đề tài, coi đề tài là mục đích viết, cứ như là tin rằng đề tài sẽ làm nên tên tuổi của mình.
Nên nhớ, đề tài không phải là tất cả, đôi khi chỉ là cái cớ để viết. Bài thơ lớn hay nhỏ không hoàn toàn phụ thuộc vào đề tài. Có khi viết về hạt cát, ngọn cỏ lại hay hơn, có lý hơn viết về đại dương, khu rừng”, ông Giang nói.
Nhắc về việc đăng thơ trên báo, tạp chí, ông Giang cho biết, một thời từng là niềm vinh dự lớn lao đối với mỗi tác giả. Cũng vì, khi đó cả nước chỉ có báo Văn nghệ, tạp chí Văn nghệ, tạp chí Tác phẩm mới đăng thơ hoặc một số tờ báo khác thì chỉ đăng vào số Chủ nhật và một bài thơ. Vì thế, người được in một lúc một chùm thơ được coi là nổi tiếng.
Ảnh minh họa: ITN |
Việc xuất bản thơ cũng vậy, mỗi năm nhà xuất bản có liên quan đến văn chương chỉ phát hành khoảng 20 cuốn nên khó lòng in riêng mà thường các tác giả phải in ghép chung. Người trẻ làm thơ hồi ấy, được in một, hai bài thơ trong các tập thơ mang tên “Sức mới”, “Hoa trăm miền”... đã là vinh dự và may mắn. Song “những cái khó ấy cũng làm cho các tác giả phải không ngừng trui rèn bản lĩnh”.
Vậy nhưng, hiện nay thì việc đăng thơ quá dễ, người viết còn không đọc của nhau, không quan tâm đến tác phẩm của nhau. Ai cũng có thể đăng thơ chùm trên các báo, tạp chí. Ai cũng có thể xuất bản được sách. Còn việc tự xuất bản thơ qua Facebook thì dễ dàng và tự do hơn nhiều. Nhà nhà, người người cứ việc làm thơ, công bố thơ.
“Việc công bố thơ dễ dàng như thế cũng là một thử thách về mặt bản lĩnh đối với người viết, nhất là đối với những người không có tài, lại có phần ngộ nhận mình. Và trong trường hợp này, sự tự tin, sự tự làm chủ mình trở nên thái quá, trở nên phản tác dụng một cách nhãn tiền.
Nên nhớ: Bản lĩnh của người viết chỉ thực sự được tôn cao nếu như người viết thực sự có tài. Nêu thế để thấy: Trong cái khó luôn có cái khó của nó (đã đành) nhưng trong cái dễ cũng có cái khó của nó. Có khi cái dễ còn tạo ra thách thức hơn cái khó”, ông Giang cảnh báo.
“Trần Dần là một nhà thơ có bản lĩnh. Ông theo đuổi quan điểm nghệ thuật, cách nghĩ, lối viết của mình đến cùng. “13 mi ni” của ông là một minh chứng… Chế Lan Viên viết có phần khác. Ông “đào sâu, xoáy mạnh” về một hiện tượng có thật trong làng thơ. Ông chê những nhà thơ không dám là mình, đã không làm nên cơm cháo gì, mà còn khoe khoang một cách buồn cười hết chỗ nói. Đấy là sự đánh mất mình từ bản lĩnh đến tư cách. Đây cũng chính là một bi kịch đối với một người viết: “Những nhà thơ tuổi hổ/ Lại nghĩ mình phận mèo/ Đã liếm cá trong đĩa/ Lại còn kêu meo meo”. Nhà thơ Đặng Huy Giang