Lô gỗ sưa từng được trả giá trăm tỷ ở đình Phụ Chính (xã Hòa Chính, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) đã được bán thành công tại phiên đấu giá lần thứ 5 vào sáng 27/4.
Người thắng đấu giá là bà Trương Thị Quỳnh Nga, một nữ đại gia gỗ ở huyện Yên Phong (tỉnh Bắc Ninh). Số tiền thắng đấu giá là 73 tỷ đồng.
Như vậy, sau 4 năm chặt hạ và trải qua 4 lần đấu giá thất bại, ở lần đấu giá thứ 5, lô gỗ sưa đã được bán thành công.
Ông Vũ Minh Giới – Chi hội phó Hội người cao tuổi thôn Phụ Chính
Chia sẻ sau buổi đấu giá, ông Vũ Minh Giới – Chi hội phó Hội người cao tuổi thôn Phụ Chính cho hay: “Bán được gỗ sưa, các cụ trong Ban Thường trực Cộng đồng dân cư thôn Phụ Chính ai cũng mừng. Điều các cụ mong muốn nhất là bán được gỗ càng sớm càng tốt, vì vừa có tiền để lo việc của thôn, vừa không phải trông nom, vừa không sợ gỗ bị hao mòn hay hư hỏng…”.
Ông Giới cũng cho biết, với số tiền 73 tỷ đồng có được từ việc bán gỗ sưa, hiện Cộng đồng dân cư thôn Phụ Chính vẫn chưa có kế hoạch chi tiêu cụ thể vào việc gì.
“Mới chỉ đấu giá thành công, tiền chưa về thôn nên chưa có kế hoạch. Nhưng trước mắt, nếu bên mua chuyển tiền thì tiền sẽ gửi vào ngân hàng để lấy lãi. Sau đó sẽ họp toàn dân trong thôn để bàn về kế hoạch chi tiêu cụ thể”, ông Giới chia sẻ.
Trao đổi thêm với PV, ông Đinh Văn Lai – Trưởng thôn Phụ Chính cũng cho rằng, hiện 2 bên mua và bán chưa ký hợp đồng và thanh toán nên chưa chuyển tiền. Tuy nhiên, số tiền sẽ được gửi vào một tài khoản ngân hàng, sau đó sẽ họp dân để bàn về kế hoạch chi tiêu.
Trả lời câu hỏi, liệu có việc chia tiền bán sưa cho người dân giống như người dân xã Hà Mãn (huyện Thuận Thành, Bắc Ninh) từng làm năm 2017, ông Lai nói: “Mặc dù chưa có kế hoạch chi tiêu số tiền này nhưng chắc sẽ không có chuyện chia tiền cho người dân. Số tiền được gửi tiết kiệm để lấy lãi và dùng chủ yếu vào các công việc chung của thôn như xây, tôn tạo đình, chùa, các công trình phúc lợi xã hội”.
Ông Đinh Văn Lai (đứng) – Trưởng thôn Phụ Chính
Trước đó, trong khuôn viên chùa Phụ Chính (xã Hòa Chính, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) có 2 cây sưa quý hiếm. Một cây 130 năm tuổi, có chiều cao khoảng trên 10m, đường kính trên 1m, cỡ 2 người ôm. Một cây khác cũng có chiều cao hơn 10m, đường kính khoảng 80cm, khoảng gần 100 năm tuổi.
Năm 2010, có người đến trả giá hơn 100 tỷ đồng cho 1 cây sưa đỏ nhưng người dân không bán. Sau đó, người dân đã cưa một cành cây bán với giá 20,5 tỷ đồng để lấy kinh phí xây đình làng.
Đến tháng 10/2018, thành phố Hà Nội có văn bản yêu cầu các ban, ngành hướng dẫn người dân khai thác cây sưa theo đúng quy định của pháp luật.
Ngày 27/1/2019, người dân thôn Phụ Chính bắt đầu chặt hạ 2 cây sưa đỏ, chia thành 5 nhóm gỗ với trọng lượng từ 550kg đến hơn 2.000kg.
Ở 4 lần đấu giá trước đó, lô gỗ sưa không tìm được chủ mới vì không có khách hàng nào đặt cọc.
Lần đầu, nhiều khách hàng phản ánh là lô gỗ sưa còn nguyên vỏ nên khối lượng không đảm bảo. Sau đó, người dân thôn Phụ Chính đã đẽo gọt hết phần vỏ, chỉ để nguyên lõi.
Những lần đấu giá tiếp theo, khách hàng không nộp cọc vì cho rằng số tiền bán gỗ sưa quá cao, không phù hợp với thị trường. Người dân lại hạ dần giá bán.
Cụ thể, ở lần đấu giá đầu tiên, lô gỗ sưa được định giá khoảng 146 tỷ đồng, sau giảm xuống còn 100 tỷ đồng.
Cuối cùng, ở lần đấu giá thứ 5 diễn ra sáng ngày 27/4, lô gô sưa đã được bán thành công với giá 73 tỷ đồng, cao hơn 1 tỷ đồng so với giá khởi điểm.