Đó là những ví dụ cho thấy khoản thu đảm bảo lên đến hàng tỷ đồng mỗi năm có thể tác động quan trọng tới sự tồn tại của một CLB. Hay nói cách khác, giá trị bản quyền truyền hình tăng cao giúp cả hệ thống bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam ổn định hơn, giảm nguy cơ đổ vỡ cấu trúc giải đấu.
Hệ thống thi đấu chuyên nghiệp của bóng đá Việt Nam cần được cải tiến, đổi mới. VPF không phải là không nhìn ra và suy tính những giải pháp. Nhưng, vấn đề đầu tiên mà bầu Tú và các đội bóng phải đối mặt luôn là tiền đâu. Mọi hoạt động mang tính vĩ mô đều đòi hỏi kinh phí không hề nhỏ.
Một ví dụ rõ ràng nhất là dự định đưa VAR về V-League. Rào cản lớn nhất khiến bóng đá Việt Nam chưa có VAR là... tiền. Theo nguồn tin của VTC News, VPF cần không dưới 100 tỷ đồng để vận hành VAR.
Số tiền này dùng để mua sắm, lắp đặt các thiết bị, đào tạo nhân sự để vận hành quy trình VAR trong các trận đấu. Ngoài ra, có thêm các trọng tài video cũng đồng nghĩa với việc VPF phải trả nhiều tiền hơn.
Trong hoàn cảnh tài chính hạn hẹp, thông tin V-League sắp có VAR xuất hiện cách đây vài tuần là chuyện khó tin. VPF không thể nói đến việc ứng dụng công nghệ, đổi mới về mặt kỹ thuật đòi hỏi đầu tư nhiều khi không có tiền. Tuy nhiên, khi bản hợp đồng trị giá 60 tỷ đồng/mùa giải được hé lộ, câu chuyện VAR ở V-League trở nên khả thi hơn hẳn.
Hiệu ứng xúc tác mà bản hợp đồng 10 triệu USD mang lại không chỉ tác động trên khía cạnh tiền bạc, vật chất. Con số 60 tỷ đồng một mùa giải bây giờ sẽ trở thành một mức tiêu chuẩn mới của bóng đá Việt Nam.
Giá trị bản quyền truyền hình của V-League có thể dao động tăng, giảm trong những giai đoạn tiếp theo, nhưng khó có chuyện quay trở về mốc thấp hơn 30 lần như trước đây. Điều đó có nghĩa là VPF hoàn toàn có thể mơ tới những con số lớn hơn trong tương lai.