Giáo dục

Bằng tiến sĩ của ông Thích Chân Quang: Chuyên gia nói bất thường, người hướng dẫn nói bình thường

MINH KHÔI - HIỂU LAM/VTC News 25/06/2024 18:57

Theo chuyên gia, 2 năm làm xong luận án tiến sĩ như ông Thích Chân Quang (Vương Tấn Việt) là bất thường, còn người hướng dẫn nói việc này hoàn toàn bình thường.

PGS Nguyễn Tiến Trung, giảng viên một trường đại học ở TP.HCM bày tỏ việc các cử nhân chính quy loại giỏi học thẳng lên tiến sĩ không hiếm, điều này đã được Bộ GD&ĐT cho phép và các trường thực hiện nhiều năm trở lại đây.

Tuy nhiên, việc một cử nhân hệ vừa học vừa làm (hệ tại chức) học thẳng lên bậc tiến sĩ không nhiều, "có thể coi là hiếm". PGS Nguyễn Tiến Trung cho rằng người học hệ vừa học vừa làm đa số đã lớn tuổi hoặc chỉ nhu cầu có bằng đại học để đáp ứng chuẩn yêu cầu nghề nghiệp, không theo hướng nghiên cứu học thuật.

Bằng tiến sĩ của ông Thích Chân Quang: Chuyên gia nói bất thường, người hướng dẫn nói bình thường- Ảnh 1.
Ông Thích Chân Quang (giữa) nhận bằng tiến sĩ trường Đại học Luật Hà Nội.

Hai điểm bất thường

Cũng theo PGS Nguyễn Tiến Trung, quy chế đào tạo chung của Bộ GD&ĐT nêu rõ, thời gian để hoàn thành bậc tiến sĩ tiêu chuẩn là 3 - 4 năm. Chỉ nghiên cứu sinh nào đặc biệt xuất sắc, được hiệu trưởng trường đại học phê duyệt mới có thể rút ngắn thời gian hoàn thành xuống tối đa 36 tháng (3 năm). Trong khi đó, ông Thích Chân Quang lại chỉ cần 25 tháng (hơn 2 năm) để hoàn thành. Vị chuyên gia phân tích hai điểm bất thường trong trường hợp này.

Thứ nhất, thời gian đào tạo và bảo vệ luận án tiến sĩ của ông Thích Chân Quang ngắn hơn rất nhiều so với quy định. Điều này cần xem xét lại quy chế của trường Đại học Luật Hà Nội trong đào tạo tiến sĩ và quy trình thẩm định kết quả học tập của nhà trường.

Thứ hai, thông thường, một cử nhân loại giỏi học thẳng lên tiến sĩ sẽ phải học bổ sung từ 4 - 8 môn (trung bình mỗi môn 2 - 3 tín chỉ). Các nghiên cứu sinh sẽ cần tới gần 1 năm để hoàn thành hết số tín chỉ bổ sung theo quy định.

Sau đó các nghiên cứu sinh sẽ tự làm việc, tự học tập, bổ sung đầy đủ các kiến thức ở bậc tiến sĩ, quãng thời gian này mất khoảng gần 2 năm. Như vậy, để hoàn thành các nội dung đào tạo tiến sĩ, nghiên cứu sinh cần tối thiểu 3 năm, tiếp đó mới bước vào giai đoạn nghiên cứu, thực hiện khảo sát, viết luận án.

"Tôi chưa từng gặp nghiên cứu sinh nào học thẳng từ cử nhân lên mà hoàn thành chương trình tiến sĩ trong 2 năm. Trừ trường hợp nhà trường dồn toàn lực cho nghiên cứu sinh, dạy ngày dạy đêm, thậm chí tổ chức dạy cả cuối tuần mới chạy đủ các nội dung kiến thức bổ sung. Người học cũng phải 'siêu nhân lắm' mới có thể tiếp thu và hoàn thành được chương trình với thời gian siêu ngắn", PGS Trung phân tích.

Một nữ giảng viên trường Đại học Kinh tế Quốc dân ngạc nhiên trước câu chuyện ông Thích Chân Quang hoàn thành bậc tiến sĩ chỉ trong 2 năm vì "thông thường ai nhanh nhất cũng phải hơn 4 năm, người nào 3 năm đã quá giỏi".

Chia sẻ câu chuyện bản thân, vị nữ giảng viên kể: "Năm 2010, sau khi tốt nghiệp đại học loại xuất sắc, tôi chọn học thẳng lên bậc tiến sĩ nhằm rút ngắn thời gian học tập, nghiên cứu. Dù vậy cũng mất tới 5 năm mới bảo vệ thành công luận văn tiến sĩ, bởi khâu đăng bài báo khoa học sẽ mất nhiều thời gian".

Ngoài việc học, nghiên cứu, các nghiên cứu sinh còn phải tự khảo sát, tham gia nhiều hội thảo, toạ đàm, bảo vệ trước hội đồng cấp khoa, cấp trường... rất vất vả mới có thể hoàn thành.

Do đó, vị giảng viên này đánh giá việc hoàn thành chương trình học tiến sĩ chỉ trong 2 năm là điều không khả thi, cần xem xét đánh giá lại chất lượng luận án của ông Thích Chân Quang.

Lời nhận xét 'có cánh'

Là giảng viên cao cấp, nguyên Phó trưởng khoa Pháp luật hành chính - Nhà nước, GS Nguyễn Minh Đoan được trường Đại học Luật Hà Nội giao nhiệm vụ hướng dẫn ông Thích Chân Quang thực hiện luận án tiến sĩ, đề tài "Nghĩa vụ con người trong pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam".

GS Nguyễn Minh Đoan cho biết luận văn của ông Thích Chân Quang tập trung giải quyết nội dung liên quan đến định chế quốc tế về quyền con người. Nghĩa vụ nói chung của con người với Nhà nước, với cộng đồng, mới là nền tảng tiên quyết của quyền con người và nghĩa vụ phải được hoàn thành trước, sau đó công dân mới có cơ sở đòi hỏi quyền.

Toàn bộ từ ý tưởng nghiên cứu đến nội dung đều do ông Thích Chân Quang đề xuất và thực hiện, GS Đoan chỉ đóng vai trò là người hướng dẫn đưa các ý tưởng vào khuôn mẫu luận án theo yêu cầu của trường Đại học Luật Hà Nội và Bộ GD&ĐT.

Bằng tiến sĩ của ông Thích Chân Quang: Chuyên gia nói bất thường, người hướng dẫn nói bình thường- Ảnh 2.
GS Nguyễn Minh Đoan (trái) và ông Thích Chân Quang trong buổi bảo vệ luận án tiến sĩ. (Ảnh: HLU)

GS Nguyễn Minh Đoan cho rằng, đây là vấn đề nghiên cứu lớn và đột phá. "Tôi từng hướng dẫn nhiều nghiên cứu sinh nhưng đây là trường hợp đặc biệt", vị này nói.

GS Nguyễn Minh Đoan phân tích rằng về tốc độ luận án, nghiên cứu sinh Thích Chân Quang thực hiện rất nhanh. Ông Đoan đánh giá ông Thích Chân Quang là người có năng lực, đam mê nghiên cứu khoa học chứ không phải làm vì nghĩa vụ, làm cho có.

Nguyên Phó trưởng khoa Pháp luật hành chính - Nhà nước cũng thông tin thêm, trong suốt quá trình học tập, nghiên cứu luận án tiến sĩ, ông Thích Chân Quang hoàn thành đầy đủ các yêu cầu với một nghiên cứu sinh.

Trước đó, trả lời VTC News, ông Tô Văn Hòa, Phó hiệu trưởng trường Đại học Luật Hà Nội khẳng định, việc đào tạo và cấp bằng tiến sĩ cho ông Thích Chân Quang đúng theo quy định của trường và Bộ GD&ĐT.

Theo quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ của Bộ GD&ĐT, đối tượng học lên tiến sĩ gồm cử nhân, thạc sĩ. Trong đó, cử nhân phải tốt nghiệp loại giỏi trở lên thì được học thẳng lên tiến sĩ. "Ông Thích Chân Quang tốt nghiệp cử nhân loại giỏi, đủ điều kiện học thẳng lên trình độ tiến sĩ ngành Luật hiến pháp - hành chính" , ông Hòa nói.

Theo phó hiệu trưởng trường Đại học Luật Hà Nội, sau 2 năm nghiên cứu ông Thích Chân Quang đáp ứng được những điều kiện về thời gian đào tạo nên được bảo vệ luận án sớm. Tất cả các quy trình đều đầy đủ theo các bước theo quy định của Bộ GD&ĐT.

Tháng 6/2019, trường Đại học Luật Hà Nội công bố phương án tuyển nghiên cứu sinh năm 2019, trong đó quy định rõ với người có bằng cử nhân luật hệ chính quy loại giỏi trở lên do các trường đại học trong nước cấp được phép học thẳng lên tiến sĩ. Sau khi trúng tuyển, thí sinh phải học bổ sung kiến thức ở trình độ thạc sĩ của ngành đào tạo tiến sĩ đã trúng tuyển.

Tuy nhiên đến ngày 30/9/2019 nhà trường lại thông báo điều chỉnh điều kiện tuyển nghiên cứu sinh "bằng cử nhân luật loại giỏi trở lên do các trường đại học trong nước cấp được học thẳng lên tiến sĩ".

Tháng 11/2019, trường Đại học Luật Hà Nội phê duyệt và công bố danh sách thí sinh trúng tuyển nghiên cứu sinh luật đợt 2. Trong đó có ông Thích Chân Quang (tên thật Vương Tấn Việt) là nghiên cứu sinh ngành Luật hiến pháp và luật hành chính.

Tính từ thời gian trúng tuyển (tháng 11/2019) đến khi bảo vệ luận án tiến sĩ vào tháng 12/2021, ông Thích Chân Quang hoàn thành mọi công việc trong 25 tháng.

Theo VTC News
https://vtcnews.vn/bang-tien-si-cua-ong-thich-chan-quang-chuyen-gia-noi-bat-thuong-nguoi-huong-dan-noi-binh-thuong-ar879264.html
Copy Link
https://vtcnews.vn/bang-tien-si-cua-ong-thich-chan-quang-chuyen-gia-noi-bat-thuong-nguoi-huong-dan-noi-binh-thuong-ar879264.html
Bài liên quan
Trường đại học công bố phương thức tuyển sinh 2025 và hàng loạt chính sách học bổng
Một số trường đại học tại TP Hồ Chí Minh đã lần lượt công bố phương án tuyển sinh dự kiến năm 2025, đồng thời cam kết không tăng học phí cùng với các chính sách học bổng “khủng” dành cho thí sinh trúng tuyển.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bằng tiến sĩ của ông Thích Chân Quang: Chuyên gia nói bất thường, người hướng dẫn nói bình thường